• Zalo

Ngân hàng thương mại tăng vốn nhờ sở hữu chéo

Kinh tếThứ Năm, 14/11/2013 03:59:00 +07:00Google News

Nhờ sở hữu chéo các NHTM đã có đủ số vốn điều lệ trong thời gian ngắn.

Nhờ sở hữu chéo các ngân hàng thương mại đã có đủ số vốn điều lệ trong thời gian ngắn. Trong khi đó, Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, đang có 6 cặp ngân hàng sở hữu chéo.

ngân hàng thương mại tăng vốn nhờ sở hữu chéo

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán khó khăn, năng lực vốn trước đó của nhiều ông chủ ngân hàng phần lớn là do lướt cổ phần đang nắm giữ nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn các ngân hàng đã có đủ số vốn điều lệ 3.000 tỷ.

Trên VnEconomy, chuyên gia Nguyễn Thanh Nghị (hiện công tác tại Ngân hàng Nhà nước) lý giải: “Trong một thời gian ngắn, để tăng được lượng vốn hàng nghìn tỷ đồng là không đơn giản. Trong nhiều cách, có một cách là lách quy định thông qua sở hữu chéo”.

Nhờ sở hữu chéo các Ngân hàng thương mại (ngân hàng thương mại) đã có đủ số vốn điều lệ trong thời gian ngắn 

Theo chuyên gia Nguyễn Thanh Nghị, cổ đông ngân hàng A vay vốn ngân hàng B để đầu tư vào B và ngược lại; hoặc tổng công ty X xở hữu doanh nghiệp Y, đồng thời sở hữu doanh nghiệp Z, khi doanh nghiệp Y và Z cùng đầu tư vào ngân hàng A thì đương nhiên, X là chủ sở hữu của ngân hàng A, trong đó, Y và Z là sở hữu trực tiếp, còn X là sở hữu gián tiếp.

Vì thế, nhiều nguồn vốn của từng ngân hàng tăng nhưng tổng thể nguồn vốn toàn hệ thống thì không hề thay đổi do số tiền chỉ chảy qua, chảy về giữa “túi nọ”, “túi kia”, giá trị tăng chỉ trên sổ sách, còn thực tế thì không tăng.

Điều đáng lo ngại từ quá trình này là ở chỗ làm sai lệch việc đánh giá rủi ro cho hệ thống, bởi lẽ: muốn biết ngân hàng hoạt động có an toàn hay không thì phải dựa vào các chỉ số như tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất, tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ, được xác định qua vốn tự có mà vốn điều lệ là yếu tố quan trọng nhất trong vốn tự có.

Và như thế, khi vốn điều lệ bị làm sai lệch thì các chỉ số khác cũng bị sai lệch theo, dẫn đến quá trình giám sát quản trị, đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng... không còn chính xác nữa.

Ông Đào Quang Tính, Phó chánh Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, bắt đầu từ cuối 2011, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành phân loại hàng loạt ngân hàng “có vấn đề” trong việc tăng vốn điều lệ và tiến hành khoanh vùng số này.

“Chúng tôi phải làm nhẹ nhàng theo cách “đập chuột không vỡ bình”, “diệt cỏ không làm hại lúa” để tránh náo loạn cả hệ thống”, ông Tính nói.

6 cặp ngân hàng đang sở hữu chéo


Trong khi đó, theo đánh giá của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng đang có xu hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng nói riêng cũng như toàn hệ thống tổ chức tín dụng nói chung, gây cản trở nhất định đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

“Cùng với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra, giám sát toàn diện hoạt động của các tổ chức tín dụng và đã khái quát được đầy đủ thực trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng.

Theo đó, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam là vấn đề có tính lịch sử và cần được xử lý từng bước, triệt để và bằng nhiều giải pháp đồng bộ”, Thống đốc nói.

Theo đánh giá của vị tổng tư lệnh ngành ngân hàng, thực tế hiện nay đang tồn tại 6 cặp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau; 34 tổ chức tín dụng có cổ đông một chiều là tổ chức tín dụng khác, trong đó một số ngân hàng thương mại cổ phần có một số cổ đông là tổ chức tín dụng khác.

“Tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng, mặc dù mới chỉ ở mức quy mô nhỏ, song đã có những tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng này và toàn hệ thống ngân hàng”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã xác định mục tiêu xử lý sở hữu chéo là góp phần bảo đảm cho hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, lành mạnh và minh bạch; phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của tổ chức tín dụng và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cùng với đó là hạn chế tối đa tác động tiêu cực của sở hữu chéo tới an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần thực hiện thành công Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015.

“Quan điểm xử lý sở hữu chéo là thận trọng, có lộ trình để giữ ổn định từng tổ chức tín dụng và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Giải pháp xử lý phải toàn diện bao gồm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hạn chế sở hữu chéo và quy định an toàn hoạt động ngân hàng; xử lý đồng bộ, toàn diện nhưng có tính đến đặc điểm của từng tổ chức tín dụng cụ thể”, Thống đốc khẳng định.


 
Cuối năm 2015 sẽ xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, cuối năm 2015 sẽ xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay, kiểm soát có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng) giai đoạn 2011-2015” và “Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng”.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng các khoản cho vay trả lãi vay ngân hàng.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng phải đề xuất các giải pháp để xử lý nợ xấu dự tính theo quy định tại Thông tư 02 (theo từng năm đến năm 2015, bao gồm cả nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản); các giải pháp, kế hoạch xử lý nợ xấu đối với công ty con, chi nhánh, đơn vị trực thuộc tổ chức tín dụng.



Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn