• Zalo

Nghe kể về loại chè hảo hạng của Việt Nam

Thời sựThứ Bảy, 28/01/2012 12:39:00 +07:00Google News

(VTC News) – Người phụ nữ gầy gầy, khuôn mặt khắc khổ vừa tất bật xử lý hàng núi việc cuối năm vừa hồ hởi chia sẻ câu chuyện về “chè UTZ”.

(VTC News) – Người phụ nữ gầy gầy, khuôn mặt khắc khổ, có giọng nói rất to đầy nhiệt huyết vừa đi lại thoăn thoắt, xử lý hàng núi việc cuối năm vừa hồ hởi chia sẻ câu chuyện về “chè UTZ”.


Tôi gặp bà trong một ngày áp Tết nguyên đán Nhâm Thìn 2012, khi thời tiết lạnh giá, nhiệt độ xuống tới 7 độ, cộng với mưa phùn gió bấc khiến cho câu “rét Thái Nguyên” thực sự thấm thía.


Vòng vèo chặng đường hơn chục km đồi núi từ TP Thái Nguyên, tôi được "mục sở thị" sản phẩm chè đầu tiên của Việt Nam được công nhận đủ điều kiện để hội nhập và lưu thông trên thị trường quốc tế.


Sạch là phải sạch từ nhà ra đồi chè

 

Qua nhiều bãi chè xanh mơn mởn được đánh số, ghi lô, nêu rõ diện tích… tôi đến nhà bà trên một ngọn đồi, được bao quanh bởi màu xanh mát mắt của chè.


Cái lạnh giá của mưa phùn gió bấc ngay lập tức bị "đánh bại" bởi dáng vẻ tất bật của người đàn bà nhỏ thó với dáng đi thoăn thoắt. Liên tục nghe và trả lời điện thoại điều hành công việc cuối năm của HTX chè, việc phân phối tới các đại lý, người phụ nữ ấy vừa chung tay làm đám giỗ của gia đình, lại vừa tiếp chuyện nhà báo.

Bà là Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX chè Tân Hương (một trong những vùng chè nổi tiếng của Thái Nguyên nằm trên xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên) - người góp công lớn để sản phẩm chè Tân Hương được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Quốc tế UTZ Certified vào đầu tháng 11/2011 vừa qua.

Những bãi chè xanh mơn mởn, trồng theo tiêu chuẩn UTZ nằm quanh những ngôi nhà khang trang của người dân xứ chè Tân Hương, Thái Nguyên (Ảnh: Trần Vũ) 


Diễn giải bằng lời thay cho hàng đống giấy tờ, tài liệu về UTZ Certified (chương trình chứng nhận toàn cầu cho hoạt động sản xuất và buôn bán trà có trách nhiệm) với hàng loạt những tiêu chuẩn, quy định khắt khe, bà Hiệp cho biết, cây chè trồng theo tiêu chuẩn UTZ (chè UTZ) hoàn toàn không có gì khác biệt so với cây chè truyền thống, nhưng quy trình sản xuất ra chè UTZ phải tuân thủ hàng trăm quy định từ trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, đóng bao bì… theo dây chuyền khép kín.


“Ví dụ, trồng chè phải trên đất phù hợp, không nằm trong vùng quy hoạch, vùng đất bảo tồn, vùng đất cấm. Nước tưới chè không dùng nước ô nhiễm. Nếu là nước ao hồ thì không được để các nguồn nước thải  chảy vào đồng thời phải được lấy mẫu đi phân tích chất lượng, kết quả phải đạt tiêu chuẩn mới được tưới chè.


Về thuốc bảo vệ thực vật cũng phải là thuốc được sự cho phép của quốc tế với cây chè. Việc thu hái cũng phải đúng kỹ thuật, hái phải bằng dụng cụ chuyên dụng bao đựng chè cũng không được dùng bao đựng cám, đựng phân bón như nhiều nơi lâu nay vẫn làm mà bao đó phải được sản xuất theo tiêu chuẩn. Chè hái mang về nhà cũng không được rải xuống dưới nền đất, nền gạch mà phải được rải trên lưới, trên bạt và sàn gỗ…”, bà Hiệp say mê diễn giải.


Trong quá trình sản xuất chè cũng phải có cả người và dụng cụ cứu thương được chứng nhận về y tế để chịu trách nhiệm cấp cứu nếu người trồng chè bị nạn. Rồi, trẻ em, phụ nữ có thai không được phép phun thuốc trừ bảo vệ thực vật, người lao động phải được tập huấn.


