• Zalo

Người Hà Nội lái xe ‘gấu’ hơn dân Sài Gòn?

Thời sựThứ Hai, 06/01/2014 06:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Những người thường xuyên phải xử lý hậu quả từ những kẻ vô văn hóa giao thông nhận xét người Hà Nội lái xe “gấu” hơn người Sài Gòn.

(VTC News) - Những người thường xuyên phải xử lý hậu quả từ những kẻ vô văn hóa giao thông nhận xét người Hà Nội lái xe “gấu” hơn người Sài Gòn.

Dù biết nhiều khi "nhanh một phút, chậm cả đời", nhưng nhiều người dân ở thủ đô vẫn “điếc không sợ súng” lội ngược dòng về phía “cửa tử”.

Ngang nhiên quay đầu xe dù thấy rõ biển cấm, vô tư lái xe khi không đội mũ bảo hiểm, rẽ “biển người” để tìm lối đi độc nhất cho mình... là cách những người “vô văn hóa” giao thông đang làm hàng ngày để thách thức các nhà làm luật cũng như những người thực thi công vụ.

Liên quan tới vấn nạn này, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với những người thường xuyên phải xử lý hậu quả từ những vụ tai nạn thương tâm do những kẻ vô ý thức, vô văn hóa giao thông gây ra.

Bác sỹ Vũ Sơn vtc
Bác sỹ Vũ Sơn  
Khi so sánh về ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người Hà Nội và người Sài Gòn, bác sỹ Vũ Sơn - Giám đốc Quỹ Phát triển cộng đồng và An toàn giao thông Tập đoàn Mai Linh nói: “Ở Hà Nội, có vẻ như xe máy đi lại lộn xộn hơn ở TP.HCM một chút.

Tôi thấy cách đi của người Hà Nội “gấu” hơn ở TP. HCM. Giữa ngã tư đường, hay chỗ băng qua đường, họ đi “gấu” hơn dân TP. HCM thật”.

Bình luận sâu hơn về văn hóa giao thông của người Việt, ông Sơn cho biết: “Người ta cứ đưa ra lộ trình nhằm giảm càng nhiều số vụ tai nạn giao thông càng tốt, nhưng ở góc độ một bác sỹ, tôi thấy càng ngày có càng nhiều vụ va chạm thương tâm.

Không có đêm nào bệnh viện không có người chết, người bị thương vì tai nạn giao thông.


Nhiều khi người ta bị tai bay vạ gió, nhưng cũng có không ít trường hợp người ta uống rượu say hay vi phạm luật rồi tự gây tai nạn. Cấp cứu cho những người như thế chúng tôi vừa thấy buồn vừa thấy bực lắm.

Thế nhưng vì mỗi người sinh ra đều có gia đình, bạn bè xung quanh, nếu để họ chết đi, tổn thất, tổn thương nhiều nhất vẫn là gia đình họ nên chúng tôi phải nỗ lực cứu”.

Ông Sơn cũng cho rằng, chính những người vô văn hóa giao thông lưu thông trên đường làm cho xe buýt có lỗi.

 

Tôi thấy cách đi của người Hà Nội “gấu” hơn ở trong TP. HCM. Không có đêm nào bệnh viện không có người chết, người bị thương vì tai nạn giao thông.

Bác sỹ Vũ Sơn
 
“Vậy nên thực lòng mà nói, tôi thấy với những xe buýt điên khùng, báo chí cũng đừng lên án người ta nhiều quá. Người ta cũng rất khổ. Nếu dành một con đường riêng cho xe buýt theo đúng quy định thì không sao, đằng này không có đường riêng cho xe buýt bởi xe máy, xe đạp chen nhau, giành đường của xe buýt.


Nên nhớ một người bị tai nạn giao thông tốn rất nhiều tiền của của gia đình và cả xã hội. Tai nạn giao thông đang trở thành vấn nạn”, ông Sơn nhấn mạnh.

Với tư cách là Giám đốc quỹ an toàn giao thông, phát triển cộng đồng, được đi rất nhiều nơi, chia sẻ với nhiều trường hợp thương tâm, ông Sơn cho rằng nếu ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân không được cải thiện, cần có lộ trình cấm xe máy và lộ trình đó càng nhanh càng tốt.

Rất bức xúc

Có cùng quan điểm với ông Sơn, ông Phạm Hoài Thu – Trưởng ban an toàn giao thông của Tập đoàn Mai Linh cho hay: “Đứng ở góc độ người chuyên xử lý các vụ va chạm, tai nạn giao thông cho tập đoàn, bản thân tôi – một người làm công tác an toàn – hết sức bức xúc trước tình trạng giao thông hiện nay.

Tôi cho rằng, có tới 70% các vụ tai nạn giao thông là do xe máy và những người vô ý thức khi tham gia giao thông gây ra. Thực tế, các hành vi xấu đó đã gây ra thiệt hại rất lớn về người và của của nhân dân”.

Ông Phạm Hoài Thu - Trưởng ban ATGT, Tập đoàn Mai Linh
Ông Phạm Hoài Thu - Trưởng ban ATGT, Tập đoàn Mai Linh 
Ông Thu phân tích, hiện nay, việc đầu tư vào các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao ở nội đô chưa nhiều. Nguồn thu từ giao thông công cộng cũng rất thấp, không đáp ứng được các vấn đề về vốn trong đó có việc trả lãi ngân hàng. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp không mặn mà với việc đầu tư vào lĩnh vực này.


“Nếu như chúng ta có phương tiện công cộng tốt, có nhiều tuyến đáp ứng được nhu cầu của người dân về vệ sinh, an ninh, giờ giấc thì tôi chắc chắn rằng, người ta sẽ lựa chọn giao thông công cộng để không phải đầu tư cho phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy.

Dùng xe cá nhân như xe máy vừa tốn kém, vừa mất an toàn, nhưng thu nhập của người dân hiện đang thấp, xe máy lại tiện lợi khi sử dụng nên chưa thể bỏ xe máy được”, ông Thu khẳng định.

Vị này cũng khuyến cáo, với tình trạng giao thông như hiện nay, người dân đang ở giai đoạn mất an toàn.

“Chứng kiến các vụ va chạm, tai nạn diễn ra hàng ngày, tôi thấy đây là một vấn nạn lớn và chính phủ cần đưa ra nhiều biện pháp hơn nữa để hạn chế tình trạng này.

Ý thức tham gia giao thông quyết định sự an toàn của bạn khi tham gia giao thông. Vì vậy, tôi mong muốn mọi người hãy chú tâm hơn nữa vào vấn đề này. Song song với đó, tôi cho rằng phải có những hình thức xử lý hết sức nghiêm khắc với những vi phạm về an toàn giao thông để hạn chế các thiệt hại về người và của”, ông Thu nhấn mạnh.

Trước đó, bàn luận về văn hóa giao thông ở Hà Nội, ông Lưu Xuân Bình, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông Hà Nội từng cho rằng, văn hóa giao thông không đứng ngoài cuộc sự vận động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đúng như những gì ông Bình nói, hình ảnh giao thông thủ đô đang thực sự chưa đẹp trong con mắt của bạn bè thế giới và là nỗi ám ảnh của mỗi người dân khi tham gia giao thông.

Minh Quân 

Bình luận
vtcnews.vn