• Zalo

Ngành ngân hàng nóng chuyện sếp lớn nghỉ hưu

Kinh tếThứ Sáu, 02/05/2014 07:03:00 +07:00Google News

Thay đổi nhân sự cao cấp là điểm nhấn, không phải đến từ các cuộc thâu tóm nóng bỏng trước đây, mà từ sự lạnh lùng của thời gian và tuổi tác.

Thay đổi nhân sự cao cấp là điểm nhấn, không phải đến từ các cuộc thâu tóm nóng bỏng trước đây, mà từ sự lạnh lùng của thời gian và tuổi tác.

Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), hình ảnh vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lê Hùng Dũng được công chúng biết đến với mái tóc bạc trắng. Năm nay, ông Dũng đã đến tuổi nghỉ hưu.

Ngày 28/4, Eximbank họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014. Một nội dung được quan tâm là tổ chức lại cơ cấu Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2010-2015.

Có cổ đông thắc mắc, ông Lê Hùng Dũng đã được bầu và đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank từ tháng 4/2010, nhiệm kỳ chưa hết và chưa từ nhiệm hay miễn nhiệm sao phải bầu lại?

Tại Eximbank, ông Dũng là đại diện phần vốn sở hữu của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) - nơi mà ông cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên. Nay, ông Dũng đã đến tuổi nghỉ hưu, SJC cũng đã có văn bản thông báo ông không còn là đại diện phần vốn của họ tại Eximbank từ ngày 28/4/2014 - cơ sở để tham gia Hội đồng Quản trị thời gian qua.

sếp ngân hàng
 Từ trái sang: ông Lê Hùng Dũng, ông Nguyễn Hòa Bình và ông Phạm Huy Hùng.
Tuy nhiên, tại kỳ đại hội này, ông Lê Hùng Dũng tiếp tục được 3 cổ đông thể nhân và 1 pháp nhân ứng với tỷ lệ sở hữu 10,4% cổ phần Eximbank đề cử. Kết quả, ông Dũng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank.

Nhưng một số cổ đông không hài lòng với kết quả trên. Cụ thể, tại đại hội, một số ý kiến đại diện cho một tỷ lệ sở hữu nhất định phát biểu và nêu yêu cầu cần thay đổi. Một cổ đông đề nghị thẳng rằng, ông Dũng đã đến tuổi nghỉ hưu thì nên nghỉ, để vị trí quản trị cao nhất tại Eximbank cho người khác đảm nhiệm.

Cũng theo ý kiến phát biểu trên, quan ngại đưa ra là so sánh mối liên hệ giữa công việc của ông Dũng tại Eximbank thời gian qua với vị trí Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mà ông vừa đảm nhận. Cùng với đó là khoản tài trợ giá trị lớn của Eximbank cho bóng đá trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đi xuống, hoạt động ngân hàng kém đi, hay thời gian và sự chuyên tâm cần thiết cho hoạt động ngân hàng…

Mối liên hệ trên có ở ý kiến của một số cổ đông khác nữa phát biểu tại đại hội, gắn với quan ngại tình hình kinh doanh của Eximbank gần đây. Nhưng dù thế, kết quả bầu chọn cuối cùng là tiếng nói chung, đại diện chính thức cho các cổ đông.
 
Ở ngân hàng thương mại cổ phần là vậy. Ở ngân hàng thương mại nhà nước, nghỉ hưu là nghỉ.
 
Một ngày sau đại hội của Eximbank, thị trường chú ý những thay đổi cơ cấu nhân sự cao cấp tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) - một ngân hàng thương mại nhà nước. Ông Phạm Huy Hùng nghỉ hưu, và dĩ nhiên ông cũng không còn đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Những thông tin bên lề thời gian qua có đặt ra tình huống, ông Hùng có thể vẫn tiếp tục tham gia quản trị VietinBank thêm một thời gian nữa. Nhưng tình huống này rốt cục đã không xảy ra. Báo chí mô tả, ông Hùng khóc khi nói lời chia tay tại đại hội cổ đông.

Có thể có những lý do nội tâm, song sự xúc động là rất bình thường ở một người đã 25 năm gắn bó với ngân hàng.

Với người của VietinBank, sự xúc động và lưu luyến hẳn cũng có trong cán bộ nhân viên, cũng như những cảm xúc khác nữa có thể có. Bởi dấu ấn của ông Hùng tại VietinBank, dù theo khía cạnh nào, cũng là rất lớn...

Dưới thời ông Phạm Huy Hùng, VietinBank đã có sự bứt phá ấn tượng, xét về các con số tăng trưởng và vị trí trong hệ thống. Một yếu tố thuận lợi và không phải trùng hợp ngẫu nhiên, ngân hàng này tăng trưởng nhanh hơn sau khi tiến hành cổ phần hóa.

Cụ thể, trong giai đoạn ông Hùng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (2009 - 2013), VietinBank liên tục bứt phá một cách chóng mặt về quy mô, lợi nhuận so với tất cả các ngân hàng thương mại khác, nhất là khi so với các “ông lớn” trong đối trọng như Agribank, Vietcombank và BIDV.

Tổng tài sản của VietinBank đến cuối 2013 đã đạt tới hơn 576.000 tỷ đồng, dẫn đầu các tổ chức tín dụng Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế cộng dồn giai đoạn 2009-2013 đạt 32.322 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với giai đoạn 2004-2008. Tổng số nộp ngân sách nhà nước ước đạt 10.465 tỷ đồng, gấp 7,6 lần so với giai đoạn 2004-2008.

Cho dù, có một điều được nhận thấy rộng rãi trong công chúng là “vị đắng” đọng lại sau khi ông Hùng chia tay, với vụ án Huyền Như còn chưa có lời kết…

Nhìn sang một ngân hàng thương mại lớn khác, năm nay, một sếp lớn cũng sắp sửa nghỉ hưu. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là một ngân hàng thương mại nhà nước, tương tự như VietinBank, đến tuổi nghỉ hưu là nghỉ.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, sinh ngày 19/10/1954, cũng đã gần đến thời điểm chuyển giao vị trí quản trị cao nhất. Gần 25 năm gắn bó trong đó có chục năm ở vị trí lãnh đạo cao nhất tại Vietcombank, ông Bình hẳn là người có ảnh hưởng hàng đầu trong quá trình phát triển của ngân hàng thương mại lớn này sau khi cổ phần hóa.

Tại VietinBank, việc bố trí nhân sự kế nhiệm và những thay đổi liên quan đã có. Tại Vietcombank sắp tới, có lẽ cũng đã có những trù tính.

Trước thềm những thay đổi trên, chủ tịch một ngân hàng thương mại cổ phần khác trò chuyện với phóng viên và nhìn nhận rằng, các ngân hàng thương mại nhà nước hiện không thiếu nhân sự lãnh đạo giỏi và nhiều kinh nghiệm. Và sẽ không bất ngờ nếu sự kế nhiệm đến từ nội bộ của họ.

Với những người nghỉ hưu, cũng không hẳn là nghỉ hẳn. Họ vẫn có thể tiếp tục. Như cũng trong lĩnh vực ngân hàng, khối ngân hàng thương mại cổ phần là điểm đến của nhiều giới chức khi đối diện tuổi hưu, điều đã rất phổ biến trong những năm gần đây.

Theo Minh Đức/Vneconomy

Bình luận
vtcnews.vn