Cùng với “Cầu Vàng”, cái tên khu du lịch Bà Nà Hills đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong cộng đồng du lịch năm qua. “Khuấy đảo” truyền thông quốc tế bởi vẻ đẹp “đã đạt đến mức thắng cảnh chứ không chỉ là một công trình xây dựng đơn thuần”, (theo nhận đánh giá của tờ The Guardian, Anh), Cầu Vàng đã đưa Bà Nà Hills thăng hạng ngoạn mục trên bản đồ du lịch thế giới. Hàng loạt kênh truyền hình, báo chí quốc tế khác dành sự ngợi ca cho cây cầu mà tạp chí Times của Mỹ xếp vào danh sách “Top 100 điểm đến tuyệt vời nhất trên thế giới”.
Cũng bởi Cầu Vàng, thế giới đã biết tới Bà Nà Hills không chỉ có những tuyến cáp treo đạt kỷ lục Guinness thế giới mà còn là một thiên đường vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng đẳng cấp với những công trình được thiết kế độc đáo như cung điện cổ tích ở Disneyland, hay lâu đài cổ kính giữa Paris hoa lệ….
Nhìn cảnh sắc Bà Nà lộng lẫy ngày nay, ít ai có thể ngờ hơn 10 năm trước, nơi đây vẫn là một phế tích bị bỏ hoang, được dẫn lên bởi con đường rừng hiểm trở mà thi thoảng có người muốn thăm quan nhưng đi nửa chừng phải nản lòng mà quay trở lại. Thành phố Đà Nẵng ngày ấy chứ chẳng nói riêng Bà Nà, chưa được định danh trong bản đồ du lịch Việt Nam. Du lịch giải trí vẫn là một khái niệm hoàn toàn xa lạ với thành phố biển miền Trung.
Nằm trên đỉnh Núi Chúa bao quanh bởi rừng nguyên sinh, Bà Nà có cảnh quan tuyệt đẹp và khí hậu mát mẻ, trong lành. Vào thế kỷ 19, nơi đây là thiên đường nghỉ dưỡng của quý tộc, sĩ quan Pháp, nổi tiếng khắp Đông Dương. 240 công trình nhà nghỉ mà người Pháp xây dựng ở đây được đánh giá là “hiện đại, sang trọng, đầy đủ tiện nghi”. Tuy vậy, nhìn lại bức ảnh khách sạn Morin năm 1936 nằm trơ trọi trên đỉnh, xung quanh rừng cây xơ xác, ta khó tránh khỏi cảm giác quạnh hiu. Đó là chưa kể những năm về sau, bom đạn của chiến tranh và sự băng hoại của thời gian đã tàn phá các công trình này. Từ sau năm 1975, Bà Nà thực sự chìm vào quên lãng.
Năm 1997, UBND thành phố Đà Nẵng kí quyết định khôi phục Bà Nà, dự kiến đưa nơi này thành khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng quy mô lớn. Từng có nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề đầu tư, nhưng khi vượt suối, băng rừng lên khảo sát về, hầu hết đều bỏ cuộc. Cho tới khi Sun Group – doanh nghiệp non trẻ mới từ nước ngoài về vào thời điểm đó, nhận lời mời của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng để xây tuyến cáp treo đầu tiên mở lối lên Bà Nà, thì đỉnh núi Chúa mới bắt đầu sống dậy trong hình hài mới.
Với sự đầu tư bài bản của Sun Group, khách sạn Morin - phế tích ngày xưa giờ “thay áo mới”, trở nên khang trang, hiện đại với hệ thống 59 phòng đơn và phòng đôi đạt tiêu chuẩn 3 sao quốc tế. Bên cạnh khách sạn Morin ngày nay là khu Làng Pháp gồm các lâu đài cổ kính như “Paris thu nhỏ”.
Khu vui chơi trên đỉnh Bà Nà xưa được người Pháp xây dựng quy mô hẹp, không gian nhỏ, những vật dụng giải trí thô sơ. Nay trên nền đất ấy là một quảng trường rộng lớn, quy mô, bốn mùa rực rỡ sắc màu bởi chuỗi hội hè miên man. Khu vui chơi rộng lớn với diện tích 21.000 m2 tại Bà Nà là 1 trong 5 khu vui chơi trong nhà lớn nhất Đông Nam Á, đưa du khách vào thế giới giải trí với vô vàn trò chơi hấp dẫn như: Rạp chiếu phim 3D 360 độ, 4D, 5Di; Trò chơi cảm giác mạnh: trò chơi khám phá: Nhà ma, Hành trình vào lòng đất, công viên khủng long…
Đường lên đỉnh Bà Nà cao 1,487m so với mực nước biển thời Pháp thuộc là con đường mòn cheo leo, một bên vách núi, một bên vực sâu hun hút. Các phu kiệu phải vã mồ hôi khiêng bộ 5-6 tiếng để đưa quan khách tới đỉnh.
Lên Bà Nà ngày nay đi lại thuận tiện hơn rất nhiều, với những tuyến cáp treo đạt kỷ lục thế giới. Thời gian đi lên đỉnh thay vì vài tiếng đi bộ, hoặc chen chúc trên những chiếc xe 16 chỗ trên con đường xóc nảy, thì nay chỉ mất 20 phút đi cáp treo bay trên núi rừng, thư thả ngắm cảnh suối thác đổ trắng xóa trong sắc xanh của rừng già.
Cuộc lột xác ấy của đỉnh núi Chúa, kể từ khi tuyến cáp treo đầu tiên được Sun Group khánh thành ngày 25/3/2009, tính đến nay cũng đã tròn 10 năm. Bà Nà Hills vẫn hứa hẹn sẽ còn thay đổi, với nhiều bất ngờ nữa cho những người yêu Đà Nẵng.
Bình luận