• Zalo

Myanmar bước vào thời khắc lịch sử

Thế giớiThứ Hai, 01/02/2016 08:10:00 +07:00Google News

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi chính thức nắm quyền kiểm soát Quốc hội Myanmar hôm 1-2.

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi chính thức nắm quyền kiểm soát Quốc hội Myanmar hôm 1-2, chấm dứt hơn nửa thế kỷ cai trị của quân đội.

Thế nhưng việc ai sẽ trở thành tổng thống mới của Myanmar và ưu tiên hàng đầu của chính phủ vẫn còn là bí mật. Mặc dù bà Suu Kyi giành được ghế trong quốc hội sau cuộc bầu cử tự do lần đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính vào năm 1962 nhưng theo hiến pháp Myanmar ngăn cản bà làm tổng thống do có chồng và con là người nước ngoài.

Ông Soe Paing Htay, đại diện NLD ở Myeik, cho biết: “Chúng tôi hy vọng đất nước có sự thay đổi lớn. Chúng tôi không biết kế hoạch của NLD sẽ là gì nhưng hiến pháp cần phải được sửa đổi nhanh chóng”.

Trong khi đó, ông Joshua Kurrlantzick, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở Washington, nhận định: “Tôi không nghĩ rằng mọi thứ đã được quyết định chắc chắn. Bởi vì NLD còn thiếu kinh nghiệm trong vấn đề này”. Trong khi đó quân đội vẫn nắm giữ một số lượng ghế nhất định trong quốc hội, có quyền phủ quyết bất kỳ thay đổi hiến pháp nào cũng như kiểm soát các cơ quan chủ chốt.
Bà Aung San Suu Kyi.
Bà Aung San Suu Kyi. 
Hôm 29/1, Tổng thống Thein Sein cam kết các thành viên trong chính quyền cũ sẽ “hợp tác với chính phủ mới của bà Aung San Suu Kyi mang lại hòa bình và sự phát triển cho đất nước”.

Bà Suu Kyi từng tuyên bố sẽ “ở trên cả vị trí tổng thống” nếu NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu cho thấy ứng viên tổng thống nào trong đảng NLD được bổ nhiệm.

Trong khi đó, nữ chính trị gia 70 tuổi cũng tỏ ra khá thận trọng tránh làm mếch lòng các quan chức quân sự. Theo truyền thông Myanmar, một số ứng cử viên sáng giá cho cương vị tổng thống bao gồm ông Tin Oo, người đồng sáng lập NLD và Tin Myo Win, bác sỹ riêng của bà Suu Kyi.

Nhiệm kỳ của Tổng thống Thein Sein sẽ chính thức kết thúc vào cuối tháng 3 năm nay.

Sau khi nắm quyền, chính phủ mới sẽ đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm tình trạng quan liêu, chống tham nhũng và cải thiện giáo dục. Ngoài ra, chính phủ mới cũng cần nỗ lực để chấp dứt các cuộc nổi dậy của các nhóm dân tộc thiểu số, cũng như ban hành các quy định về đầu tư, khai mỏ, quyền sở hữu trí tuệ.

Nguồn: Người Lao Động
Bình luận
vtcnews.vn