Các chuyên gia y tế cho rằng, y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế, nếu làm tốt sẽ đáp ứng 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường của người dân.
Trạm y tế có nhiệm vụ cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe cộng đồng...
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 90% dân số sẽ được quản lý sức khỏe, 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; Năm 2030, hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe, 100% trạm y tế dự phòng, quản lý, điều trị một số một số bệnh không lây nhiễm.
Đây là mục tiêu cần sự nỗ lực không nhỏ, trong đó có vai trò của mở rộng chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) tại tuyến y tế cơ sở, để người dân được hưởng quyền lợi thuận tiện nhất.
Để nâng cao chất lượng của y tế cơ sở, Bộ Y tế sẽ từng bước đổi mới về phương thức chi trả; ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp khả năng chi trả của BHYT và ngân sách nhà nước.
Hiện Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh, thành phố, theo 3 vùng (trong đó có 3 xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh) để triển khai và rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh trong quá trình nhân rộng.
Trong đó, chủ yếu là đổi mới hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, từng bước phấn đấu thực hiện mục tiêu mọi người đều được theo dõi, tư vấn, khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm, mục tiêu 90% dân số vào năm 2020 và 100% dân số vào năm 2025 được quản lý sức khỏe; quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, trước mắt là các bệnh huyết áp, đái tháo đường, tim mạch tại trạm y tế xã.
Về dược và y dược cổ truyền, Bộ Y tế cũng tập trung vào xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại trạm y tế phù hợp với trình độ, khả năng chuyên môn và cung cấp đầy đủ thuốc theo danh mục để trạm y tế xã có thuốc phục vụ người bệnh.
Bên cạnh đó, việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mãn tính như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, HIV/AIDS, lao… tại các trạm y tế xã là một trong những chính sách ưu tiên, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí đi lại, tăng tính tuân thủ điều trị của người bệnh.
Để nâng cao chất lượng điều trị tại trạm y tế xã, tạo điều kiện cho người bệnh tham gia BHYT, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BYT về Ban hành danh mục và tỷ lệ điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, đã bổ sung mới 61 thuốc thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, phù hợp với sự phát triển khoa học của công nghiệp dược; bổ sung dạng dùng của 6 thuốc, mở rộng tuyến sử dụng của 69 thuốc, mở rộng điều kiện thanh toán 10 thuốc, tăng tỷ lệ thanh toán 6 thuốc nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ BHYT tăng cường tiếp cận thuốc điều trị tại tuyến y tế cơ sở.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để tăng cường khám chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế xã thời gian tới, ngành y tế cần tập trung vào đổi mới cơ chế chi trả khám chữa bệnh BHYT như: Không quy định tỷ lệ quỹ BHYT được sử dụng tại trạm y tế xã, triển khai thanh toán theo định suất, ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã, tăng cường quản lý, điều trị các bệnh mãn tính, nhất là các trường hợp đã được chẩn đoán ở tuyến trên và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị, đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của trạm y tế xã theo mô hình chuẩn, đồng thời xây dựng thống nhất 1 phần mềm áp dụng tại trạm y tế xã đảm bảo quản lý thông tin các hoạt động chuyên môn với quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân.
Bình luận