Nền kinh tế Mỹ kết thúc năm 2020 với nhiều tin xấu. Theo Market Watch, các nhà phân tích Phố Wall dự báo với kịch bản lạc quan nhất, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chỉ tạo ra khoảng 200.000 việc làm trong tháng 12/2020. Những chuyên gia bi quan hơn cho rằng Mỹ sẽ mất 175.000 việc làm trong tháng cuối của năm 2020.
Trong khi đó, tiêu dùng sụt giảm vào tháng 11 - lần đầu tiên kể từ tháng 5 - do thu nhập của người dân Mỹ cạn kiệt. Thị trường bất động sản cũng lao đao trong tháng 11 khi số lượng nhà bán ra giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng. Niềm tin tiêu dùng lao dốc.
Theo The Hill, có 5 điểm nóng cần được chú ý đặc biệt về nền kinh tế Mỹ trong năm 2021.
Thị trường chứng khoán biến động
Thị trường chứng khoán là lĩnh vực đầu tiên của nền kinh tế Mỹ lao đao vì dịch COVID-19 và cũng là lĩnh vực đầu tiên phục hồi hoàn toàn.
Giá cổ phiếu của các công ty thuộc những ngành như du lịch, khách sạn... vẫn yếu ớt, nhưng giá cổ phiếu công nghệ và một số ngành công nghiệp tăng vọt, đẩy các chỉ số chứng khoán Mỹ lên mức cao kỷ lục.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu Big Tech (các tập đoàn công nghệ lớn) tăng mạnh nhất. Giới đầu tư đổ xô mua cổ phiếu Zoom, Peloton, Amazon, Apple, Facebook và Square. Giá cổ phiếu Apple, Amazon và Facebook tăng lần lượt 88,67%, 75,63% và 33,11%. Trong khi đó, giá cổ phiếu Zoom tăng vọt 427,3%.
Tuy nhiên, giới quan sát cho biết các nhà đầu tư lo ngại nguy cơ thị trường chứng khoán Phố Wall biến động trong tháng 1, một phần do kết quả cuộc bầu cử Thượng nghị sĩ đại diện bang Georgia. Cuộc đua này sẽ quyết định đảng Dân chủ hay Cộng hòa kiểm soát Thượng viện Mỹ.
Cơn sốt bất động sản
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất ở mức gần 0% và xu hướng làm việc tại nhà đã đẩy nhu cầu mua nhà và giá bất động sản tăng vọt tại Mỹ. Giá nhà trung bình tăng 13,3% so với năm 2019. Có tới 1,5 triệu căn nhà tại Mỹ được khởi công xây dựng trong tháng 11, số giấy phép xây dựng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2006.
Hiện tượng cho vay thế chấp dưới chuẩn dẫn tới bong bóng bất động sản, châm ngòi cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2007. Những quy định cho vay nghiêm ngặt sau này đã ngăn chặn các nhà băng đi vào con đường cũ. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại tình trạng yếu ớt của nền kinh tế Mỹ sẽ tác động xấu đến giá nhà trong năm 2021.
Làn sóng thu hồi nhà
Trong khi hàng triệu người Mỹ mua nhà mới, hàng triệu người khác có khả năng mất nhà cửa trong năm 2021. Chính phủ Mỹ vài lần thông qua quy định cấm thu hồi nhà và trục xuất người thuê nhà nợ tiền trong năm 2020, nhưng các quy định này sẽ hết hạn vào tháng 1.
Các chuyên gia ước tính hàng chục triệu hộ gia đình Mỹ có thể sẽ bị trục xuất hoặc bị thu hồi nhà trong thời gian tới. Đó không chỉ là một thảm họa kinh tế, mà còn đe dọa cả hệ thống tài chính Mỹ.
Bất động sản thương mại đóng băng
Nền kinh tế lao dốc và xu thế làm việc tại nhà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bất động sản thương mại ở Mỹ. Hàng loạt công ty cắt giảm quy mô thuê mặt bằng văn phòng, hoặc tìm kiếm trụ sở mới với giá thuê rẻ hơn nhằm tiết kiệm chi phí vận hành.
"Các mảng bất động sản không đòi hỏi tương tác như trung tâm dữ liệu, cơ sở logistic... phục hồi nhanh chóng bởi nhu cầu thương mại điện tử tăng cao. Tuy nhiên, các mảng bất động sản truyền thống đối mặt với tình trạng khó khăn", nhà kinh tế Calvin Schnure của hãng Nareit cho biết.
Ngân hàng chật vật vì nợ xấu
Các ngân hàng Mỹ dành 6 tháng đầu năm 2020 để tăng cường các biện pháp ngăn chặn rủi ro, bù đắp các khoản nợ xấu. Tin tưởng vào khả năng chống chọi với thách thức trong năm 2021, FED cho phép các ngân hàng lớn trả cổ tức cho cổ đông.
Tuy nhiên, bà Lael Brainard, Uỷ viên Hội đồng Thống đốc FED, phản đối quyết định này. Bà cho rằng các ngân hàng cần hạn chế trả cổ tức để đảm bảo có đủ vốn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình vay trong quãng thời gian đầy thách thức này.
Nhiều chuyên gia cũng lo ngại FED đã quyết định quá vội vàng, không đảm bảo việc các ngân hàng có đủ tiền mặt để chống lại nợ xấu nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục lao dốc trong năm 2021.
Bình luận