Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Phương tiện truyền thông và Thể thao của Hạ viện Anh cáo buộc facebook đưa ra "câu trả lời không trung thực" đối với câu hỏi của các nghị sĩ về vấn nạn tin giả và lảng tránh vấn đề "đến mức gây cản trở".
Báo cáo của ủy ban trên cho rằng việc Facebook từ chối tiết lộ thông tin là bằng chứng cho thấy sự cần thiết đưa ra quy định nghiệm khắc hơn nhằm buộc công ty công nghệ khổng lồ này chịu trách nhiệm với nội dung mà người dùng của họ đăng tải.
"Facebook không thể tự chấm bài tập về nhà của mình", Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Phương tiện truyền thông và Thể thao khẳng định trong báo cáo đưa ra ngày 29/7. Ủy ban này đồng thời cho rằng việc Facebook không hợp tác cung cấp thông tin cho nghị viện "dự báo sự không minh bạch trong tương lai", New York Times trích dẫn.
"Người dùng chính là sản phẩm của Facebook"
Báo cáo trên là dấu hiệu cho thấy các nghị sĩ tại châu Âu và Bắc Mỹ ngày càng tỏ thái độ sự nghi ngờ đối với "ông lớn" Facebook, công ty từng được mệnh danh là người dẫn đầu cuộc cách mạng tự do ngôn luận và tương tác con người.
Ngày 27/7, nhóm điều tra thuộc Hạ viện Anh hợp tác với Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đưa ra thông báo về việc tổ chức phiên điều trần trong tuần tới nhằm làm rõ sự ảnh hưởng của các tổ chức nước ngoài thông qua mạng xã hội.
"Sự đe dọa này không phải vấn đề của riêng nước Mỹ, nó là trở ngại của tất cả các cộng đồng tự do. Chúng ta phải hợp tác để bảo vệ nền dân chủ", Thượng nghị sĩ Mark Warner, đảng viên Dân chủ có tiếng nói trong ủy ban thượng viện Mỹ, cho biết.
Ông Damian Collins, chủ tịch ủy ban thuộc Hạ viện Anh, cho rằng những góc khuất mà họ khám phá được về vấn nạn tin giả "chỉ là phần nổi của tảng băng chìm". Tuy nhiên, điều này cũng đủ để trở thành "bước ngoặt khiến người dùng nhận ra họ chính là sản phẩm (của các công ty công nghệ), không phải người sử dụng dịch vụ tự do".
Cùng lúc đó, Facebook đang ở trong giai đoạn khó khăn khi một loạt bê bối liên quan đến việc lan truyền thông tin sai sự thật và sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người sử dụng đang bắt đầu cản trở sự phát triển của công ty.
Hôm 25/7, Facebook tiết lộ mức tăng trưởng chậm trong khi công ty đang gánh chịu chi phí cải thiện uy tín ngày càng tăng. Thông tin này khiến cổ phiếu của Facebook sụt giảm đến 20% trong ngày tiếp theo, khiến "gã khổng lồ" công nghệ mất 120 tỷ USD vốn hóa.
Vấn đề của Facebook bắt đầu gia tăng từ khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Nga sử dụng danh tính giả để lan truyền nhiều thông điệp tuyên truyền trên Facebook và các trang mạng xã hội khác nhằm can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Sự phát giác này là một phần dẫn tới việc thành lập Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Phương tiện truyền thông và Thể thao của nghị viện Anh. Cơ quan này chịu trách nhiệm tìm kiếm sự thật trong việc Nga có sử dụng chiêu trò tương tự nhằm tác động đến cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) năm 2016, còn được biết là Brexit, hay không.
Giới phân tích cho rằng Moscow từ lâu đã tìm cách làm suy yếu EU. Báo cáo của ủy ban thuộc Hạ viện Anh dẫn nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng 6 tháng trước cuộc trưng cầu dân ý Brexit, các tờ báo tiếng Anh của Điện Kremlin như Sputnik và Russia Today đã xuất bản 261 bản tin ủng hộ Anh rút khỏi EU. Những bài viết này bằng cách nào đó tiếp cận được nhiều người dùng Twitter hơn tin tức từ hai cơ quan vận động Brexit chính thức tại Anh.
