Đó là một người mà tôi không dám so sánh với bậc thi sĩ như Bùi Giáng, người có một thuở điên… rực rỡ. Nhưng ở con người này cũng có nét tỉnh - điên tài hoa và lôi cuốn mọi người. Nếu ở Bùi Giáng vừa là người điên vừa là thức giả, là thi sĩ của ngôn từ thì với người này, một người vừa điên vừa là một tay cầm, một giọng hát rất tài tử...
Qua lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi được biết có một người tuy “điên” nhưng rất “tài tử” đang sống ở một xóm nhỏ hẻo lánh của vùng nông thôn đất “công tử” Bạc Liêu. Chiếc xuồng đưa chúng tôi lướt qua nhiều nhánh sông ngoằn ngoèo, xa hun hút lá dừa nước. Trên mặt sông từng khóm lục bình bềnh bồng, uốn lượn theo sóng nước.
Vừa tìm đến nhà thì Minh, bạn tôi cũng là cháu ruột chú Út đon đả ra đón và chỉ ngay: “Chú tao đang ngồi hút thuốc đó”. Tay cầm điếu thuốc rê, chú Út vừa nhả mấy làn khói vừa đưa ánh nhìn chúng tôi chậm chạp, đờ đẫn, vô hồn...
Sinh năm 1957, trong một gia đình trung nông khá giả, nhà có đến 13 anh chị em, chú con út, tên Mong. Nhiều năm qua, khi hỏi đến tên chú thì rất nhiều người trong ấp đều biết. Người ta biết chú không phải do cha mẹ hay anh chị có quyền thế, hoặc giàu “bể bồ lúa” mà biết bởi chú là một người bị bệnh tâm thần nhưng có khả năng đặc biệt.
Chú Mười, anh ruột Út Mong, người đang nuôi chú cho biết: “Sở dĩ người ta gọi em nó điên là vì hằng ngày em nó không đi làm, không nói chuyện với bất cứ ai, cứ tới bữa cơm thì lên ăn, ăn xong, hút mấy điếu thuốc rồi ngủ vậy đó…”. Minh cũng nói thêm: “Chú Út không tự tắm giặt, không tự cạo râu được nên phải nhờ con cháu, cứ như vậy suốt gần 20 năm nay không thay đổi”.
Ngồi quây quần trên chiếc chiếu được trải dưới đất trước nhà, bên chén trà trò chuyện, thi thoảng thấy chú Út nhìn chúng tôi với ánh mắt tươi tắn hơn ban đầu. Câu chuyện có điều gì vui chú cũng nở nụ cười đến nhăn nheo khóe miệng. Chú Út có gương mặt chữ điền hiền hậu, đôi mắt sâu phảng phất nỗi buồn man mát, xa xăm, da ngăm, mái tóc đã màu “muối tiêu”, râu đen dày chớm môi nhưng trông vẫn thấy trẻ hơn so với tuổi.
Mọi người kể, chú phát bệnh không đột xuất, không bất thường mà biến chuyển từng ngày. Năm đó, gia đình xảy ra mâu thuẫn, vợ con chú bỏ về bên ngoại ở. Chú thường lên xóm Đồng ở nhà người anh ruột thứ 10 cho đỡ buồn. Mỗi ngày, chú chỉ biết ăn, nhậu, ngủ và đi chơi đây đó với mấy nhà hàng xóm. Nhưng càng về sau, nhất là những buổi chiều về, chú hay đứng thẫn thờ nhìn xa xăm. Thấy vậy, những lúc bên mâm rượu mọi người khuyên can nhưng thấy sự tình không thuyên giảm.
Rồi một ngày, cách đây gần 20 năm, nhà người chị thứ 4 có đám hỏi và chú sang chơi. Khi mọi người đang “chén chú chén anh” thì ở nhà bếp, chú tự mình đưa ngón trỏ vào lò than đỏ rực rồi dùng dao chặt đứt lìa một đốt... Và từ đó tới nay chú trở nên tỉnh tỉnh điên điên như thế...
Mọi người kể, ban đầu có đưa chú đi một số bệnh viện khám nhưng các bác sĩ chỉ khuyên đưa về chăm sóc một thời gian xem sao. Ở nhà anh chị, vợ con đều về thăm nom chăm sóc nhưng không thấy bệnh tình tiến triển. Hỏi thì chú không nói, lâu lâu hay ra vườn chửi huyên thuyên ai đó một vài câu rồi lại thôi. Nghe nhiều người mách bảo đi coi thầy xem có bị “yếm bùa” (người miền Tây gọi là yếm bùa chứ không phải yểm bùa - PV) gì không nên mọi người chèo ghe đi tìm chữa trị.
