• Zalo

Người phụ nữ lấy thân làm 'đạn' cho nòng pháo

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 30/04/2022 12:13:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Màn biểu diễn "súng thần công người" giúp Rossa Matilda Richter nổi danh khắp nơi nhưng cũng khiến bà nhiều lần dính chấn thương vì các lần "phóng" thất bại.

Từ lâu, các rạp xiếc đã nổi tiếng với các pha trình diễn nguy hiểm đến mức khó tin. Một trong những màn biểu diễn nguy hiểm và nổi tiếng nhất cho tới nay là "súng thần công người". Với tiết mục này, các nghệ sỹ xiếc được bắn ra từ một khẩu pháo và đáp xuống đệm bơm hơi hoặc lưới. 

Ngay cả hiện tại, đây cũng không phải là một màn trình diễn an toàn. Do đó, người đầu tiên tự nguyện hoặc cực kỳ dũng cảm, hoặc quá sức liều lĩnh.

Rossa Matilda Richter chính là con người vừa dũng cảm và liều lĩnh đó. 

Richter sinh năm 1860 ở London trong một gia đình có cả bố và mẹ đều làm trong ngành xiếc.  

Richter bắt biểu diễn từ khi 4 tuổi. Những năm tháng sau đó, Richter chú ý quan sát để học cách biểu diễn và đặc biệt là tiếp đất an toàn trong các màn biểu diễn mạo hiểm như nhảy cầu, đu người trên không.

Năm 14 tuổi, bà trở nên nổi tiếng vì nhan sắc xinh đẹp, vóc dáng săn chắc và độ dẻo dai.  

Người phụ nữ lấy thân làm 'đạn' cho nòng pháo  - 1

Richter nổi danh nhờ màn trình diễn mạo hiểm. 

3 năm sau khi mới 17 tuổi, Richter thử thách bản thân khi tham gia vào màn biểu diễn "súng thần công người" mà trước đó chưa ai dám thử nghiệm. 

Nhà phát minh sáng tạo William Leonard Hunt là cha đẻ của ý tưởng "súng thần công người". 

Năm 1871, Hunt được cấp bằng sáng chế cho cơ chế phóng "đạn người" vào lưới an toàn. Tuy nhiên, bản thân Hunt cũng thừa nhận thiết bị này nguy hiểm vì người biểu diễn khó có thể kiểm soát chuyển động và đường đạn. 

Tuy nhiên tới năm 1877, Richter quyết định thử thách bản thân với màn trình diễn với độ khó cao này tại Thủy cung London.

Zazel được bắn ra từ một khẩu pháo kiểu lò xo. Trong khẩu pháo, lò xo cao su được sử dụng để Richter không bị phóng đi quá xa trong trường hợp cô không thể đáp trúng điểm đáp dự kiến. 

Trong màn trình diễn, Rossa di chuyển được 21 m trên không trung và thành công đáp xuống lưới an toàn. 

Các khán giả theo dõi kinh ngạc tới mức nói không nên lời. Cô gái trẻ vốn nổi tiếng giờ càng được biết đến nhiều hơn. 

Màn trình diễn "súng thần công người" của Richter được yêu mến tới mức rạp xiếc sắp xếp bà biểu diễn tiết mục này hai lần một ngày. 

Những buổi diễn có Richter tham gia ở khắp Tây Âu đều cháy vé. Thậm chí có buổi diễn bán được tới 10.000 vé. 

Độ dẻo dai giúp Richter chịu được áp lực khi bị bắn ra nòng pháo trong khi sự nhanh nhạy giúp bà định hướng tốt về điểm đáp. 

Nhưng không phải màn trình diễn "súng thần công người" nào của Richter cũng thành công. 

Lần đầu tiên bà gặp tai nạn là tại Thủy cung Hoàng gia ở Westminster, London.

Tới năm 1879, Richter gặp sự cố khi trình diễn tại Portsmouth. Bà ngã xuyên qua lưới do tấm lưới an toàn có vấn đề. Một số tờ báo khi bắt đầu chỉ trích gay gắt những người yêu cầu Richter trình diễn tiết mục nguy hiểm này.

Sau này, Richter kết hôn với nhà báo George Oscar Starr. Cả hai thành lập công ty Starr Opera năm 1886.

Dù không còn theo nghiệp trình diễn, Richter vẫn trở lại rạp xiếc, tận dụng chuyên môn của mình để cung cấp thêm thông tin cho công chúng về tầm quan trọng của an toàn trong quá trình trình diễn. 

Sau khi nghỉ hưu, Rossa trở lại London cùng chồng. Bà qua đời tại bệnh viện Camberwell House ở Peckham ngày 8/12/1937, hưởng thọ 77 tuổi.

Diệu Hoa(Nguồn: Historic Mysteries)
Bình luận
vtcnews.vn