Trên QL 5 đoạn qua ngã tư xã Phúc Thành (Kim Thành, Hải Dương) thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Và, cũng ở đoạn đường ấy, hơn 30 năm qua, có một người phụ nữ âm thầm đem lại sự sống cho biết bao nhiêu người gặp nạn. Người phụ nữ ấy là Đào Thị Liên (64 tuổi) xóm Trung, xã Phúc Thành. Người dân quanh đây gọi bà là người "cướp tử thần" trên quốc lộ. Theo bà Liên, khu vực này có 3 trường học nên học sinh đi lại rất lộn xộn mỗi khi có tàu hoả đi qua các cháu lại dàn hết ra đường. Bên cạnh đó là nơi rẽ vào trung tâm huyện nên phương tiện lưu thông rất đông. Đặc biệt xe container dừng đỗ ven đường để vào quán ăn cơm làm cản trở việc đi lại của người khác.
"Xã hội bây giờ lạ thật..."
Trong một lần dừng chân ở ngã tư xã Phúc Thành, chúng tôi bước vào quán nước ven đường thì thấy người dân bàn tán sôi nổi. Chuyện rằng, đêm qua có hai xe máy tông nhau khiến hai người bị thương nặng. Khi nghe tin, bà Liên mang đồ nghề ra cấp cứu, băng bó vết thương và đưa nạn nhân đi cấp cứu ở bệnh viện. Nạn nhân tỉnh dậy bảo có mang trong túi 5 triệu đồng và 1 chiếc điện thoại nhưng giờ không thấy. Một mất mười ngờ, người thân của nạn nhân đến nhà bà Liên đòi.
Câu chuyện vẫn tiếp tục thì chị Nguyễn Thị Từ, xóm Trung, xã Phúc Thành lên tiếng: Tội cho bà Liên chú ạ! Ai đời đi làm ơn lại mang oán. Có vốn nghề y, bà ra tay cứu giúp mà không lấy một đồng nào chứ nói gì đến chuyện hôi của.
Nghe xong câu chuyện, chúng tôi tìm đến nhà bà Liên. Từ trong nhà đi ra là một người đàn bà rắn rỏi, nước da ngăm đen và khuôn mặt cương nghị. Buổi nói chuyện trước hiên nhà, nơi có một tủ để dụng cụ y tế, một giường cho bệnh nhân nằm. Căn nhà cấp bốn của bà chật hẹp nên chỉ có khoảng không gian đặt từng ấy đồ. Góc để vật dụng y tế của bà Liên
Thấy vậy, tôi liền hỏi bà Liên: Đưa nạn nhân vào đây lỡ không may họ chết tại nhà thì sao? Bà phản ứng: “Mình cứu người chứ có phải giết người đâu mà sợ. Để nạn nhân nằm ngoài đường phần thì người ta vây xung quanh, phần thì ách tắc giao thông. Mình đưa vào đây nạn nhân có chỗ nằm, băng bó thuận lợi hơn”.
Khi biết chúng tôi có ý định viết bài về mình, bà Liên cười rồi nói: “Có gì đâu mà viết, công việc cứu hộ này tôi làm một cách tự nguyện, thấy người ta gặp nạn thì cứu, thế thôi. Vốn là một y tá có chút nghề mình có mất mát gì đâu”.
Tiếp lời, bà chia sẻ: “Ở xã hội mình bây giờ lạ thật, có ai đó gặp tai nạn nhưng người ta bỏ mặc hoặc bu lại xem. Tôi chứng kiến nhiều vụ tai nạn mà hiếm người xông vào cứu người, may mắn lắm thì họ gọi cấp cứu, công an đến chứ chẳng ai đỡ dậy hay đưa nạn nhân đi cấp cứu. Con người với con người mà đối xử với nhau lạ thật”.
Nói về bà Liên, chúng tôi xin lược trích ít dòng. Năm 1971, học xong trung cấp y tế, bà được phân về công tác Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành. Sau năm 1975, gia đình bà chuyển ra sinh sống ở gần ngã tư Phúc Thành trên QL5 và cũng từ đó bà chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đoạn đường này.
Công tác tại Bệnh viện Đa khoa Kim Thành nên bà thấu hiểu những trường hợp người bị nạn tử vong do không được sơ cấp cứu kịp thời hoặc sơ cứu sai. Từ lòng trắc ẩn, bà Liên đã không nề hà khó khăn, sẵn sàng cấp cứu cho người không may gặp nạn. Người dân ốm đau được bà Liên chữa tận tình
Đến với việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, những ngày đầu bà nhận được không ít lời dèm pha của thiên hạ, nhiều người dân địa phương bàn tán, cho rằng việc làm của bà là để hôi của, lăng xê bản thân. Chính vì vậy, có những vụ tai nạn nghiêm trọng cần sự hỗ trợ của nhiều người thì bà Liên nhận được những cái lắc đầu từ chối. Về hưu rồi mỗi tháng tôi cũng có ít tiền lương, số dụng cụ đó trích từ tiền lương mà ra. Tháng nào mà tai nạn ít thì tôi còn dư chút tiền, còn tháng nào tai nạn nhiều thì sạch túi. Bà ĐàoThị Liên
Đặc biệt là những người lạng lách, đánh võng không may bị ngã xe người dân rất bức xúc nhưng khi thấy bà Liên cứu giúp thì họ ác khẩu với bà. Mặc cho ai nói gì, bà cũng bỏ ngoài tai để tập trung cứu người.
