Điều này phần nào lý giải vì sao nhiều địa phương không có voi nhưng lại rao bán loại hàng cấm này tràn lan.
“Mua đi kẻo hết”
Một sáng cuối tuần tháng 6, chúng tôi dạo quanh thành phố Pleiku, bất giác một cửa hàng lưu niệm bày bán đủ sản vật Tây Nguyên thu hút chúng tôi. Bước vào trong, cơ số của ngon vật lạ của vùng đất đỏ Bazan được bày bán như: Món bò 1 nắng, rượu cần, cà phê…
Giữa một rừng đặc sản ấy, chúng tôi phát hiện khá nhiều chiếc vòng màu trắng đục như ngà voi. Nữ chủ nhân cửa hàng cười: “Đồ nhựa đấy, hàng thật ai để công khai thế”.
Tôi chợt hỏi, ở đây làm gì có voi mà bảo hàng thật. Nữ chủ quán đáp gọn ơ, hàng châu Phi cả. Nói rồi, bà lấy từ trong chiếc túi đựng đủ vòng, nhẫn ngà voi, lông đuôi voi và khẳng định hàng thật 100%. Cho chúng tôi xem chiếc vòng ngà voi dày 13mm với giá 20 triệu đồng, nữ chủ quán tiết lộ, khách của bà toàn các VIP mua biếu.
Bà chủ chỉ dẫn thêm, hàng thật đeo vào người một thời gian sẽ lên màu vàng và hiện các đường vân rất đẹp. Còn 1 loại đắt đỏ và quý hiếm hơn nữa là ngà voi huyết, khi chiếu sáng sẽ thấy các gân nhỏ như mạch máu.
“Em mua đi, kẻo sau này hết voi, có nhiều tiền cũng không mua được”- lời nói của bà khiến tôi suy nghĩ, liên tưởng đến thảm cảnh đàn voi châu Phi, châu Á bị truy lùng, sát hại để lấy ngà.
Khi chúng tôi chuẩn bị rời đi, nữ chủ nhân bất ngờ giơ 1 khúc ngà voi nguyên khối nặng cả kg được lấy từ trong chiếc hòm bí ẩn. Chiếc ngà voi này có nguồn gốc từ châu Phi đã được bà cất giữ nhiều năm. Đây là bảo bối nên dù nhiều người trả giá trăm triệu đồng, bà cũng không bán. Bà làm hẳn cái hòm để đựng và không phải khách nào cũng được xem.
Tiếp tục khảo sát nhiều tiệm vàng ở phố núi Pleiku, chúng tôi ghi nhận hầu hết đều có bán trang sức từ lông đuôi voi, ngà voi, xương voi và nanh, móng vuốt của các loài động vật khác. Các sản phẩm này đã được nâng tầm lung linh, lấp lánh hơn nhờ gia công tinh xảo, bọc thêm bạc, vàng. Những người chủ ở đây giới thiệu hàng có nguồn gốc từ châu Phi hoặc Campuchia vì Gia Lai không có voi.
Tiếp tục đặt chân đến Kon Tum - tỉnh nằm phía Bắc Tây Nguyên, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều điểm du lịch, cửa hàng bán đồ lưu niệm có bán các sản phẩm được khẳng định chế tác từ ngà voi. Tại cửa hàng bán đồ lưu niệm trên đường Nguyễn Huệ (TP Kon Tum) nhóm phóng viên tận thấy các cửa hàng bày bán đủ các loại hoa tai, vòng, trâm cài tóc, mặt dây chuyền bằng ngà voi. Người chủ tiết lộ, những mặt hàng này được mua từ 1 người chuyên bỏ hàng dạo.
Trước khi đến, đầu nậu sẽ gọi điện hỏi rõ số lượng từng mặt hàng cần lấy. Sau đó họ tạt qua bỏ hàng cho ông rồi vội đi chứ không dừng lại lâu. Giao dịch của họ cũng chớp nhoáng, không quan tâm quá nhiều đến thông tin của đầu nậu.
Ông chủ tiệm cũng biết hàng cấm nên chỉ lấy vừa đủ bán trong 1-2 tháng. Khách hàng của ông cũng đa dạng, ngoài khách mua trực tiếp tại cửa hàng, ông còn ship đi các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nội. Ngỏ ý nhờ kết nối làm ăn, người chủ tiệm lắc đầu bảo “tuyệt mật”, từ chối cho chúng tôi số điện thoại đầu nậu.
Tại khu du lịch Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum), ngay đồi Đức mẹ có người phụ nữ tên B. bán mặt hàng được giới thiệu là ngà voi được 7 năm. Người này cũng bán sản phẩm nhẫn, vòng, lắc, lông đuôi voi song giá cao hơn so với những địa điểm khác. Đơn cử, con tỳ hưu bằng ngà bé xíu được ra giá 500.000 đồng/con. Mua 2 con sẽ được giảm giá còn 400.000 đồng/con.
“Hàng khủng” ở thủ phủ vàng
Gần 10 ngày thâm nhập các điểm du lịch, cửa hàng vàng bạc đá quý, quầy hàng lưu niệm..., chúng tôi có cơ hội sờ, nắm, ngắm nhìn hàng nghìn món đồ trang sức được giới thiệu chế tác 100% từ ngà voi. Nhưng để nói về độ công khai và chịu chơi nâng tầm hàng cấm, không thể không nhắc đến thủ phủ vàng Phước Sơn (Quảng Nam).
