Bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2018, đến nay dự án đã tạo ra hiệu quả và những chuyển biến rõ nét tại các xã mục tiêu. 501 lượt thành viên của các tổ chức CT-XH, tổ chức XH (trong đó có 375 nữ) được tập huấn về Bình đẳng giới, Quyền trẻ em, Sức khỏe bà mẹ trẻ em; cán bộ y tế được tham gia các lớp tập huấn về bộ công cụ thẻ cho điểm cộng đồng để vận dụng ngay chính dịch vụ y tế của mình.
Ngoài ra, thông qua bộ công cụ thẻ cho điểm của dự án, người dân đã tích cực đóng góp ý kiến để cải thiện chất lượng y tế địa phương, các cán bộ y tế và chính quyền cũng hiểu rõ hơn về mong muốn, kỳ vọng của người dân để đưa ra các thay đổi cần thiết.
“Dự án góp phần tăng cường năng lực cho các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội hoạt động tại 4 huyện mục tiêu để đáp ứng nhu cầu chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em.
Từ đó, phụ nữ và trẻ em có thể tiếp cận công bằng tới các dịch vụ. Ngoài ra, dự án cũng giúp người dân được tham gia đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, đưa ra ý kiến về chất lượng dịch vụ y tế của xã, huyện và mong muốn của họ để tạo ra những thay đổi tích cực”, bà Phan Hằng Hoa, Trưởng đại diện tổ chức CIAI tại Việt Nam nói.
Dự án đã sơ đồ hóa các tổ chức CT-XH, tổ chức XH ở 4 huyện của tỉnh Bắc Giang để chọn ra 23 tổ chức phù hợp. Các tổ chức được tập huấn về kỹ năng điều hành và quy trình thẻ cho điểm cộng đồng để họ có thể áp dụng công cụ này nhằm đánh giá những điểm cần cải thiện của dịch vụ y tế thông qua lăng kính của cộng đồng và cán bộ y tế.
Đặc biệt, cán bộ y tế tham gia dự án được tập huấn chuyên sâu về kỹ năng tư vấn và kỹ năng truyền thông, qua đó họ sẽ hiểu rõ hơn về tâm lývà yêu cầu ngày càng cao của người bệnh, đặc biệt là các đối tượng đặc thù như: trẻ em, phụ nữ và thanh thiếu niên; và áp dụng thành thạo các bước tư vấn kết hợp với các kỹ năng như lắng nghe, đặt câu hỏi, phản hồi v.v...
“Cán bộ y tế được tập huấn các kỹ năng, phương pháp khác nhau để thực hiện hoạt động truyền thông với sự tham gia tối đa của cộng đồng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của ngành, tuy nhiên cách thức truyền thông chủ yếu mang tính truyền thống, chưa thu hút người tham gia. Khóa tập huấn cùng với các buổi giám sát sau đào tạo của cán bộ dự án và Sở Y tế sẽ giúp cán bộ y tế địa phương tự tin điều hành các buổi truyền thông với sự tham gia tích cực của người dân về các chủ đề sức khỏe”, bà Hoa nói.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Mai Trung (huyện Hiệp Hòa) cho biết trước đây công tác tuyên truyền, truyền thông đã được các cán bộ y tế của xã triển khai. Tuy nhiên, các chiến dịch này hầu hết chưa chuyên nghiệp, bài bản. Từ khi có sự can thiệp của dự án CIAI, hiệu quả truyền thông được nâng cao rõ rệt.
“Các chiến dịch truyền thông về chăm sóc sức khỏe được chúng tôi tổ chức quy củ, có chiến lược hơn. Các cán bộ y tế đã biết cách áp dụng các phương pháp đa dạng, tài liệu trực quan phong phú và tự tin điều hành các buổi tuyên truyền, người dân cũng sôi nổi đóng góp ý kiến”, ông Tuấn Anh nói.
Có mặt tại một buổi truyền thông tuyên truyền về kiến thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại xã Mai Trung, sự thay đổi thấy rõ khi người dân tham gia đông đảo, hào hứng phát biểu.
