Theo các nhà khoa học, ngựa là một trong số những loài vật đầu tiên được con người thuần hóa, vào khoảng 3000 năm trước Công nguyên. Và với địa hình đặc biệt của mình, thật dễ hiểu khi người Mông Cổ thuần hóa loài ngựa từ rất sớm và một trong những giống ngựa lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới vẫn còn tồn tại đến ngày nay có tên Przewalski.
Giống ngựa đặc trưng với những chiếc cổ ngắn này từng được xếp vào danh sách những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng hàng đầu thế giới, nhưng nay đã được nhân giống thành công bằng kỹ thuật hiện đại.
Một hình ảnh quen thuộc trên thảo nguyên Mông Cổ.
Không chỉ có Przewalski, đa phần những giống ngựa ở Mông Cổ đều rất dẻo dai và nổi tiếng trên toàn thế giới. Chúng được rèn luyện ở những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mùa hè nhiệt độ có thể lên tới 30’C còn mùa đông xuống tới âm -40’C. Số ngựa ở Mông Cổ còn nhiều hơn cả số dân, và loài ngựa chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong văn hóa ở nơi đây.
Đại diện của bộ Du lịch nước này từng thừa nhận: “Người Mông Cổ chúng tôi coi loài ngựa như là bạn đồng hành trong suốt cả ngày lẫn đêm. Ngựa vừa là niềm vui vừa là sự tự hào của người dân Mông Cổ, và chúng tôi sẽ chả là gì nếu thiếu đi loài ngựa”.
Loài ngựa phổ biến trong văn hóa của người Mông Cổ tới nỗi, nếu một ai đó muốn đi …giải quyết nỗi buồn, họ sẽ bảo với những người xung quanh rằng: Để tôi đi xem con ngựa của mình một lát”.
Giống ngựa quý Przewalski rất nổi tiếng của Mông Cổ.
Trẻ con Mông Cổ học cưỡi ngựa từ năm 3 tuổi, gần như cùng thời điểm với lúc chúng tập đi chập chững những bước đầu tiên. Trong suốt thời gian diễn ra Nadaam, lễ hội lớn nhất Mông Cổ thường diễn ra vào dịp tháng Bảy hàng năm, hàng nghìn con ngựa được tập hợp lại để chuẩn bị cho 3 môn thể thao chính là đua ngựa, bắn cung và đấu vật.
Quãng đường diễn ra cuộc đua ngựa là từ 15-30km và trong số những người tham dự có không ít những đứa trẻ vẫn còn đang ở độ tuổi đi học.
Trước mỗi cuộc đua, mỗi địa phương sẽ chọn ra một người lãnh đạo đội thi của mình (còn gọi là Gal trong tiếng Mông Cổ). Đây thường là những người có nhiều kinh nghiệm, đựa các thành viên khác trong đội tin tưởng, và sẽ lĩnh trọng trách huấn luyện ngựa đua của mình bằng những phương pháp đặc biệt được truyền từ đời này sang đời khác.
Trẻ em Mông Cổ được học cưỡi ngựa từ rất sớm.
Khác với các nước phương Tây, dân Mông Cổ cầm dây cương ngựa bằng một tay, và dùng những bàn đạp nhỏ hơn. Họ cũng không đặt tên cho mỗi con ngựa của mình, mà thay vào đó dùng những từ chỉ màu sắc để gọi chúng.
Có tới hơn 300 từ chỉ màu sắc thường được dùng để phân biệt những con ngựa với nhau ở xứ thảo nguyên này, và đặc biệt hơn là không ai nhầm lẫn khi sử dụng chúng.
Với khách du lịch nước ngoài, tour du lịch khám phá thảo nguyên bao la của Mông Cổ thường kết hợp với việc học thuần hóa loài ngựa ở đây. Một khóa học như thế thường kéo dài ít nhất 7 ngày, và khách du lịch sẽ có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của người dân du mục trong suốt thời gian đó. Đối tượng để du khách lựa chọn thường là những con ngựa non khoảng 2 tuổi, đơn giản là bởi vì chúng sẽ “dễ bảo” hơn những con ngựa già khác.
Bắt đầu từ việc làm quen với ngựa, tìm hiểu những thói quen riêng của từng con, học cách chăm sóc vỗ về chúng trong suốt cả ngày…và mức độ cao nhất là khi một du khách có thể điều khiển ngựa để chăn những đàn cừu, dê hay bò trên thảo nguyên. Những con ngựa được huấn luyệt tốt có khả năng chạy liên tục dù không còn người chủ ở trên lưng.
Có một số quy định bắt buộc cần phải tuân theo nếu bạn muốn chinh phục một chú ngựa Mông Cổ: Không được mặc quần áo quá sặc sỡ, không được mặc những thứ phát ra tiếng sột soạt (ví dụ như áo mưa), luôn mặc quần dài và phải trèo lên lưng ngựa từ phía bên trái, không được ngồi hay quỳ gối ở gần ngựa…
Bình luận