Lần đó, không hiểu sao, khi ghe cập bến, vừa dắt chú lên nhà thì thầy nhìn mặt chú liền phán: “Nam này bị nhiều loại bùa, bị yếm nhiều lần nên khó gỡ lắm, thầy chỉ có thể lấy một lá thôi”. Sau đó thầy xem tay của chú Út và bảo mọi người về nhà tìm một cái miếu ngay ngã ba sông, cách nhà 3 cây số, dưới lư hương trong miếu có một lá bùa, lấy xong mang lại cho thầy xem.
Y lời thầy, đúng hẹn mọi người mang lá bùa tới, thầy xem xong và họa ra chân dung của 3 người phụ nữ là những người đi yếm chú. Sau đó thầy phán: “Nam này rất khó thoát nạn lắm vì người yếm đã thề với chủ là nếu không làm cho nam này điên tới chết thì bà ta sẽ chết”... Sau ông thầy đó, mọi người còn tìm đến nhiều ông, bà thầy khác và mỗi thầy đều “truy” ra được một lá bùa! Mọi người cho rằng, dường như không một tay thầy nào đủ “cao tay ấn” hơn bà thầy đã yếm nên chú út vẫn không khỏi.
Nếu chú Út chỉ điên thôi thì chắc có lẽ mọi người cũng không lấy gì làm ngạc nhiên hay chú ý và vì thế, sẽ không thể “nổi tiếng”. Nhưng trong cái điên của chú lại tiềm ẩn một con người rất lạ – một người điên tài tử, đờn hay, hát giỏi, nức tiếng xóm làng.
Thuở còn trai trẻ, vì là gia đình có học thức, kinh tế khá giả nên chú được học hành đàng hoàng, giao du rộng rãi. Ngay từ nhỏ chú đã có máy cassette để nghe và vì thế, chú trở nên mê đờn ca tài tử, cải lương Nam Bộ từ rất sớm. Những bài ca, những vở tuồng gắn liền với những tên tuổi nghệ sĩ vang bóng một thời như: Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, ông hoàng đĩa nhựa Tấn Tài, trầm ca Hữu Phước, sầu nữ Út Bạch Lan, nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, Rồi Thành Được, Thanh Hương, Mỹ Châu, Minh Phụng, Thanh Tuấn, Phượng Liên... là những người chú rất ngưỡng mộ.
Nghe nhiều sinh nghiền, từng bài ca, vở tuồng chú như nằm lòng. Chú còn mê những ngón đờn của các danh cầm khiếm thị như Đệ nhất danh cầm ghi-ta phím lõm Văn Vĩ, hay Văn Giỏi, Khải Hoàn... Chú học đờn ghi ta phím lõm và hay tổ chức đờn ca với bạn bè vào mỗi dịp đám tiệc trong xóm. Cứ vậy, ngón đờn của chú ngày một điêu luyện, âm thanh bay bổng, nhấn nhá trữ tình; giọng hát ngày một khỏe khoắn, âm giọng trầm ấm, ngân nga mùi mẫn. Nhiều người biết chú sống với phong cách hào sảng, tài tử phong lưu nên hay tìm đến nhà giao du kết bạn. Đặc biệt giọng hát, nhiều người ví chú là “em” Út Trà Ôn!...
Và dù chú điên đã gần 20 năm nhưng ngần ấy năm chú vẫn chơi đờn, vẫn cất cao giọng hát khi có cuộc vui vầy bên mâm rượu. Nghe thì lạ, khó tin nhưng điều đó ai ai cũng công nhận là thật.
Câu chuyện dăm lúc thì hàng xóm đã đến chơi nhà đến gần mươi người. Tiệc rượu cũng bày ra trước mắt. Nồi lươn um rau ngỗ thơm lừng, khói bay nghi ngút. Từng ly rượu đi qua với những lời giới thiệu, hỏi thăm và câu chuyện về chú Út được tiếp tục một cách say sưa, nóng bỏng, đặc quoánh như rượu cạn đáy ly...
