Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến năm 2020, cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở, tương đương với nhu cầu khoảng 700.000 căn nhà ở xã hội.
Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng chỉ rõ, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 chiếm đến 70 - 80%.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, năm 2011, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Một trong những mục tiêu chính của chiến lược là đến năm 2020 cần xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay, cả nước mới đáp ứng được 34% nhu cầu nhà ở xã hội cho các đối tượng này.
Nhu cầu lớn nhưng một nghịch lý là hiện nay nhiều dự án nhà ở xã hội mở bán nhiều lần vẫn không có người mua.
Có thể kể đến như dự án nhà ở xã hội AZ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư mới đây thông báo mở bán lần thứ 12. Dự án có tổng số 1.496 căn. Sau 11 lần bán, chủ đầu tư mới bán được 475 căn, 231 căn hộ dành cho thuê mua vẫn còn nguyên. Lần bán thứ 12 này, chủ đầu tư công bố đẩy ra thị trường 354 căn với giá 14.017.594 đồng/m2.
Hay dự án nhà ở xã hội tại ô đất 5.B2 (Đông Hội, Đông Anh) do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư với tổng số 504 căn hộ. Sau 7 lần mở bán, chủ đầu tư mới bán được 228 căn. Mới đây, trong lần mở bán thứ 8, chủ đầu tư thông báo bán 177 căn, mức giá là 15 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm phí bảo trì).
Lý giải về nghịch lý này, các chuyên gia bất động sản cho rằng, do các dự án nhà ở được xây dựng tại những địa điểm chưa hợp lý, chưa đáp ứng dược nhu cầu tối thiểu của người dân như vấn đề về giao thông, trường học, bệnh viện, chợ…
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính là do lựa chọn vị trí xây dựng không phù hợp. Nhiều khu xây dựng xa nơi làm việc, xa trung tâm thì không có người đến ở, quy mô, cơ cấu đối tượng và điều kiện ở tối thiểu chưa được nghiên cứu kỹ, chưa quan tâm đến đối tượng có nhu cầu thuê.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam phân tích, giá đất và tiền sử dụng đất tại các khu vực gần trung tâm thành phố rất cao nên các chủ đầu tư không có khả năng phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân tại các khu vực này mà phải đi ra xa trung tâm thành phố.
Trong khi đó, các khu vực xa trung tâm thường thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác, chất lượng hạ tầng xã hội và dịch vụ thấp.
Theo ông Đính, người dân mua nhà để ở và nơi đó còn phải có những công trình đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của họ như các tiện ích, trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân quan trọng đó là thủ tục hành chính trong cấp phép dự án nhà ở xã hội vẫn còn kéo dài, dẫn đến chi phí thuế đất, vốn vay ngân hàng cũng bị đội lên.
Một doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM cho biết, doanh nghiệp này làm thủ tục dự án nhà ở xã hội bắt đầu từ huyện Bình Chánh. Thời gian thực hiện từ huyện, lên Sở Xây dựng, chuyển sang Sở Quy hoạch Kiến trúc lên UBND TP.HCM, cứ mỗi quy trình mất trung bình 2 tháng. Tổng thời gian làm thủ tục đã 2 năm vẫn chưa xong pháp lý. Nguyên nhân chính không phải là các sở ngành làm sai, mà chỉ là quy trình còn quá nhiều cửa.
Tại Hà Nội, lãnh đạo một doanh nghiệp cũng cho hay thực tế thủ tục khi làm nhà ở xã hội lên tới 3 - 4 năm là điều bình thường. Quy trình làm thủ tục, sau khi được thành phố thông qua chủ trương, phải làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc, sau khi Sở này thông qua phương án tổng mặt bằng xong, thì lập dự án, phê duyệt, rồi thẩm định, làm chấp thuận đầu tư với thành phố. Tiếp đến sau khi phải thiết kế kỹ thuật, rồi thẩm định, phê duyệt của Sở Xây dựng, tiếp đến tới Sở Tài chính làm thủ tục tiền sử dụng đất.
Bình luận