• Zalo

Người PVN từng bị cướp ở Venezuela thế nào?

Kinh tếThứ Ba, 09/05/2017 07:40:00 +07:00Google News

Làm việc tại Venezuela trong giai đoạn rất phức tạp, rối ren, người PVN đã nhiều lần bị cướp tới mức lâu lâu không bị cướp thì.... "nhớ".

Cách đây 8 năm, chính phủ Venezuela mà khi đó Tổng thống là ông Hugo Chavez đã quyết định dành cho Việt Nam lô Junin 2, khi đó quốc gia này là tâm điểm đầu tư của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.

Lô này có trữ lượng được đánh giá khoảng 31 tỷ thùng dầu nhưng đây là loại dầu siêu nặng và có độ nhớt cao, giá thành khai thác của loại dầu này thường gấp rưỡi so với các loại khác.Theo lý thuyết nếu thu hồi được 25% trong tổng số 31 tỷ thùng thì việc khai thác cũng phải 100 năm mới hết.

Vào khoảng thời gian đó, người Việt Nam ở Venezuela chỉ có khoảng hơn 40 trừ một số ít là cán bộ nhân viên sứ quán, còn lại là người của Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP). Còn Việt kiều ở Venezuela không đến 10 người và phân tán ở các thành phố khác.

Hinh anh

 Junin 2 nhiều dầu tới mức có thể cháy ngay trên mặt đất. (Ảnh: Phong Sơn)

Những cán bộ, nhân viên của PVEP lúc đó cũng được chia ra, một nhóm làm trên thủ đô Caracas, còn một nhóm khác thì thay nhau làm việc dưới mỏ.

Văn phòng của PVEP là một biệt thự khá đẹp, rộng có đến gần ngàn mét vuông, có hồ bơi, có cây ăn trái, có phòng tập thể dục… Nghe nói, biệt thự này được thuê với giá cực rẻ, chỉ ngang một căn nhà loại xoàng ở Hà Nội.

Hinh anh

Một góc văn phòng của PVEP ở thủ đô Caracas- Venezuela. (Ảnh: Phong Sơn) 

Nhưng nỗi kinh hoàng của mọi người ở đây là nạn cướp bóc. Đây là vấn nạn đáng lo ngại nhất của xã hội Venezuela và của tất cả những người nước ngoài sống và làm việc ở đây.

Bắt nguồn của việc này là vào năm 2007, cố Tổng thống Hugo Chavez với chính sách “không tưởng” đã vô tình tạo ra thói quen “không lao động cũng được hưởng” cho một phần lớn người dân Venezuela.

Người dân ùn ùn kéo về thủ đô, ở đây họ được hưởng một cuộc sống “trong mơ”, hàng ngày chỉ việc xếp hàng để lấy thực phẩm, thậm chí đi nghe Tổng thống nói chuyện cũng được phát tiền. Chính cán bộ, nhân viên PVEP ở đây đã có lúc được triệu tập đi dự lễ mít tinh, nghe ông Chavez nói chuyện và cũng được phát tiền.

Nhưng với nạn tham nhũng và lạm phát tăng một cách chóng mặt, nguồn ngân sách nhà nước cạn kiệt, các nhu yếu phẩm trở nên khan hiếm, và cũng có nhiều người không bằng lòng với mức trợ cấp của chính phủ nên họ đi cướp.

Nhắc đến việc này, anh em PVEP từng làm việc tại đây chỉ có cười. Cười vì bị cướp quá nhiều lần, nhiều đến nỗi không bị cướp lại thấy…nhớ!

Có lẽ rất nhiều người nước ngoài đến Venezuela cũng đã bị dí súng vào đầu một lần, nhưng không thể nhiều bằng người châu Á. Bọn cướp ở đây cũng “kén chọn” lắm, cứ nhằm người mũi tẹt, da vàng, mắt híp là cướp, vì đối với chúng, người châu Á thường kinh doanh buôn bán và có thói quen tiêu tiền mặt, nên ví lúc nào cũng có tiền.

Vào những năm đó, người PVEP luôn cẩn thận mỗi khi ra đường. Nếu có việc phải đi  thì ví, điện thoại tốt nhất nên để ở nhà. Nhưng phải mang ít tiền lẻ để nếu có bị cướp thì cũng có “tí chút” để không mất mạng oan.

Chỉ cần có vài ba chục đô la là bọn cướp vui vẻ ngay, và rất lịch sự còn gracias (cảm ơn) và chào tạm biệt! Thế nên anh em ở đây mới bảo là nhiều lúc nhớ cái cảm giác bị dí súng vào đầu hay dí dao vào mạng sườn lắm!

Hầu hết anh em dầu khí làm ở Venezuela ai cũng đã từng một lần bị cướp, thậm chí có người bị tới…4 lần. Các cán bộ ở sứ quán thì trừ có đại sứ là chưa bị cướp, còn thì ai cũng từng trải qua cảm giác này.

Kinh nghiệm của mọi người ở đây là nếu có bị cướp thì cứ đứng yên, đừng có chống cự không lại ăn đạn. Nếu có tiền thì nên tự giác nộp. Trong trường hợp bọn cướp không lấy được xu nào thì cứ chuẩn bị nhận vài cái bợp tai.

Không chỉ bị cướp nhỏ lẻ ngoài đường, anh em PVEP còn đã bị cướp có tổ chức.

Đó là vào năm 2010, một nhóm cướp được trang bị súng ngắn,  AK đã xông vào trụ sở PVEP. Chúng bắt tất cả nằm úp mặt xuống đất. Và chỉ trong một lát là văn phòng sạch bóng, từ cái máy tính đến nồi nấu cơm…

Trước khi ra về, chúng cũng không quên tạm biệt và cảnh cáo nếu báo cảnh sát thì hậu quả sẽ khôn lường. Chỉ vài hôm sau, có một thanh niên ăn mặc rất bảnh bao tới bấm chuông đàng hoàng và “khen”: ustedes si saben mantener la promesa! Les prometo no volver a molestar de nuevo” (Chúng mày biết giữ lời, từ nay bọn tao sẽ không làm phiền nữa).

Đây chỉ là một trong số hàng ngàn câu chuyện của những người “đi tìm lửa” đã được trải nghiệm ở quốc gia dầu mỏ Venezuela. Tuy là một trải nghiệm không mấy tốt đẹp nhưng lại mà một kỷ niệm đáng nhớ trong đời.

Tình hình an ninh xã hội ở Venezuela dường như không có tín hiệu tích cực khi mà đất nước này đang rơi vào tình trạng hỗn loạn cực độ. Theo nhận định của Văn phòng về ma tuý và tệ nạn xã hội của Liên Hiệp Quốc, năm 2016, ở Venezuela cứ 100.000 người thì có 50 người bị giết, cao hơn cả Colombia là 24 người và Mexico là 31 người.

Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Venezuela hiện nay được nhận định là không có cách giải quyết trừ khi Tổng thống Nicolas Maduro từ chức. Nhưng theo phân tích của các chuyên gia thì giải pháp vấn đề ở đây là một sự đầu tư cực kỳ lớn vào nền công nghiệp dầu mỏ- nguồn thu chính trong nhiều năm của Venezuela. Chỉ vậy mới có thể giải quyết bất ổn về kinh tế và chính trị.

Video:Kinh tế Venezuela tụt dốc, Coca- Cola phải đóng cửa nhà máy

Phong Sơn
Bình luận