Tuy bình thường không nói năng gì nhưng khi mọi người có tiệc rượu thì chú như một con người khác hoàn toàn. Ai hỏi gì về chuyện gia đình, bè bạn chú đều trả lời trúng phóc... Giữa đêm khuya, mâm rượu càng trở nên ấm cúng, câu chuyện càng thêm nồng nàn giữa trời đất và người phương Nam.
Chúng tôi mời chú Út trình diễn cho xem khả năng vừa đờn vừa hát của mình. Một kỹ thuật mà không phải người chơi đờn tài tử nào cũng làm được. Chú lấy đờn so dây nắn phím. Từng ngón tay chú cứ thanh thoát, búng bẩy, nhấn nhá linh hoạt trên cung phím. Rao qua vài điệu rồi theo lời yêu cầu chú hát liền mấy câu của 4 bản: Tình anh bán chiếu, Lưu Bình Dương Lễ, Võ Đông Sơ, Lan và Điệp.
Nhưng vừa hát chú vừa nước mắt lưng tròng! Một vài người cũng rưng rưng! Chú bảo: “Giờ có mấy ai ca qua Út Trà Ôn, Thành Được, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ”! Một hoài niệm, một niềm nhớ tiếc một thuở xa xăm! Ngồi uống rượu cùng chú, thật lấy làm lý thú khi nghe chú bình về nghệ sĩ này, giọng ca nọ của thời nay và thời xưa. Nghe mà thấm thía trong lòng!
Không một ai có thể giải thích được điều này và không biết trong đầu chú nghĩ gì. Tôi hỏi chú vì sao thường ngày chú không nói chuyện, chú nhìn tôi vui vẻ: “Muốn nói mà nói không được, tại nó không cho nói!”. Tôi hỏi nó là ai, chú nhăn mặt: “Không biết nữa!”.
Cho đến nay tôi vẫn không hiểu vì sao chú Út lại có thể tỏ ra “tỉnh bơ” khi ngồi bên mâm rượu, đờn, ca, nói chuyện với chúng tôi gần thâu đêm suốt sáng! Nhưng sau cuộc rượu “tương ngộ” ấy, chú lại trở về một con người hoàn toàn khác. Một con người mà người ta vẫn bảo là “điên”!
Riêng tôi lại nghĩ chú không phải là một người điên. Chú đang sống với mình, với cuộc đời này bằng một thế giới khác. Thế giới đó chỉ dành cho riêng chú và tự chú hiểu mà thôi...
Qua lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi được biết có một người tuy “điên” nhưng rất “tài tử” đang sống ở một xóm nhỏ hẻo lánh của vùng nông thôn đất “công tử” Bạc Liêu. Chiếc xuồng đưa chúng tôi lướt qua nhiều nhánh sông ngoằn ngoèo, xa hun hút lá dừa nước. Trên mặt sông từng khóm lục bình bềnh bồng, uốn lượn theo sóng nước.
Vừa tìm đến nhà thì Minh, bạn tôi cũng là cháu ruột chú Út đon đả ra đón và chỉ ngay: “Chú tao đang ngồi hút thuốc đó”. Tay cầm điếu thuốc rê, chú Út vừa nhả mấy làn khói vừa đưa ánh nhìn chúng tôi chậm chạp, đờ đẫn, vô hồn...
Sinh năm 1957, trong một gia đình trung nông khá giả, nhà có đến 13 anh chị em, chú con út, tên Mong. Nhiều năm qua, khi hỏi đến tên chú thì rất nhiều người trong ấp đều biết. Người ta biết chú không phải do cha mẹ hay anh chị có quyền thế, hoặc giàu “bể bồ lúa” mà biết bởi chú là một người bị bệnh tâm thần nhưng có khả năng đặc biệt.
Chú Út. |
Chú Mười, anh ruột Út Mong, người đang nuôi chú cho biết: “Sở dĩ người ta gọi em nó điên là vì hằng ngày em nó không đi làm, không nói chuyện với bất cứ ai, cứ tới bữa cơm thì lên ăn, ăn xong, hút mấy điếu thuốc rồi ngủ vậy đó…”. Minh cũng nói thêm: “Chú Út không tự tắm giặt, không tự cạo râu được nên phải nhờ con cháu, cứ như vậy suốt gần 20 năm nay không thay đổi”.
