• Zalo

Người nông dân mê sáng chế, biến ý tưởng thành hiện thực

Khoa học - Công nghệThứ Tư, 29/08/2018 11:06:00 +07:00Google News

Dù con đường học nghề còn đang dang dở nhưng với niềm đam mê mày mò, sáng chế, ông Lê Phước Lộc (ấp 5, xã An Hữu, huyện Cái Bé, tỉnh Tiền Giang) đã cho ra đời nhiều sáng chế hữu ích, được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN cấp bằng sáng chế.

Sau 3 năm dở dang chuyện học hành ở Sài Gòn để về quê gắn bó với nghiệp ruộng vườn, ông Lộc đã thấu hiểm bao nỗi nhọc nhằn, lam lũ trong công việc thu hoạch lúa thủ công của người nông dân, vừa hao tổn sức lực, thời gian, vừa đem lại năng suất thấp.

Do đó, ông quyết tâm mày mò, tìm hiểu và sáng chế thành công máy tuốt lúa giúp người nông dân tiết kiệm được chi phí, nhân công và ít thất thoát lúa. Điều quan trọng là làm sao để máy có thể phù hợp với vùng đất ngập lụt quê ông, đây cũng là máy tuốt lúa đầu tiên ở huyện Cái Bè.

Không dừng lại ở đó, năm 2002, một sáng chế khác của ông ra đời nhằm giúp cho việc cắt tỉa cành và thu hoạch trái công của người nông dân trở nên thuận tiện hơn – kéo cắt tỉa đa năng.

lao nong me sang che

 Ông Lê Phước Lộc và sáng chế cần bao trái (Ảnh: Huỳnh Văn Xĩ)

Cấu tạo của kéo rất đơn giản: Thân kéo làm bằng ống hợp kim nhôm tròn fi 22, phần dưới có tay bóp bằng sắt fi 10, được cán hơi dẹt tạo lực mạnh hơn khi cắt. Cây fi 4.5 trong ruột ống có chức năng đẩy lưỡi kéo. Lưỡi kéo làm bằng thép bản dày 3mm có tính chịu lực cao.

Chiều dài của kéo được ông chế tạo nhiều kích thước khác nhau (1,5m; 2m; 2,5m; 3m), phù hợp với mục đích của người sử dụng. Ngoài việc cắt tỉa, ông còn chế tạo thêm kẹp ngay đầu kéo để giữ trái khi thu hoạch mà không sợ làm dập, nát – điều mà các chiếc kéo cắt tỉa trên thị trường lúc bấy giờ không thể làm được.

Sáng chế này của ông Lộc được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN cấp bằng sáng chế năm 2003, đồng thời đạt Giải B Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang trong cùng năm đó. Lúc này, ông mở Cơ sở cơ khí Phước Lộc chuyên sản xuất cửa sắt, dụng cụ cơ khí các loại để biến những ý tưởng của mình thành hiện thực.

Từ đây, hàng loạt các sáng chế hữu ích ra đời. Trong đó, phải kể đến sáng chế cần bao trái cây giúp người nông dân thực hiện quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn GAP. Sáng chế được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, đạt Giải C Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VI và Giải Khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc.

Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm độc đáo và tiện ích khác của ông đều được bà con nông dân ưa chuộng sử dụng như péc phun, cần thay bóng đèn…

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn