Người đàn ông chết do bị chó nhà cắn

Tin tứcThứ Năm, 29/10/2020 10:34:00 +07:00
(VTC News) -

Người đàn ông chủ quan không đi tiêm phòng dại nên qua đời sau một tháng bị chó cắn.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC) cho biết trên địa bàn xảy ra trường hợp người đàn ông 45 tuổi tử vong vì bệnh dại.

Báo cáo dịch tễ học cho thấy, con chó được gia đình mua từ tháng 6 với trọng lượng ban đầu là 2-3kg. Tới ngày 5/9 con chó này cắn bạn của chủ nhà. Hôm sau, nó tiếp tục cắn con trai bệnh nhân. Bực mình, bệnh nhân đánh con chó và không may bị con vật cắn vào tay. Hai ngày sau, con chó chết. Cả 3 người đều không tiêm phòng dại.

Ngày 17/10, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng mệt mỏi nhiều, đau đầu, có đi khám và điều trị tại phòng khám tư 4 ngày nhưng không đỡ. Bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Lúc này, bệnh  nhân lâm tình trạng sợ gió, sợ ánh sáng, sợ nước, nói lảm nhảm và chui gầm giường, hôn mê, thở máy.

Bệnh nhân tử vong ngày 22/10. Mẫu bệnh phẩm của người bệnh được gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Kết quả xác định, bệnh nhân dương tính với virus dại.

Hiện, CDC Hải Dương yêu cầu 2 người bạn và con trai bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thăm khám, kiểm tra sức khỏe. Những người có tiếp xúc với bệnh nhân cũng được rà soát, tư vấn phòng bệnh dại.

Người đàn ông chết do bị chó nhà cắn - 1

(Ảnh minh họa)

Bị chó cắn, cần làm gì?

Sau khi bị chó cắn, bất kể là chó khỏe mạnh hay chó ốm, người dân đều phải xử trí theo các bước như sau:

Bước 1: Vệ sinh vết thương

Sau khi bị chó cắn, việc đầu tiên cần làm là vệ sinh vết thương, bao gồm: rửa vết thương bằng nước thường, tốt nhất là rửa trôi dưới vòi nước chảy, gần cống nước chảy để các chất bẩn theo cống thoát đi, không bị đọng lại trên sàn tắm.

Không rửa chân trong chậu, nếu không có vòi nước có thể dùng gáo múc ra để rửa. Sau đó rửa vết thương bằng xà phòng. Bởi xà phòng có thể làm rửa trôi vết bẩn và làm tan một phần virus.

Tiếp tục bôi cồn I ốt vào vết thương để sát khuẩn, nếu không có cồn có thể dùng rượu trắng. Cách làm này sẽ làm giảm thiểu tối đa virus xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn. Theo các bác sĩ, nếu xử lý tốt bước này, sẽ có tỷ lệ giảm tới 50% nguy cơ bị nhiễm bệnh dại từ động vật.

Bước 2: Tiêm phòng dại

Sau khi bị chó nghi bị dại cắn, nạn nhân cần đi tiêm phòng vaccine dại càng sớm càng tốt mà không cần phải theo dõi con vật.

Nếu vết máu gần vị trí thần kinh trung ương thì phải tiêm cả huyết thanh kháng dại càng nhanh càng tốt. Với vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương thì chỉ cần tiêm vaccine dại. Khi đi tiêm, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp.

Thời gian tiêm phòng theo lộ trình người bệnh cần theo dõi từng biểu hiện của con chó. Khi có những dấu hiệu bất thường, cần gặp ngay bác sĩ để được trợ giúp.

Tuyệt đối không làm những điều sau

Để đảm bảo xử lý đúng phương pháp khi bị chó cắn, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo người dân cần tuyệt đối không làm những điều sau:

-  Không dùng thuốc nam, đặc biệt là sát lá, đắp vào vết thương.

-  Không sử dụng xăng dầu, dầu hỏa bôi lên vết thương.

-  Không thử dại bằng Đông y.

-  Không chữa bệnh dại bằng Đông y hay thuốc nam.

-  Lưu ý tuyệt đối không được bóp hay nặn máu ra và không băng kín vết thương.

Phòng chó cắn thế nào?

Để đề phòng nguy cơ bị chó cắn, theo các chuyên gia, vật nuôi khi mua về cần được nuôi, nhốt, xích và rọ mõm cẩn thận.

Tuyệt đối không để trẻ em lại gần con vật. Không thả rông con vật ra ngoài.

Không đùa giỡn với con vật. Khi lại gần bất kỳ con chó lạ nào đều đi lại cẩn thận để ý, nếu không cần thiết không nên lại gần.

Gia đình nuôi chó cần phải tiêm phòng dại cho con vật.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn