“Câu hỏi các phóng viên thường đặt ra cho tôi khi xuân về thường là Hội Hoa Xuân TP.HCM năm nay có gì mới? Cái mới chính là sự sáng tạo của các nghệ nhân đã đem đến mỗi kỳ Hội Hoa Xuân.
Tuy gắn bó với Hội Hoa Xuân đã nhiều năm nhưng cứ mỗi lần tổ chức, tôi cũng lại hồi hộp không kém khi đón từng chuyến xe chở hiện vật về tập kết tại công viên Tao Đàn”, ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh TP.HCM - đơn vị tổ chức Hội Hoa Xuân TP.HCM (HHX) chia sẻ.
Được ghép từ đá tuyết hoa, một loại đá lấy từ miền Đông Nam Bộ, tác phẩm Xuân nơi miền xa mất khá nhiều công sức ở giai đoạn mài và lắp ghép. “Phải mài từng góc cạnh và chọn góc để lắp ghép cho hài hòa, đẹp mắt”, nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh chia sẻ. |
Theo ông Hà, dù trước đó nhiều tháng, ông và các cán bộ phòng kỹ thuật của Công ty đã trực tiếp gặp gỡ các nghệ nhân tham dự HHX nhưng phần lớn hiện vật luôn được những nghệ nhân giữ bí mật đến phút chót. Cận ngày khai mạc, Ban tổ chức mới có thể “mục sở thị” sản phẩm trưng bày hoặc dự thi. Đó là sự độc đáo và thú vị chỉ có ở HHX TP.HCM.
Tiểu cảnh Trường giang soi bóng (cây ngọa tùng), một trong những tác phẩm đẹp và hoành tráng của bộ sưu tập năm nay. |
Năm nay, HHX lần thứ 33 ghi nhận “sức sáng tạo bền bỉ và có bước đột phá khá bất ngờ”, như lời thành viên ban chấm giải hiện vật HHX cho biết sau buổi chấm thi các bộ môn kiểng cổ, bon sai, non bộ, tiểu cảnh, cây khô, cá… diễn ra ngày 6/2 (tức 26 Tết) vừa qua. Đặc biệt, sản phẩm trưng bày dự thi bộ môn tiểu cảnh đạt độ “khủng” cả về chất lẫn lượng.
Mang tên Vươn xa, tiểu cảnh đạt độ dài nhất đúng như tên gọi: 4,5m. |
“Có những cái đẹp đến sững sờ”, ông “vua” non bộ Lâm Ngọc Vinh (H.Hóc Môn, TP.HCM), người nổi tiếng trong giới chơi bon sai Việt Nam do từng đạt nhiều giải thưởng tại HHX và các cuộc thi quốc tế, cho biết. Xuân nơi miền xa là tác phẩm được ông Vinh giới thiệu tại HHX.
Tác phẩm được nghệ nhân này thực hiện khá công phu, mất 48 ngày mới hoàn thành (gấp 3 lần thời gian so với những tác phẩm thông thường). Tiểu cảnh có dòng suối róc rách vắt ngang những dãy núi hùng vĩ. Thấp thoáng giữa rặng thông, tùng xanh ngắt là ngôi chùa nhỏ ẩn hiện trầm mặc, thoát trần, từng chú hươu, nai thong dong gặm cỏ càng tô đậm vẻ đẹp thiên nhiên khi trời đất vào xuân.
Đỉnh tùng là loài thực vật cổ còn sống sót nằm ở mức độ R (hiếm) và có nguy cơ tuyệt chủng. Cây gỗ nhỏ, ít khi cao 10-15m và rất ít gặp trong rừng rậm nguyên sinh vùng núi thấp |
Đa tử trà hương, loài cây mới vừa được các nhà khoa học phát hiện ở vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng cách đây 8 tháng. |
Cây trà hương này có tên khoa học là Polyspora huongiana Orel, Curry & Luu, loài cây này được đặt theo tên ông Lê Văn Hương, giám đốc vườn quốc gia Bidoup - người có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học tại đây. Theo ông Ngô Bắc Đẩu, phụ trách khu trưng bày cây quý hiếm của HHX, loài mới này chưa từng ghi nhận trên thế giới, thuộc họ Trà, cây gỗ cao không quá 10m, hoa mọc ở đơn nách lá và có màu hồng sẫm.
“Chúng tôi đang chờ đợi cây sẽ nở hoa vào những ngày năm mới để người dân có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài cây độc nhất vô nhị, chỉ có ở Việt Nam này”, ông Đẩu hy vọng.
Đặc biệt, bộ sưu tập 158 cây quý hiếm lần này có sự góp mặt nhiều cây rừng được ghi trong sách đỏ Việt Nam (là danh sách các loài động vật, thực vật tại Việt Nam thuộc loại quý hiếm, đang bị giảm sút về số lượng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng) và 1 loài cây mới vừa phát hiện, chỉ có ở nước ta.
Theo Trọng Vĩnh/ Khampha
Bình luận