Nên dùng bếp từ hay bếp hồng ngoại?

Gia đìnhThứ Tư, 06/09/2023 06:30:00 +07:00
(VTC News) -

Lựa chọn bếp từ hay bếp hồng ngoại vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều người khi quyết định từ bỏ bếp gas để tránh nguy cơ cháy nổ, ngộ độc khí.

Khi quyết định chia tay bếp gas để chuyển sang thiết bị nấu nướng khác an toàn, tiện dụng hơn, không phải lo rò rỉ khí gas, không phải lo chuyện hết gas khi đang nấu..., nhiều người rất băn khoăn không biết nên dùng bếp từ hay bếp hồng ngoại. Để trả lời câu hỏi này, bạn cần biết về cơ chế hoạt động của mỗi loại bếp để xác định ưu điểm nhược điểm của nó, từ đó xem xét loại nào phù hợp với nhà mình nhất.

Bếp từ, bếp hồng ngoại là gì? 

Bếp từ còn gọi là bếp điện từ, hoạt động trên nguyên lý tăng nhiệt nhờ từ trường. Khi thiết bị bắt đầu hoạt động, dòng điện chạy qua cuộn dây đồng đặt dưới mặt kính bếp, sinh ra dòng từ trường trong phạm vi vài milimet trên mặt bếp. Cấu tạo của bếp từ gồm: 

Nên dùng bếp từ hay bếp hồng ngoại? (Ảnh: Faberspa)

Nên dùng bếp từ hay bếp hồng ngoại? (Ảnh: Faberspa)

  • Mâm nhiệt: Là bộ phận quan trọng giúp bếp hoạt động ổn định, bền bỉ và an toàn.
  • Quạt làm mát: Giúp làm giảm nhiệt độ của các linh kiện. Khi bếp hoạt động với công suất mạnh, quạt giúp bếp cân bằng lại nhiệt độ.
  • Bo mạch bếp từ: Giữ vai trò đặc biệt, quyết định toàn bộ quá trình hoạt động của bếp.
  • Mặt kính: Đa số các loại bếp từ hiện nay sử dụng mặt kính ceramic giúp chống trầy xước, chịu va đập, chịu lực và chịu nhiệt rất tốt. Mặt kính còn bảo vệ thân bếp và các linh kiện bên trong 

Bếp hồng ngoại là loại bếp điện hoạt động theo nguyên lý bức xạ nhiệt của tia hồng ngoại. Dòng điện đốt nóng các lõi điện bên trong (cuộn dây điện trở) để tạo ra nhiệt rồi truyền đến mặt bếp, làm nóng đáy nồi và nấu chín thức ăn. Cấu tạo bếp hồng ngoại gồm: 

  • Phần thân và đáy bếp: Có nhiệm vụ bảo vệ tốt các bo mạch điện tử bên trong.
  • Quạt tản nhiệt: Làm mát các vi mạch điện tử, linh kiện, giúp bếp hoạt động bền bỉ.
  • Bộ vi mạch điện tử: Gồm có mạch điều khiển và mạch công suất, có chức năng quan trọng trong quá trình hoạt động của bếp. Bộ phận này còn đảm nhận công việc so sánh tín hiệu và điều chỉnh công suất cho phù hợp.
  • Mâm nhiệt: Đa số bếp hồng ngoại hiện nay sử dụng mâm nhiệt dây mayso và bóng đèn halogen, giúp sinh nhiệt để đun nóng thức ăn.
  • Cảm biến nhiệt: Giúp nhận diện và so sánh nhiệt của bếp, thông báo về mạch điều khiển.
  • Mặt kính bếp: Có vai trò bảo vệ các bộ phận bên trong, chống trầy xước.

So sánh bếp từ và bếp hồng ngoại

Để xác định được nên dùng bếp từ hay bếp hồng ngoại, bạn cần biết hai loại bếp này có điểm nào giống nhau và khác nhau.

