Video: Hàng trăm tổ chim cói nhìn từ trên cao
Đầu tháng 7, chúng tôi về xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh để tìm gặp bà Đinh Thị Trí (77 tuổi), người “bảo hộ” hàng trăm tổ chim cói. Tiếp chúng tôi đúng lúc đang nới lại hàng rào để ngăn đám trẻ con trèo vào trộm chim, nở nụ cười đôn hậu, bà cất lời chào khách: “Các chú đến thăm đàn cói của tôi đấy à”.
Cưu mang chim cói
Dáng người nhỏ thó, khuôn mặt hằn lên những nếp nhăn nheo theo guồng quay thời gian, ít ai ngờ người phụ nữ này đã tự nguyện chăm sóc, bảo vệ hàng ngàn con chim cói suốt gần 6 thập kỷ qua.
“Khu vườn này do ông cha để lại, không biết đàn cói làm tổ ở đây tự bao giờ nhưng từ khi lấy chồng về đây tôi đã thấy chúng. Đến nay cũng gần 60 năm, tôi làm công việc bảo vệ, chăm sóc đàn chim, không để ai bắn phá”, bà Trí nói.
Bà Trí chia sẻ, bà từng làm giáo viên cấp 1, sau khi về hưu năm 1991, bà dành phần lớn thời gian để chăm sóc, bảo vệ đàn cói.
“Cứ độ rằm tháng 2 Âm lịch đến hết mùa Thu là chim cói sẽ kéo về đây làm tổ. Cuối tháng Tư là giữa mùa giao phối nên chim tập trung đông nhất, có khi hàng ngàn con. Mỗi mùa chúng sẽ đẻ khoảng 3 lứa, mỗi lứa từ 3-5 trứng”, bà Trí bật mí.
Cũng theo bà Trí, thường vào buổi sáng, chim bố mẹ sẽ bay đi kiếm thức ăn, đến gần trưa thì tha mồi về cho con, lúc đó tiếng chim con kêu líu ríu.
Hiện tại, khu vườn rộng chừng 3.000m2 của bà Trí có rất nhiều cây gỗ cao từ 10-15m, theo bà những cây mà chim thích làm tổ là cây bài lài đá. Để chúng lớn được như hiện tại phải mất trên 50 năm, trong vườn giờ chỉ còn khoảng 5 cây loại lớn.
“Trung bình mỗi cây to có khoảng 15-20 tổ chim cói, tuy nhiều tổ như thế nhưng chúng rất đoàn kết, ít cắn nhau. Mỗi khi có kẻ thù xuất hiện là chúng lại thi nhau kêu to để cảnh báo với đàn”, bà Trí cho hay.
“Sợ một ngày chúng không quay lại nữa”
Theo kinh nghiệm đúc kết của bà Trí, tùy vào thời tiết, nếu sang Xuân ấm áp thì đàn cói sẽ về sớm, còn khi rét mướt thì chúng về muộn hơn. Có những năm thời tiết khắc nghiệt, đàn cói về muộn, trong suy nghĩ bà lại dấy lên nỗi lo đàn cói sẽ không còn quay lại đây làm tổ nữa.
“Hai năm trước, bão quật ngã nhiều cây trong vườn, cả đêm tôi thương lũ chim con mà không ngủ được. Tờ mờ sáng, tôi liền ra vườn, chứng kiến lũ chim non nằm dưới đất co ro mà quặn thắt lòng. Lúc ấy, tôi cùng con trai sửa lại tổ để cứu những con chim non”, bà Trí nhớ lại.
Bà Trí tâm sự, trước đây, nhiều loại chim về làm tổ tại khu vườn của bà như cò, vạc, cói...Thế nhưng, vài năm trở lại đây, lượng chim tìm về vườn ít dần, chỉ còn mỗi chim cói.
“Nhiều người dùng súng hơi bắn khiến chim mẹ không dám về chăm con. Có nhiều đêm chim mẹ không về, buổi sáng chim con rơi xuống đất chết. Tôi rất sợ một ngày ngay cả chim cói cũng không về đây làm tổ nữa”, bà Trí trăn trở.
Đối với những chú chim bị thương do người khác bắn, bà Trí sẽ ra sức cứu chữa và thả về tự nhiên. Với nhiều tổ chim non mất mẹ, bà tự tay chăm bẵm đến khi chúng trưởng thành và tự kiếm ăn.
Ông Nguyễn Viết Thuấn – Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc cho hay: “Xã có diện tích đất rừng lớn nhưng duy chỉ có khu vườn của bà Trí là chim hay về làm tổ. Bây giờ, dù lớn tuổi song bà vẫn cố gắng bảo vệ đàn chim, việc làm này không phải ai cũng có thể làm được”.
Chim cói (có nơi gọi là cò bợ, cò ma,…), có chiều dài trung bình 47cm, bộ lông thường có nền trắng, lưng màu nâu, mỏ vàng với đầu mỏ đen; chân và mắt cò màu vàng. Lông cói sẽ chuyển sang màu đỏ, xanh và trắng vào mùa sinh sản, thời gian còn lại lông cò màu nâu xám pha đốm trắng.
Cói thích sống ở đầm lầy nước lợ tương đối nông cạn ở vùng ôn đới và bán nhiệt đới Đông Á.
Bình luận