Tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 7, thầy Tước tham gia sự thi với mô hình “Máy in 3D (3 chiều)”, dùng vật liệu nhựa dạng rải dây nóng chảy.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Tước sinh năm 1971, nguyên là học sinh khóa 1, ngành Điện công nghiệp - Trường trung học Địa chất 2 (nay là Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa). Năm 1994, thầy tốt nghiệp loại xuất sắc nên được giữ lại trường làm giáo viên. Từ đó, thầy luôn không ngừng phấn đấu rèn luyện, nhất là chính từ môi trường làm việc này đã giúp anh có thêm những sáng tạo mới cùng với đam mê nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy vì học sinh thân yêu.
Công nghệ in 3D xuất hiện từ thập niên 80 nhưng đến năm 1990 mới được thương mại hóa và không ngừng cải tiến để hạ giá thành. Hiện công nghệ in 3D tiên tiến đang ngày càng phát triển, hứa hẹn sẽ thế chỗ ngành công nghiệp sản xuất cổ điển. Không chỉ giúp cho việc chế tạo khuôn mẫu được chính xác và dễ dàng hơn mà còn tìm được nhiều ứng dụng trong thực tế cuộc sống.
Máy in 3D thực tế là một loại robot công nghiệp. Dựa trên yêu cầu của bản thiết kế, máy in sử dụng nguyên vật liệu để tạo ra các lớp có độ dày khoảng 0,05-0,1mm. Các lớp này xếp liên tiếp với nhau theo mặt cắt của sản phẩm cho đến khi hoàn thành. Tùy vào độ phức tạp của đồ vật cũng như phương pháp in mà việc chế tạo mất từ vài giờ đến vài ngày là hoàn thiện đầy đủ chi tiết cả bên trong lẫn bên ngoài chỉ trong một lần thực hiện mà các phương pháp truyền thống không thể chế tạo được.
Chia sẻ về công dụng của sáng tạo này, thầy Tước bày tỏ: Trong dạy học, máy in 3D có thể ứng dụng để giảng dạy nhiều ngành hoặc chuyên ngành khác nhau, đối với cơ khí có thể áp dụng vào dạy môn robot công nghiệp hoặc dùng để chế tạo phôi mẫu trong việc giảng dạy các môn thiết kế 3D, còn đối với điện có thể dạy về lập trình vi điều khiển, hệ thống cơ điện tử… Vật liệu có thể dùng để in sản phẩm như: Nhựa, kim loại hay các loại vật liệu nóng chảy khác ở dạng khối, dạng lỏng hay bột bụi được đưa vào máy dạng rải dây nóng chảy hoặc ống chứa các giọt vật liệu được làm nóng chảy.
Tính đến nay đã hơn 20 năm đứng trên bục giảng, thầy Tước luôn khắc phục khó khăn, hết lòng tận tụy với học sinh, sinh viên và thực hiện phương châm “Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn”. Riêng đối với loại hình đào tạo hệ kỹ thuật thì “trăm nghe không bằng một thấy” nên thầy dày công nghiên cứu và đã thực hiện thành công nhiều mô hình học cụ phục vụ giảng dạy và đạt nhiều giải cao trong các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp toàn quốc, các hội thi thiết bị dạy nghề cấp toàn quốc và các hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Phú Yên. Tiêu biểu như giải ba cuộc thi thiết bị dạy nghề (tự làm) cấp toàn quốc lần thứ nhất do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH) tổ chức tại Đồng Nai năm 2005 với sản phẩm “Bàn thực tập trang bị điện” và “Môđun lập trình PLC”; giải ba Hội giảng cấp toàn quốc lĩnh vực giáo viên dạy nghề tổ chức tại Thanh Hóa năm 2009; giải ba cuộc thi Thiết bị dạy nghề (tự làm) cấp toàn quốc lần thứ hai do Tổng cục Dạy nghề tổ chức tại Hà Nội năm 2010 với sản phẩm “Mô hình robot công nghiệp”, kết hợp giữa khoa Điện và khoa Cơ khí; giải khuyến khích cuộc thi Thiết bị dạy nghề (tự làm) cấp toàn quốc lần thứ ba do Tổng cục Dạy nghề tổ chức tại Khánh Hòa năm 2013 với sản phẩm “Mô hình thang máy 4 tầng”; sản phẩm “Hệ thống đèn tín hiệu giao thông không dây” đoạt giải khuyến khích cuộc thi Thiết bị dạy nghề (tự làm) cấp toàn quốc năm 2016; giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 7 với sản phẩm “Máy in 3D”…
Khi trao đổi về những thành tích của Thầy, không do dự, thầy bày tỏ: Theo quan điểm của thầy, hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ kỹ thuật không chỉ có ý nghĩa tạo sân chơi bổ ích, mà còn khơi dậy sự đam mê sáng tạo cho bản thân và cả học sinh. Nếu các em học sinh được quan tâm, tạo điều kiện, động viên, khuyến khích, cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của thầy cô giáo thì ý tưởng sáng tạo sẽ trở thành những sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống. Chính vì thế, trong quá trình giảng dạy, thầy luôn hướng học sinh đến với hoạt động nghiên cứu khoa học, thầy luôn nhắn nhủ rằng: "Các sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật phải lấy ý tưởng từ cuộc sống". Các em hãy vận dụng kiến thức vào thực tiễn, quan sát, phân tích môi trường xung quanh. Bởi toàn bộ môi trường sống xung quanh là cội nguồn cho sự sáng tạo. Ý tưởng trong sáng tạo khoa học, kỹ thuật chính là quá trình phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Từ đó sẽ kích thích niềm hứng thú, đam mê của học sinh để các em luôn tìm tòi sáng tạo và suy nghĩ sáng tạo.
Tận tụy, đam mê, sáng tạo trong giảng dạy nhưng mục đích lớn nhất của thầy Nguyễn Thanh Tước đó là những công trình của mình có thể giúp ích cho sinh viên, để họ được tiếp xúc, làm quen với các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại. Bởi theo thầy, quá trình học tập ở nhà trường và khi ra làm việc khác nhau rất nhiều. Nếu không được thực hành, liên hệ thực tiễn thì sinh viên ra trường sẽ rất khó để tiếp cận với công việc. Bởi vậy, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên phải thực hành, tiếp xúc càng nhiều với máy móc thì tay nghề sẽ càng cao. Là người thầy có tâm, giỏi cả lý thuyết lẫn thực hành, thầy Tước đã góp phần cùng khoa Điện Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa đào tạo nhiều lớp học sinh, sinh viên giỏi đã tốt nghiệp và đảm nhận nhiều vị trí xứng đáng trong xã hội.
Nhận xét về giải pháp tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 7, Th.S Nguyễn Hoài Sơn – Chủ tịch Liên hiệp Hội, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi cho biết: Hội thi lần này có khá nhiều giải pháp tham gia, trong đó có giải pháp “Máy in 3D” của Thầy giáo Nguyễn Thanh Tước. Giải pháp này được BTC đánh giá cao và trao giải Nhì vì chiếc máy in 3D có thể in các chi tiết có hình dạng, kết cấu phức tạp và đòi hỏi độ chính xác cao…
Bình luận