Tại 1 cửa hàng bán đồ lưu niệm, đá quý ở thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) chúng tôi choáng ngợp khi hàng cấm được bày bán công khai.
Tất cả các sản phẩm từ nanh móng động vật (gấu, hổ, heo rừng…), vòng, lắc tay, mặt dây chuyền, bút viết… đều được điêu khắc tinh xảo, bọc vàng, bạc lấp lánh khiến ai nhìn cũng trầm trồ, xuýt xoa. Mức giá 1 chiếc nanh nhỏ xíu được giới thiệu làm từ ngà voi có giá trên 1 triệu đồng. Những món đồ to và phủ thêm vàng, bạc dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Chủ quán là một nam thanh niên khẳng định tất cả đều làm từ ngà voi thật có nguồn gốc từ châu Phi. Người này cũng chỉ cách phân biệt hàng thật khi soi sản phẩm dưới ánh đèn sẽ thấy rõ các đường vân ca rô; đồng thời tiết lộ nhập hàng từ 1 đầu nậu. Mỗi lần, anh ta nhập nguyên cặp ngà nặng từ 5-7kg với giá hơn 40 triệu đồng/kg; sau đó đưa cho thợ gia công mài gọt thành những món trang sức, bọc thêm vàng, bạc để nâng tầm giá trị sản phẩm.
Khi hàng đã ra thành phẩm, người này mới trưng hàng ra bán công khai. Hỏi chỗ gia công, ông chủ trẻ rỉ tai, phải gửi ở nơi bí mật, để khơi khơi, công an “hốt”. Người này còn tiết lộ thêm nhiều mánh khóe đưa hàng từ châu Phi về như: Ngụy trang qua xe gỗ, nhét vào bình sứ…
Khi lấy hàng, người này thường đi xe khách và cũng dùng nhiều tiểu xảo để qua mặt cơ quan chức năng. Khách ngoại tỉnh có nhu cầu, chủ tiệm sẵn sàng gửi tận nơi thông qua hệ thống xe khách.
Theo lời của chủ quán, rất nhiều người đã mua sản phẩm ngà voi tại cửa hàng. Có khách Vip mua tới vài trăm chiếc mỗi lần làm quà tặng biếu. Người này cam kết, nếu phát hiện hàng giả sẽ đền gấp 5 lần.
Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc, Phụ trách Chương trình Chính sách và Pháp luật, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV- một tổ chức hành động vì động vật hoang dã) cho biết, Việt Nam bị đánh giá là một quốc gia nguồn, thị trường tiêu thụ và trung chuyển động vật hoang dã (trong đó có ngà voi) lớn trên thế giới.
Theo số liệu từ ENV, số vụ việc vi phạm ngày càng tăng đến mức báo động. Đơn cử, năm 2019, có 1.901 vụ việc vi phạm động vật hoang dã, thì năm năm 2021 con số vi phạm đã ở mức 3.703 vụ. Trong quý I năm 2022, cơ quan chức năng phát hiện 808 vụ việc với 1.631 vi phạm. Riêng ngà voi, năm 2021, cả nước phát hiện 575 vụ với 1.580 vi phạm.
Đắk Lắk là 1 trong những điểm nóng của nạn buôn bán ngà voi và các sản phẩm động vật hoang dã. Một cuộc khảo sát nhanh của ENV vào cuối tháng 1/2022 cho thấy, trong 26/49 cơ sở khảo sát (tiệm vàng bạc, cửa hàng mỹ nghệ, cửa hàng lưu niệm, khách sạn, nhà hàng) có bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi, xương voi, lông đuôi voi, móng hổ, móng gấu…
Theo ENV, nhiều người nghĩ rằng chỉ những sản phẩm từ ngà voi hoặc ngà voi thật mới bị cấm bán. Có 75% những người được hỏi không cho rằng việc sở hữu các sản phẩm làm từ ngà voi là hành vi vi phạm pháp luật vì họ chưa từng thấy ai bị phạt hoặc bị bắt vì sở hữu hoặc đeo các sản phẩm làm từ ngà voi.
ENV nhận định, người dân địa phương cho rằng việc buôn bán, sử dụng ngà voi từ voi châu Phi không phải vấn đề cần quan tâm hay đáng lo ngại vì không liên quan đến voi nhà tại Đắk Lắk.
Ngày 22/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Đức Tài (SN 1989, tạm trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”. Trước đó, năm 2021, Công an TP Đà Nẵng phát hiện một nhóm đối tượng có biểu hiện buôn lậu, nhập khẩu trái phép động vật hoang dã xuyên quốc gia. Nhóm đối tượng này lập ra các công ty “ma” để nhập lậu các sản phẩm từ động vật hoang dã và ngụy trang dưới danh nghĩa nhập ván gỗ sàn, hạt điều từ châu Phi. Tổng số tang vật thu được của vụ án là gần 139kg sừng tê giác; 3.108kg xương sư tử; 457kg ngà voi; 6.232kg vảy tê tê, được cơ quan chức năng định giá ước tính khoảng 300 tỷ đồng.
Bình luận