Ngồi quây quần trên chiếc chiếu được trải dưới đất trước nhà, bên chén trà trò chuyện, thi thoảng thấy chú Út nhìn chúng tôi với ánh mắt tươi tắn hơn ban đầu. Câu chuyện có điều gì vui chú cũng nở nụ cười đến nhăn nheo khóe miệng. Chú Út có gương mặt chữ điền hiền hậu, đôi mắt sâu phảng phất nỗi buồn man mát, xa xăm, da ngăm, mái tóc đã màu “muối tiêu”, râu đen dày chớm môi nhưng trông vẫn thấy trẻ hơn so với tuổi.
Mọi người kể, chú phát bệnh không đột xuất, không bất thường mà biến chuyển từng ngày. Năm đó, gia đình xảy ra mâu thuẫn, vợ con chú bỏ về bên ngoại ở. Chú thường lên xóm Đồng ở nhà người anh ruột thứ 10 cho đỡ buồn. Mỗi ngày, chú chỉ biết ăn, nhậu, ngủ và đi chơi đây đó với mấy nhà hàng xóm. Nhưng càng về sau, nhất là những buổi chiều về, chú hay đứng thẫn thờ nhìn xa xăm. Thấy vậy, những lúc bên mâm rượu mọi người khuyên can nhưng thấy sự tình không thuyên giảm.
Rồi một ngày, cách đây gần 20 năm, nhà người chị thứ 4 có đám hỏi và chú sang chơi. Khi mọi người đang “chén chú chén anh” thì ở nhà bếp, chú tự mình đưa ngón trỏ vào lò than đỏ rực rồi dùng dao chặt đứt lìa một đốt... Và từ đó tới nay chú trở nên tỉnh tỉnh điên điên như thế...
Mọi người kể, ban đầu có đưa chú đi một số bệnh viện khám nhưng các bác sĩ chỉ khuyên đưa về chăm sóc một thời gian xem sao. Ở nhà anh chị, vợ con đều về thăm nom chăm sóc nhưng không thấy bệnh tình tiến triển. Hỏi thì chú không nói, lâu lâu hay ra vườn chửi huyên thuyên ai đó một vài câu rồi lại thôi. Nghe nhiều người mách bảo đi coi thầy xem có bị “yếm bùa” (người miền Tây gọi là yếm bùa chứ không phải yểm bùa - PV) gì không nên mọi người chèo ghe đi tìm chữa trị.
Lần đó, không hiểu sao, khi ghe cập bến, vừa dắt chú lên nhà thì thầy nhìn mặt chú liền phán: “Nam này bị nhiều loại bùa, bị yếm nhiều lần nên khó gỡ lắm, thầy chỉ có thể lấy một lá thôi”. Sau đó thầy xem tay của chú Út và bảo mọi người về nhà tìm một cái miếu ngay ngã ba sông, cách nhà 3 cây số, dưới lư hương trong miếu có một lá bùa, lấy xong mang lại cho thầy xem.
Chú Út chơi đàn. |
Y lời thầy, đúng hẹn mọi người mang lá bùa tới, thầy xem xong và họa ra chân dung của 3 người phụ nữ là những người đi yếm chú. Sau đó thầy phán: “Nam này rất khó thoát nạn lắm vì người yếm đã thề với chủ là nếu không làm cho nam này điên tới chết thì bà ta sẽ chết”... Sau ông thầy đó, mọi người còn tìm đến nhiều ông, bà thầy khác và mỗi thầy đều “truy” ra được một lá bùa! Mọi người cho rằng, dường như không một tay thầy nào đủ “cao tay ấn” hơn bà thầy đã yếm nên chú út vẫn không khỏi.
Nếu chú Út chỉ điên thôi thì chắc có lẽ mọi người cũng không lấy gì làm ngạc nhiên hay chú ý và vì thế, sẽ không thể “nổi tiếng”. Nhưng trong cái điên của chú lại tiềm ẩn một con người rất lạ – một người điên tài tử, đờn hay, hát giỏi, nức tiếng xóm làng.
Thuở còn trai trẻ, vì là gia đình có học thức, kinh tế khá giả nên chú được học hành đàng hoàng, giao du rộng rãi. Ngay từ nhỏ chú đã có máy cassette để nghe và vì thế, chú trở nên mê đờn ca tài tử, cải lương Nam Bộ từ rất sớm. Những bài ca, những vở tuồng gắn liền với những tên tuổi nghệ sĩ vang bóng một thời như: Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, ông hoàng đĩa nhựa Tấn Tài, trầm ca Hữu Phước, sầu nữ Út Bạch Lan, nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, Rồi Thành Được, Thanh Hương, Mỹ Châu, Minh Phụng, Thanh Tuấn, Phượng Liên... là những người chú rất ngưỡng mộ.