Các điểm giống nhau 

  • Thiết kế đa dạng, hiện đại với bếp đơn, bếp đôi, bếp âm/dương
  • Đều cần nguồn điện ổn định để hoạt động
  • Đều có mặt kính bền bỉ, sang trọng, độ bền cao, dễ dàng vệ sinh.
  • Công suất hoạt động đều khá cao, khoảng 2000 - 5800W nên nấu ăn nhanh hơn hẳn so với bếp ga.
  • Có các chế độ nấu được cài đặt sẵn cùng nhiều tính năng hữu ích như hẹn giờ nấu, có chế độ bảo vệ an toàn (cảnh báo quá nhiệt, nấu nồi không, khóa an toàn, tự ngắt khi quá nhiệt...) 
Một số dòng bếp hiện đại kết hợp cả bếp từ và bếp hồng ngoại. (Ảnh: Istock)

Một số dòng bếp hiện đại kết hợp cả bếp từ và bếp hồng ngoại. (Ảnh: Istock)

Các điểm khác nhau 

Nguyên lý hoạt động: Bếp từ hoạt động trên nguyên lý tăng nhiệt nhờ từ trường. Khi bếp bắt đầu khởi động, dòng điện chạy qua cuộn dây đồng đặt dưới mặt kính bếp và sinh ra từ trường làm nóng nồi và nấu chín thức ăn. Bề mặt bếp không nóng khi bật bếp.

Bếp hồng ngoại hoạt động dựa trên nguyên lý bức xạ nhiệt của tia hồng ngoại. Dòng điện sẽ đốt nóng các lõi điện bên trong (cuộn dây điện trở) để tạo ra nhiệt rồi làm nóng mặt bếp và truyền sang đáy nồi nấu chín thức ăn. Bề mặt bếp nóng khi bật bếp.

Độ an toàn: Bếp từ chỉ tác động sinh nhiệt lên nồi chảo, mặt bếp luôn trong tình trạng mát, có thể vệ sinh ngay cả khi đang đun nấu. Với bếp hồng ngoại, khi khởi động, mặt bếp bắt đầu sinh nhiệt, có thể gây bỏng do tiếp xúc. Bạn chỉ nên vệ sinh khi bếp nguội.

Nồi chảo có thể sử dụng: Bếp từ khá kén nồi chảo, chỉ dùng được với chất liệu nhiễm từ. Khi sử dụng bếp từ, bạn cần đầu tư một bộ nồi chuyên dụng. Bếp hồng ngoại không kén nồi chảo, có thể dùng bất cứ chất liệu nào, từ inox, gang, đất, thuỷ tinh đến nhôm... 

Tính kinh tế: Bếp từ có giá khá cao, lại phải đầu tư thêm bộ nồi chảo chuyên dụng; tuy nhiên hiệu suất đun nấu lại cao, thời gian nấu nướng nhanh. Bếp hồng ngoại có giá thành thấp hơn, có thể tận dụng nồi chảo có sẵn nhưng tốc độ đun nấu khá chậm, gây mất thời gian nấu nướng hơn so với bếp từ. 

Nên dùng bếp từ hay bếp hồng ngoại?

Tùy vào mục đích và nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình mà người ta cân nhắc lựa chọn loại bếp phù hợp. Đối với những bạn trẻ, kinh tế còn hạn hẹp hoặc những gia đình muốn tận dụng số nồi chảo có sẵn, lựa chọn bếp hồng ngoại là hợp lý. 

Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế, không ngại đầu tư nồi chảo chuyên dụng và muốn tiết kiệm thời gian nấu nướng thì có thể mua bếp từ.

Hiện nay có nhiều dòng bếp hiện đại kết hợp cả bếp từ và bếp hồng ngoại, được coi là lựa chọn tối ưu cho nhiều gia đình muốn sử dụng cả 2 loại bếp. 

Khánh An
Bình luận
vtcnews.vn