Tất cả những nơi sản xuất đều phải treo biển báo. Ủ phân phải trên nền bê tông và có mái che chứ không ủ trực tiếp xuống đất và phải tránh xa giếng nước 25m. Bãi chè phun thuốc bảo vệ thực vật xong phải có biển báo ghi rõ “khu vực cách ly 24 tiếng”…


Một trong những quy định của UTZ khi sản xuất chế biến chè được người dân tuân thủ nghiêm ngặt. (Ảnh: Trần Vũ) 

“Ngay cả cái bóng điện phục vụ việc sao chè cũng phải treo ở nơi an toàn, để nếu có bị rơi vỡ cũng không rơi vào chè. Dụng cụ sao chè cũng quy định phải là tôn inox để tránh bị oxy hóa, han gỉ lẫn vào chè. Việc bảo quản chè, ngoài việc đóng vào bao đúng quy định vệ sinh an toàn còn phải đánh mã lô, số rõ ràng, đúng ngày, tháng, năm để quản lý sản phẩm…

Quy định quốc tế là thế! Sạch là phải sạch từ nhà ra đồi chè chứ không chỉ sạch riêng sản phẩm chè. Phải tuân thủ những quy định như vậy để người sử dụng nhìn vào là thấy ngay nguồn gốc sản phẩm, để sản phẩm tự nói lên nguồn gốc của mình” – bà Hiệp nói.

So sánh việc sản xuất chè trước và sau khi được công nhận chè UTZ, bà Hiệp nêu, trước đây khi sản xuất chè muốn bón phân gì thì bón, muốn phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gì thì phun, giờ phải là phân nhà nước cho phép, thuốc phải kiểm chứng không có độc tố, lại phải ghi chép rõ việc mua thuốc như thế nào, phải giữ lại bao bì thuốc BVTV để khi thanh tra, kiểm tra phải rõ ràng xuất xứ.


Điều khác biệt thực sự là ở chỗ, toàn bộ sản phẩm được chứng nhận đảm bảo chuẩn quốc tế này có thể truy nguyên nguồn gốc đến từng hộ sản xuất, thông qua việc ghi chép luân chuyển từ hộ gia đình đến HTX và ra thị trường trên một quyển sổ nông hộ.


Tại quyển sổ này, ghi chép rõ những việc diễn ra hàng ngày liên quan đến cây chè như trồng khi nào, chăm sóc ra sao, bón phân gì, phun thuốc gì, chế biến thế nào, bảo quản ra sao, ký hiệu lô trên bao bì sản phẩm...


Nói rõ thêm việc làm thế nào để người tiêu dùng biết chè UTZ là chè sạch, không phải là chè UTZ “dỏm”, bà Hiệp nhấn mạnh: “Người tiêu dùng nếu không mua chè tại nơi sản xuất (HTX Tân Hương) thì có thể tìm hiểu thông tin kỹ trên bao bì. Khi mua ở bất cứ đại lý, cửa hàng nào cũng có thể yêu cầu đưa ra hóa đơn chứng từ, phiếu xuất kho, hóa đơn đỏ. Thậm chí, khi có hóa đơn trong tay thì cũng có thể mang đến tận gốc để đối chiếu trên sổ nông vụ xem có “khớp” với chè mình mua không… Hoặc cũng còn cách… đem đi phân tích!”.


Bà Đỗ Thị Hiệp - người phụ nữ gắn bó cả đời với cây chè đã góp công lớn đưa cây chè "của mình" đạt chuẩn quốc tế nhưng vẫn không ngừng trăn trở tìm "lối ra" cho sản phẩm "hữu danh chưa có thực" này. (Ảnh: Trần Vũ) 


Giữ được chè sạch còn khó gấp 100 lần

Có 37/50 hộ xã viên tại HTX Tân Hương tham gia trồng chè theo tiêu chuẩn UTZT với diện tích 10,25 ha. Bà Hiệp cho biết, các hộ được chia làm 7 tổ, các tổ trưởng có trách nhiệm đôn đốc và giám sát việc tuân thủ của từng hộ dân đối với các quy định thực hành sản xuất theo chứng nhận UTZ Certified. Việc giám sát công việc sản xuất và chế biến được tiến hành bất thường.


"Đầu năm 2011, khi tham gia một hội thảo về nâng cao chất lượng sản phẩm chè nông nghiệp, nghe về việc chứng nhận UTZ Certified và tìm hiểu kỹ, tôi nhận ra đây chính là thời cơ, là chìa khoá để mở ra thành công cho HTX chè Tân Hương - nơi tôi lao tâm khổ tứ bao năm để cùng các xã viên tìm cách cải tạo chè, mạnh dạn làm chè sạch, chè an toàn", bà Hiệp nhớ lại.