Ủy ban cũng than phiền trong báo cáo của họ rằng việc các công ty công nghệ từ chối cung cấp thông tin đã cản trở nỗ lực đánh giá mức độ nghiêm trọng của việc Nga sử dụng danh tính giả hoặc các thông điệp trái ngược trên các trang mạng xã hội nhằm thao túng ý kiến người dân.
"Facebook liên tục chọn các tránh né trả lời các câu hỏi bằng văn bản và bằng lời nói của chúng ta", ủy ban trên cho biết.
"Facebook cũng rất miễn cưỡng trong việc tự điều tra xem tổ chức của họ có bị Nga điều khiển nhằm thao túng người dùng hay không", báo cáo viết, mô tả "một sự thiếu kết nối giữa các lo lắng của chính phủ và việc công ty ngoan cố không chịu nhận ra vấn đề".
Facebook có đơn thuần là một nền tảng?
Phía Facebook và Twitter chưa đưa ra bình luận gì về báo cáo trên. Trước đó, họ khẳng định đã hợp tác toàn diện với ủy ban của Hạ viện Anh và cho rằng các cơ quan tình báo Anh không đưa ra được thông tin về các tài khoản bị cho là giả mạo của Nga.
Tuy vậy, các công ty công nghệ vẫn đối mặt với viễn cảnh ủy ban của Hạ viện Anh khuyến nghị đưa ra quy định chặt chẽ hơn đối với họ, cho phép chính phủ yêu cầu cung cấp thông tin và áp dụng hình phạt. Theo báo cáo được đưa ra ngày 29/7, chính phủ Anh dự kiến sẽ đưa ra đề xuất xây dựng khung quy định mới vào cuối năm nay.
Các nghị sĩ Anh và châu Âu từ lâu đã xem mạng xã hội là một nền tảng thụ động cho phép người dùng tự do đăng tải nội dung. Một số điều luật đã bảo vệ các công ty công nghệ khỏi việc bị truy tố trách nhiệm đối với các cáo buộc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm quyền riêng tư, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề khác. Theo những người ủng hộ, đây là sự bảo vệ cần thiết cho hình mẫu kinh doanh của các công ty này.
Theo New York Times, ủy ban thuộc Hạ viện Anh kêu gọi chính phủ chấm dứt sự miễn tội đối với mạng xã hội như Facebook, Twitter. Các nghị sĩ cho rằng rằng trên thực tế, các công ty công nghệ có quyền điều khiển đối với nội dung mà họ đăng tải và vì vậy có trách nhiệm với chúng.
"Các trang mạng xã hội không thể trốn tránh trách nhiệm với lời tuyên bố họ chỉ là một 'nền tảng'", báo cáo đưa ra ngày 29/7 khẳng định. "Điều này không đúng, họ có thể thay đổi điều gì được hiển thị hoặc không trên trang của người dùng, dựa trên thuật toán và các tương tác", News York Times trích dẫn báo cáo.
Ủy ban cũng kêu gọi những nhà giám sát nội dung truyền hình và radio đưa ra tiêu chuẩn về tính chính xác và sự khách quan trên mạng xã hội, đồng thời thúc đẩy việc thiết lập nhóm các chuyên gia đánh giá mức độ tín nhiệm của các trang hoặc tài khoản trên Facebook, Twitter. Các nghị sĩ cũng đề xuất áp dụng loại thuế mới đối với các công ty công nghệ nhằm chi trả cho sự giám sát.
Để phòng tránh nguy cơ các tổ chức chính trị can thiệp đến ý kiến người dùng, ủy ban cũng đề nghị bắt buộc các trang mạng xã hội công khai nhà tài trợ đứng sau quảng cáo chính trị hoặc thông tin có trả tiền, tương tự các phương tiện thông tin truyền thống.
Trong khi đó, luật pháp Anh quy định mức phạt đối với việc vi phạm các quy định bầu cử tối đa là 20.000 bảng Anh (hơn 26.000 USD). Đây được xem là số tiền quá nhỏ đối với các gã khổng lồ công nghệ. Do đó, ủy ban của Hạ viện Anh đề xuất thay đổi mức phạt dựa trên phần trăm lợi nhuận của các công ty. Và đối với Facebook, đây chính là một hình phạt đầy tính đe dọa.
>>> Đọc thêm: Ông chủ facebook rơi khỏi Top 5 người giàu nhất thế giới
Bình luận