Kí ức đắm chìm trong nước mắt
Đó là tâm sự của bà Ngô Thị Hiền, sinh năm 1933 ở Bắc Giang, một bệnh nhân phong hiện đang sống tại trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh). Bà Hiền kể về cuộc đời mình qua những câu từ thều thào, tắc nghẹn nơi cổ họng, dòng nước mắt chảy dài trên gương mặt méo mó, nhăn nheo bởi tuổi già.
Bà Hiền cho biết, bà lớn lên trong một gia đình có 4 anh chị em, khi còn nhỏ cuộc sống của bà cũng giống nhiều người khác. Nhưng đến khi lên 9, lên 10, khi bắt đầu nhận thức được thế giới xung quanh, bắt đầu biết suy nghĩ, biết tủi hơn thì bà mắc phải căn bệnh phong quái ác. Trong kí ức của bà, những ngày tháng ấy “đen tối, đáng sợ kinh khủng”.
“Trời gieo vào tôi bệnh phong chứ nhà tôi chẳng ai bị cả, mọi người sợ tôi lắm, chẳng ai cho tôi đến gần. Tôi không được đi học, không có lấy một người bạn nào. Mọi người cứ thế xa lánh, xua đuổi tôi”. Những tủi hổ dường như vẫn còn đó, trong đôi mắt ầng ậc nước…
Ngày ấy, bà Hiền chỉ biết đắm mình xuống dòng sông để tìm đến cái chết nhưng không thành. Trở lại cuộc sống, nỗi mặc cảm khiến bà không thể bám trụ nơi vùng quê nghèo. Bà lang thang nhiều nơi, đến đâu người ta cũng tìm cách xa lánh, đánh đuổi. Giữa cuộc kháng chiến chống Pháp ác liệt, bà gặp được ông Hoàng Văn Thỏa (Hưng Yên), "đồng cảnh tương hỗ”, 2 con người bất hạnh dắt díu nhau đi tìm nơi bấu víu.
Rồi may mắn, họ được cưu mang và đưa về trại phong Quả Cảm này. Những cuộc di dời do lửa đạn chiến tranh đưa hai ông bà từ Bắc Ninh vào Nghệ An rồi trở về Bắc Ninh lần cuối vào năm 1965. Hai con người, hai mảnh đời bất hạnh cứ thế sống lay lắt qua ngày trong những cơn đau âm ỉ khi trái gió trở trời, trở thành động lực của nhau để tiếp tục sinh tồn nơi trại phong neo người, heo hút.
Nhưng đến cuối năm 2015, ông Thỏa qua đời sau một thời gian dài đau ốm để lại bà Hiền trơ trọi một mình giữa căn phòng tranh tối, tranh sáng.
Nỗi cô đơn của người đàn bà tuổi xế chiều
Trại phong Quả Cảm gồm 4 dãy nhà cấp 4 với nhiều phòng, mỗi phòng rộng khoảng 10-12 mét vuông. Phòng bà Hiền nằm ở dãy nhà đầu tiên, bên trong chỉ có vài món đồ đơn giản, 2 chiếc giường, 2 chiếc ghế nhỏ, chiếc tủ lạnh con con được Tỉnh ủy Bắc Ninh tặng ông Thỏa để dự trữ thức ăn dành cho người tiểu đường, một cái cũi cũ kĩ đựng đôi ba chiếc bát, vài món đồ được các đoàn tình nguyện trao tặng và dăm ba tấm ảnh hai ông bà chụp chung cách đây mấy năm.
Khoảng diện tích lớn nhất trong phòng được bà Hiền dành làm nơi thờ cúng ông Thỏa. Mọi đồ vật dường như đều có đôi có cặp, duy chỉ có bà Hiền, một mình, trơ trọi giữa căn phòng tưởng chật mà rộng với thân già côi cút.
Bàn tay trái của bà Hiền nay cụt lủn, bàn tay phải nhăn nheo, run rẩy với những ngón tay co quắp, đốt ngón tay sưng ụ. Mọi sinh hoạt của bà đều chật vật, khó khăn. “Cả ngày cứ đi ra đi vào, ăn miếng trầu cũng khó, cầm bát cơm cũng không nổi. Nhiều lúc đang ăn lại lên cơn đau, đánh rơi cả chiếc bát đang kẹp bằng khuỷu tay”, bà Hiền trầm buồn kể.
Từ ngày ông Thỏa mất, bà Hiền trở nên lặng lẽ hơn. Giấc ngủ là thứ duy nhất giúp bà quên đi nỗi cô đơn ở tuổi xế chiều, nhưng những cơn đau bất chợt lại đánh thức những cảm xúc đáng thương ấy. “Có khi nửa đêm chân tay như co giật, đau lắm, tôi không ngủ được. Cứ thế, bao nhiêu nỗi buồn lại hành hạ”.
Tuổi đã cao, đôi mắt mờ nhòa, dáng đi mệt mỏi nhưng bà Hiền vẫn nhớ tên 88 con người nơi bà sinh sống. Những ai đã chết, chết bao giờ, ai già nhất, ai trẻ nhất… bà đều rõ mồn một. Dường như, những gì bà có thể biết và nhớ, ngoài kí ức đau buồn không muốn nhắc lại kia, chỉ còn lại trại phong Quả Cảm.
Người đàn bà ấy thắp vội nén hương cho người bạn tri âm rồi nức nở: “Ông đi còn có tôi hương khói, còn đến khi tôi đi liệu có ai nhớ tới không?”
Trải qua cả cuộc đời đau khổ triền miên, bà Hiền vẫn mãi ước mong có một ngày sống với thân thể lành lặn, không bị bệnh phong, không bị người nhà xua đuổi, có đàn con cháu đề huề khi tuổi cao sức yếu. Bà Hiền chỉ ước có một ngày như thế….
Bình luận