Khác với các buổi tuyên truyền khô khan, thụ động một chiều như trước đây, ông Nguyễn Trung Dũng (27 tuổi, cán bộ dân số và truyền thông trạm Y tế xã Mai Trung) chuẩn bị các trò chơi, bảng viết, giấy màu, mô hình khiến không khí buổi tuyên truyền sôi nổi thực sự. Các bà mẹ mang thai, hoặc đang nuôi con nhỏ được chia thành các đội, hào hứng thử tài thi kiến thức về cách chăm sóc trẻ nhỏ cũng như hiểu biết về lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ.
Ngoài việc học hỏi thêm được các kiến thức, tại buổi tập huấn các bà mẹ còn được “nhập vai” tham gia thực hành các kỹ năng như: cho con bú đúng cách, xử lý khi con quấy khóc, cho bé ăn… Nhiều bà mẹ cũng nhiệt tình tương tác, chia sẻ những kinh nghiệm nuôi và chăm sóc con của bản thân.
Lần đầu tiên mang thai và dự lớp tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, chị Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1993, xã Mai Trung) hào hứng cho biết học được rất nhiều điều bổ ích. “Mình lần đầu làm mẹ nên rất lo lắng, có những điều bỡ ngỡ không biết hỏi ai. Những buổi tuyên truyền như thế này rất bổ ích và giúp mình học được rất nhiều kiến thức thực tế. Tại đây, chúng mình được thảo luận những chủ đề về chăm sóc con cái, được nghe các chuyên gia y tế tư vấn cũng như được học hỏi nhiều bài học kinh nghiệm của các bà mẹ khác”, chị Oanh nói.
Trong khi đó, là một thành viên từng tham gia lớp tập huấn của dự án CIAI, bác sỹ Nguyễn Thế Hòa (Trạm trưởng Trạm y tế xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa) cho biết, thông qua dự án CIAI, các bác sỹ tuyến dưới được tập huấn, trang bị các kỹ năng rất cần thiết cho công việc hàng ngày, bản thân ông đã học hỏi được rất nhiều.
“Trước đây, tôi thường tuyên truyền kiến thức về y tế cho người dân theo lối truyền thống, tức là ôm đồm kiến thức, dàn trải mà chưa có điểm nhấn. Vì thế người dân cũng không mấy mặn mà, kết quả của các chiến dịch truyền thông cũng chưa cao. Tuy nhiên từ khi áp dụng cách truyền thông mới, người dân hào hứng tham gia và tiếp cận được các kiến thức y tế một cách hiệu quả. Đây là những chuyển biến rất tích cực”, ông Hòa nói.
Bên cạnh việc trang bị các kỹ năng, tập huấn kiến thức cho cán bộ y tế địa phương, dự án cũng tài trợ, cùng người dân xây dựng các mô hình như: khu vui chơi cho bệnh nhi tại cơ sở y tế, mở rộng các vườn thuốc nam và xây dựng nhà vệ sinh tại trạm y tế... Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện chất lượng y tế cũng như đáp ứng được nhu cầu mong mỏi về khám, chữa bệnh của người dân nơi đây.
Đánh giá về dự án, ông Nguyễn Văn Bình – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho rằng, dự án của CIAI đã có tác động tích cực và đem lại nhiều lợi ích. “Thông qua hoạt động của dự án cán bộ y tế và người dân có thêm những kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Đặc biệt, các cán bộ có thêm nhiều kỹ năng phục vụ tốt cho công việc. Người dân và cán bộ cũng tương tác tốt hơn”, ông Bình nói.
Cũng theo đại diện Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, thời gian tới sẽ nghiên cứu các mô hình mà dự án của tổ chức CIAI đã triển khai để có thể nhân rộng ra nhiều địa phương, giúp hoạt động y tế thiết thực, hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu, mong muốn của người dân.
Video: Nâng cao hiệu quả truyền thông cho cán bộ y tế cơ sở
Bình luận