 

Tuy nhiên, khi họp xã viên để trình bày kế hoạch làm chứng nhận chè UTZ thì có không ít người phản đối, thậm chí, đến lúc thực hiện, nhiều xã viên cũng làm sai quy trình hướng dẫn. Bà Hiệp đã cùng Ban quản lý HTX đến từng nhà kiểm tra, giám sát rồi hướng dẫn xã viên thực hiện lại.


“Khi vận động tham gia sản xuất chè UTZ đã khó, đến lúc thực hiện càng khó, khó nhất là lâu nay các xã viên chân lấm tay bùn quanh năm không có thói quen ghi chép. Mình phải khéo léo uốn nắn tránh để mọi người tự ái, bỏ dở giữa chừng” - Chủ nhiệm HTX "đẻ" ra chè UTZ đầu tiên ở Việt Nam chia sẻ.


Kết quả, trong năm 2011 vừa qua, 28 tấn chè đầu tiên làm theo tiêu chuẩn UTZ đã được bao tiêu với giá cao ngất là 300.000đồng/kg (gấp 2 lần giá thị trường).


Vui là vậy, nhưng bà Hiệp không giấu nổi sự lo lắng, trăn trở vì từ khi chè Tân Hương được công nhận chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam thì cuộc sống cũng như công việc của người làm chè ở đây không hề có sự thay đổi. Chưa có thêm công ty nào ký hợp đồng để tiêu thụ sản phẩm này.


“Mang tiếng chè đạt chuẩn quốc tế nhưng hiện cũng chưa có “mùi” quốc tế trong bao tiêu sản phẩm. Thực sự thì chè sạch khó mà đến được với người cần sạch” – bà Hiệp giọng buồn buồn nói.


Cùng với việc tuân thủ các quy định ngặt nghèo của UTZ thì nỗi trăn trở lớn nhất của những người trong Ban quản lý HTX Tân Hương cũng như bà Hiệp là có bao tiêu được sản phẩm cho chính xã viên của mình không, giá trị sản phẩm chè UTZ có cao hơn bình thường được không? Bởi rất khó để giữ chân những người trồng chè UTZ và họ sẵn sàng bỏ cuộc nếu không tìm được đầu ra.


Ngoài việc kiểm chứng hóa đơn, thông tin trên bao bì, đối chiếu thông tin với sổ nông hộ của người làm chè thì những ai muốn dùng chè sạch còn một cách là... mang chè đi xét nghiệm, phân tích để kiểm chứng xem có phải là chè UTZ không! (Ảnh: Trần Vũ) 

"Ngay cả người tiêu dùng cũng ít ai biết được UTZ là gì? Có khi, người ta còn bảo “nói là chè sạch chứ chắc gì đã sạch”. Thậm chí, nếu mang vào siêu thị bán mà có dán nhãn chè UTZ thì cũng không chắc sẽ bán được sản phẩm chè UTZ trước các sản phẩm chè khác” – bà Hiệp chia sẻ.

Theo bà Hiệp, việc tuyên truyền chè sạch, chè đạt tiêu chuẩn của UTZ nói chung còn rất hạn chế, trong đó, với HTX trực tiếp sản xuất chè UTZ như HTX Tân Hương thì  hạn chế này là do kinh phí để phục vụ tuyên truyền.


Hiện, sản phẩm này vẫn chỉ được bán như là một loại chè quen thuộc lâu nay với các khách hàng chứ nhiều người chưa biết được những ưu việt của chè UTZ mà mình sử dụng. Bà Hiệp cũng như những người trồng chè UTZ đều mong rằng, một ngày nào đó, người tiêu dùng sẽ tìm đến với chè UTZ.


Bà Hiệp cũng kể, trong lễ trao chứng nhận UTZ, ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam tuy không hứa chắc chắn về việc Hiệp hội sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè UTZ Tân Hương nhưng ông này đã khẳng định, dự án chè UTZ ở Tân Hương là có thật, chè sạch này là có thật!


“Nếu được bao tiêu sản phẩm, có được đầu ra thì tôi tin chắc, những người làm chè sẽ làm ra chè này” – bà Hiệp mong mỏi.


Dẫn tôi đi mục sở thị một số quy trình sản xuất chè UTZ của gia đình mình với những gói chè to được hút chân không xếp đầy trong kho, bà Hiệp bày tỏ kỳ vọng, năm mới Nhâm Thìn 2012, chè UTZ của bà và những xã viên ở Tân Hương sẽ “bay” như rồng đến với thị trường trong nước và quốc tế.

Kiều Minh

 


Bình luận
vtcnews.vn