Tôi hỏi: Hơn 30 năm cứu nạn, bà giúp được bao nhiêu người rồi? Bà Liên cho hay: “Có người gặp nạn là tôi có mặt, cứu xong, tôi không ghi vào sổ sách gì hết nên không nhớ hết được, chỉ có những trường hợp đặc biệt thì mới nhớ”.
Bà Liên kể: Vào năm 2005, hôm đó vào buổi trưa, có 2 chị em trốn bố mẹ đi xe máy từ Hải Phòng lên nhà bạn ở Cẩm Giàng, Hải Dương. Khi đến ngã tư này (Phúc Thành) thì tránh xe ô tô, hai chị em đâm xe vào cột mốc, người chị thì bị gãy xương sườn, cậu em thì bị xẻ đôi bàn tay trái.
Thấy vậy, cả nhà tôi chạy ra bế vào nhà băng bó rồi đưa cậu em vào bệnh viện đa khoa huyện. Người chị gái được con trai tôi chở lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để cấp cứu. Đến khi các cháu điều trị khỏi thì bố mẹ mang cả túi thuốc lào đặc sản Vĩnh Bảo kèm theo một phong bì để hậu tạ.
“Cảm ơn tấm lòng của họ, tôi xin nhận gói thuốc lào còn tiền thì trả lại. Thực sự tôi giúp người là chính chứ không phải vì tiền. Hiện cuộc sống gia đình tôi cũng chẳng khá giả gì nhưng tôi muốn những đồng tiền của mình làm ra từ sức lao động chứ không phải nhận những đồng tiền của người mình cứu giúp”, bà Liên tâm sự. Bà Liên được tặng nhiều giấy khen cho những việc làm cao cả của mình
Hay như hôm 30 Tết vừa rồi, có một thanh niên ở xã Kim Lương, huyện Kim Thành bị tai nạn. Nạn nhân máu me bê bết, người trầy xước khắp nơi nằm bất tỉnh giữa đường. Thấy vậy, bà đưa vào nhà băng bó rồi đưa vào bệnh viện. Đến khi nạn nhân tỉnh dậy thì phát hiện trong cốp xe có để 20 triệu đồng nhưng không còn và đổ cho con trai bà Liên lấy. Sau đó, công an có đến nhà làm rõ, hết ngày này đến ngày khác mời bà lên cơ quan công an để lấy lời khai.
“Thực sự lúc đó tôi chỉ biết đến chuyện cứu người chứ có để ý đến cái gì đâu. Để tìm ra người lấy tiền tôi đến gặp những người có mặt hôm chứng kiến tai nạn để thu thập thông tin và được người dân kể lại biết người lấy. Tôi trình báo lại với công an rồi được minh oan”, bà Liên kể.
Tiền lương hưu "bay" sạch
Cứu người nhưng bà Liên nhận được lời xấu nhiều hơn lời khen nên nhiều lúc các con của bà khuyên nên đừng làm nữa. Nghe con nói vậy, bà thuyết phục rằng: “Lỡ như con mà gặp tai nạn không có người cứu giúp thì thế nào? Mình cứu người chứ có phải gây tội cho người ta đâu mà sợ”.
Nghe lời mẹ các con của bà mỗi khi có tai nạn xảy ra thì bà hỗ trợ. “Lúc đầu, con tôi cũng ngại vì hàng xóm nói này nọ nhưng tôi vẫn động viên các con phải giữ vững lập trường, làm việc tốt thì chẳng ngại điều gì. Vậy nên con cháu tôi không phản đối mà ủng hộ để tôi cứu người. Thấy cái chết mình không thể làm ngơ được, mạng là sống quý nhất của đời người, mình cố gắng giúp hết sức”, bà Liên bộc bạch.
Từ những việc làm của bà Liên, người dân nơi đây đã thấu hiểu mục đích bà làm. Do đó, mỗi khi có tai nạn họ có mặt kịp thời giúp bà đưa các nạn vào nhà cấp cứu. Bà Liên cho biết: “Hiện, nếu có tai nạn, tôi hô một cái là bà con ở đây có mặt đầy đủ, họ trợ giúp tôi cứu người mà không chút e ngại. Gần đây đội xe ôm làm ở đây mỗi khi có tai nạn thì bảo vệ tài sản cho người bị hại, còn người dân nhanh chóng đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Cũng nhờ họ mà các nạn nhân được cứu sống”.
Rời nhà bà ra về, tôi hỏi: Thế tiền bông băng, các loại nước rửa viết thương có được ai hỗ trợ không? Bà Liên cười: Về hưu rồi mỗi tháng tôi cũng có ít tiền lương, số dụng cụ đó trích từ tiền lương mà ra. Tháng nào mà tai nạn ít thì tôi còn dư chút tiền, còn tháng nào tai nạn nhiều thì sạch túi.
Từ thực tế ấy, bà Liên mong muốn cơ quan chức năng có thể lắp đặt đèn cảnh báo giao thông tại ngã tư này để mọi người chú ý hơn tránh những tai nạn thương tâm xảy ra.
Bình luận