Nghe nhiều sinh nghiền, từng bài ca, vở tuồng chú như nằm lòng. Chú còn mê những ngón đờn của các danh cầm khiếm thị như Đệ nhất danh cầm ghi-ta phím lõm Văn Vĩ, hay Văn Giỏi, Khải Hoàn... Chú học đờn ghi ta phím lõm và hay tổ chức đờn ca với bạn bè vào mỗi dịp đám tiệc trong xóm. Cứ vậy, ngón đờn của chú ngày một điêu luyện, âm thanh bay bổng, nhấn nhá trữ tình; giọng hát ngày một khỏe khoắn, âm giọng trầm ấm, ngân nga mùi mẫn. Nhiều người biết chú sống với phong cách hào sảng, tài tử phong lưu nên hay tìm đến nhà giao du kết bạn. Đặc biệt giọng hát, nhiều người ví chú là “em” Út Trà Ôn!...
Và dù chú điên đã gần 20 năm nhưng ngần ấy năm chú vẫn chơi đờn, vẫn cất cao giọng hát khi có cuộc vui vầy bên mâm rượu. Nghe thì lạ, khó tin nhưng điều đó ai ai cũng công nhận là thật.
Câu chuyện dăm lúc thì hàng xóm đã đến chơi nhà đến gần mươi người. Tiệc rượu cũng bày ra trước mắt. Nồi lươn um rau ngỗ thơm lừng, khói bay nghi ngút. Từng ly rượu đi qua với những lời giới thiệu, hỏi thăm và câu chuyện về chú Út được tiếp tục một cách say sưa, nóng bỏng, đặc quoánh như rượu cạn đáy ly...
Tuy bình thường không nói năng gì nhưng khi mọi người có tiệc rượu thì chú như một con người khác hoàn toàn. Ai hỏi gì về chuyện gia đình, bè bạn chú đều trả lời trúng phóc... Giữa đêm khuya, mâm rượu càng trở nên ấm cúng, câu chuyện càng thêm nồng nàn giữa trời đất và người phương Nam.
Chúng tôi mời chú Út trình diễn cho xem khả năng vừa đờn vừa hát của mình. Một kỹ thuật mà không phải người chơi đờn tài tử nào cũng làm được. Chú lấy đờn so dây nắn phím. Từng ngón tay chú cứ thanh thoát, búng bẩy, nhấn nhá linh hoạt trên cung phím. Rao qua vài điệu rồi theo lời yêu cầu chú hát liền mấy câu của 4 bản: Tình anh bán chiếu, Lưu Bình Dương Lễ, Võ Đông Sơ, Lan và Điệp.
Nhưng vừa hát chú vừa nước mắt lưng tròng! Một vài người cũng rưng rưng! Chú bảo: “Giờ có mấy ai ca qua Út Trà Ôn, Thành Được, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ”! Một hoài niệm, một niềm nhớ tiếc một thuở xa xăm! Ngồi uống rượu cùng chú, thật lấy làm lý thú khi nghe chú bình về nghệ sĩ này, giọng ca nọ của thời nay và thời xưa. Nghe mà thấm thía trong lòng!
Không một ai có thể giải thích được điều này và không biết trong đầu chú nghĩ gì. Tôi hỏi chú vì sao thường ngày chú không nói chuyện, chú nhìn tôi vui vẻ: “Muốn nói mà nói không được, tại nó không cho nói!”. Tôi hỏi nó là ai, chú nhăn mặt: “Không biết nữa!”.
Cho đến nay tôi vẫn không hiểu vì sao chú Út lại có thể tỏ ra “tỉnh bơ” khi ngồi bên mâm rượu, đờn, ca, nói chuyện với chúng tôi gần thâu đêm suốt sáng! Nhưng sau cuộc rượu “tương ngộ” ấy, chú lại trở về một con người hoàn toàn khác. Một con người mà người ta vẫn bảo là “điên”!
Riêng tôi lại nghĩ chú không phải là một người điên. Chú đang sống với mình, với cuộc đời này bằng một thế giới khác. Thế giới đó chỉ dành cho riêng chú và tự chú hiểu mà thôi...
TheoNguyên Pháp(Báo Gia đình và Cuộc sống)
Bình luận