Tàu chiến duyên hải (LCS) Gabrielle Giffords của Hải quân Mỹ tại căn cứ hải quân San Diego vừa được tiếp nhận một loại tên lửa chống hạm mới. Điều này biến LCS từ một loại tàu không vũ trang trên lý thuyết trước đây thành mối đe dọa thực sự đối với tàu chiến Trung Quốc, không những thế, còn từ một khoảng cách khá xa. Đây là nhận định của tờ Defense News.
Mẫu tên lửa chống hạm mới của Mỹ, theo công bố, có thể bắn trúng mục tiêu chính xác đến mức người điều khiển có thể chỉ ra vị trí tấn công chi tiết trên tàu của đối phương.
Tàu chiến duyên hải Gabrielle Giffords là chiếc tàu thứ hai thuộc loại này, mới được bàn giao cho Hải quân Mỹ trong năm nay. Trong khi đó, chiếc LCS Montgomery cũng đã có mặt tại San Diego hồi tháng 6 sau giai đoạn tạm dừng triển khai LCS 19 tháng để Hải quân Mỹ tập trung huấn luyện thủy thủ đoàn cho các tàu loại này.
Phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương, Đại úy John Gay, xác nhận Gabrielle Giffords đã có mặt tại căn cứ vào ngày 3/9 và được trang bị tên lửa chống hạm cùng máy bay trinh sát không người lái (UAV) MQ-8C Fire Scout mới. Chiếc UAV này được thiết kế để trinh sát đối thủ ngoài tầm mắt và chỉ định mục tiêu cho các vũ khí hỏa lực.
Đại diện Hải quân Mỹ cho biết Gabrielle Giffords sẽ đảm trách những nhiệm vụ tại địa bàn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhiệm vụ cụ thể của con tàu này là gì thì lại không được tiết lộ.
Theo Defense News, khi được trang bị tên lửa hành trình NSM (Naval Strike Missile – được phát triển bởi tập đoàn Raytheon & Kongsberg), kết hợp với chiếc UAV MQ-8C Fire Scout UAV (được sản xuất bởi tập đoàn Northrop Grumman), một con tàu loại LCS nằm ở ngoài khơi thành phố Virginia Beach, bang Virginia có thể phá hủy tàu địch nằm tại Cape Hatteras, Bắc Carolina. Khoảng cách này lớn hơn 30 dặm so với tầm bay được công bố của mẫu tên lửa chống hạm “Harpoon” là 67 dặm.
Hải quân Mỹ cũng nói rõ rằng họ sẽ trang bị loại tên lửa NSM cho những chiến hạm đầy triển vọng FFG (X).
Việc triển khai các tàu loại LCS là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Hải quân Mỹ đang muốn dần củng cố chỗ đứng của mình tại khu vực Thái bình Dương, nơi chứng kiến sự gia tăng căng thẳng trong nhiều thập kỷ qua do một loạt các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc.
Những yêu sách này không được cộng đồng quốc tế công nhận, nhưng điều đó cũng không ngăn cản được việc Bắc Kinh ngày càng tăng cường sức mạnh cho hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng lính thủy đánh bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Bình luận