Từ nhiều tháng nay, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết - mưa nắng thất thường, một nhóm chủ yếu là các thiếu nữ ngoài 20 tuổi vẫn chăm chỉ có mặt ở khu vực gần Phủ Chủ tịch.
Họ tới đây từ khoảng 8h và khung giờ làm việc như viên chức. Thế nhưng, công việc hàng ngày của họ chỉ đơn thuần là chèo kéo du khách mua các sản phẩm của mình với giá “trên trời”.
Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh... – những nơi gần Phủ Chủ tịch từ lâu đã được xem là điểm hẹn lý tưởng của nhiều du khách, đặc biệt du khách ngoại mỗi lần tới thăm Việt Nam. Biết được điều đó, nhóm người trên đã chọn khu vực này để “hành nghề”.
Với vài tấm bản đồ Hà Nội, vài bức ảnh về thủ đô, những món quà lưu niệm nhỏ nhắn, xinh xắn và vốn tiếng Anh còm cõi, người ta có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.
Chỉ với vài tấm bản đồ Hà Nội, vài bức ảnh về thủ đô và vốn tiếng Anh còm cõi, họ dễ dàng kiếm được tiền triệu mỗi ngày nhờ chăm chỉ 'chặt chém' du khách thăm quan (Ảnh: Minh Quân) |
Dù không thể giao tiếp với khách hàng bằng tiếng nước ngoài, nhưng với thái độ nài nỉ, thậm chí van xin và với sự trợ giúp của các hướng dẫn viên du lịch, họ vẫn “sống khỏe” nhờ tình thương của những du khách lạ.
Giá cả của các mặt hàng họ rao bán không hề được niêm yết và cũng chẳng theo quy luật thị trường. Nó tùy thuộc vào độ hào phóng và kinh nghiệm mua sắm của du khách.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi tấm bản đồ thường được bán với giá 10 USD, trong khi những món đồ lưu niệm như tranh ảnh, vòng tay có lúc bị đội giá tới 500.000 đồng/sản phẩm.
Đáng chú ý, việc chèo kéo, “chặt chém” du khách diễn ra công khai và tồn tại từ rất lâu nay, nhưng các lực lượng chức năng có liên quan vẫn “làm ngơ” trước điều đó.
Hứa thật nhiều...
Đây không phải lần đầu báo chí đề cập tới nạn chặt chém du khách ở Việt Nam. Nhìn tổng thể nền kinh tế 2012, ngành du lịch góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế- xã hội.
Nạn chèo kéo, đeo bám du khách khiến hình ảnh Việt Nam bớt đẹp trong mắt khách quốc tế (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây có sự bất cập ảnh hưởng đến ngành du lịch quốc gia. Không riêng ở Hà Nội, ở một số địa phương khác cũng có hiện tượng chèo kéo, đeo bám, “chặt chém” đối với khách du lịch trong nước cũng như khách du lịch nước ngoài.
Tại phiên trả lời chất vấn sáng 13/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh từng cam kết sẽ có những biện pháp cấp bách, quyết liệt xử lý vấn nạn này.
Trước đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng để nhanh chóng tiếp nhận và xử lý vụ việc nhanh nhất. Theo kế hoạch Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội trang bị hai số điện thoại di động đường dây nóng. Cán bộ phụ trách sẽ trực điện thoại 24/24 giờ.
Ngoài ra, đơn vị này cũng sẽ phối hợp với đường dây nóng của Công an thành phố Hà Nội, quận huyện… để giải quyết, xử lý các vụ việc vi phạm. Phối hợp với đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải, Hiệp hội taxi Hà Nội về các vấn đề liên quan đến phương tiện vận chuyển khách du lịch, chất lượng phục vụ cũng như giá cước taxi.
Thậm chí, Hà Nội còn kiến nghị thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để xử lý quyết liệt hơn đối với các đối tượng “chặt chém” du khách.
Thế nhưng, không lâu sau đợt ra quân rầm rộ dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các Bộ, Sở, ngành có liên quan, mọi chuyện đâu vẫn lại hoàn đó. Ở nhiều trung tâm lớn của Hà Nội, du khách vẫn bị “chặt chém” như thường.
Thiết nghĩ, cần nghiêm túc nhìn lại tính khả thi của các biện pháp mà lãnh đạo ngành du lịch từng đưa ra nhằm giữ hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về vụ việc này.
Minh Quân
Bình luận