Ngày 4/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới Kiev để bày tỏ sự ủng hộ đối với ban lãnh đạo mới ở nước này sau khi Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga đưa 15.000 quân tới kiểm soát bán đảo Crưm.
Ông John Kerry cũng cảnh báo, Nga có nguy cơ bị loại khỏi G8 sau quyết định điều binh tới Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin.
Ông John Kerry sẽ tới thăm Kiev
Thái độ của Nga và chính quyền Crưm
Ngày 3/3, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định (trên trang Facebook cá nhân), ban lãnh đạo mới ở Ukraine sẽ không thể tồn tại vì đã tiếm quyền một cách bất hợp pháp.
Và ông Viktor Yanukovych vẫn là Tổng thống Ukraine theo hiến pháp. Phát biểu trên chương trình đối thoại chính trị của kênh truyền hình Russia 1 tối 2/3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cho biết, Matxcơva không bao giờ có ý định xâm phạm chủ quyền của Ukraine và không một người Nga nào muốn có chiến tranh với nước láng giềng thân thiết này.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatolyi Antonov tuyên bố, các vị trí đóng quân, quân số và số lượng vũ khí của binh lính Nga vẫn tuân thủ theo thỏa thuận đã ký giữa Matxcơva và Kiev. Nhiều người nói rằng, bán đảo Crưm hiện đang căng như dây đàn.
Phái đoàn Ukraina tại phiên họp khẩn của HĐBA LHQ ngày 1/3
Ngày 2/3, Thủ tướng Crưm Sergei Aksenov cho biết, hầu hết các đơn vị Ukraine đã sát cánh với các lực lượng thân Nga, nhưng chỉ huy của một số đơn vị vẫn trung thành với Kiev sẽ phải đối mặt với hành động pháp lý nếu không đầu hàng.
Trước đó, ông Sergei Aksenov đã quyết định đẩy nhanh ngày tổ chức trưng cầu ý dân về quy chế của Crưm từ 25/5 thành 30/3. Theo ITAR-TASS, khoảng 2.000 người đã tụ tập phía trước tòa nhà chính quyền thành phố Donetsk, ở phía Đông Ukraine hôm 2/3 để thu thập chữ ký đòi chính quyền thành phố này tổ chức trưng cầu ý dân về quyền tự trị.
Những người biểu tình đã giương cờ Nga, Liên Xô và một số tổ chức dân sự với yêu cầu chính quyền đương nhiệm của khu vực này từ chức, trong đó có Thống đốc Donetsk Andrei Shishatsky.
Có tin nói rằng, toàn bộ thành viên lực lượng vũ trang Ukraine đóng tại Crưm đã nhất loạt rời bỏ đơn vị và nộp đơn từ nhiệm để thể hiện sự trung thành với Nga. Tư lệnh Hải quân Ukraine Denis Berezovsky cũng tuyên bố trung thành với chính quyền khu tự trị Crưm, chỉ một ngày sau khi được Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksanr Turchynov bổ nhiệm vào chức vụ này.
Ngay lập tức, chính quyền Ukraine đã khởi tố tội phản quốc đối với Tư lệnh Hải quân Denis Berezovsky. Trước đó, trụ sở Hội đồng Tối cao (cơ quan lập pháp) và Hội đồng bộ trưởng (chính phủ) tại thủ phủ Simferopol cũng nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng thân Nga.
Ông Denis Berezovsky bị khởi tố tội phản quốc
Theo tờ The Guardian, lính Nga và Ukraine đã đối đầu căng thẳng ở căn cứ hải quân Perevalnoe của Ukraine tại Crưm. Căn cứ lính thủy đánh bộ của Ukraine ở Feodosia, Crưm cũng bị lính Nga bao vây. Hãng thông tấn Nga Ria Novosti đưa tin, binh sỹ Ukraine đóng ở Crưm đã nhất loạt rời bỏ đơn vị của họ và giao nộp vũ khí cùng các kho vũ khí cho giới chức và binh lính ủng hộ thân Nga.
Tuy nhiên, Kiev phủ nhận thông tin này. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, khoảng 1.000 lính vũ trang đang phong tỏa lối vào một đơn vị lính biên phòng của Ukraine tại Crưm, nhưng không nói rõ quốc tịch của những binh lính vũ trang này.
Hải quân Ukraine cho biết, họ không giải giáp vũ khí và vẫn trung thành với Kiev. Trước đó lực lượng bảo vệ bờ biển Ukraine cho biết, đã rút tàu khỏi Sevastopol.
Phản ứng của Ukraine và phương Tây
Hãng thông tấn RIA Novosti vừa dẫn nguồn tin cấp cao trong Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, sau ngày đầu tổng động viên chưa đến 1,5% số người trong diện phải nhập ngũ nộp đơn đăng ký.
Trước đó, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine, ông Andriy Paruby cho biết, Kiev sắp hiệu triệu toàn bộ quân dự bị, đồng thời khẳng định phải đảm bảo lực lượng vũ trang nước này được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu càng sớm càng tốt.
Phát biểu với báo giới hôm 2/3, Chủ tịch Quốc hội kiêm quyền Tổng thống Oleksandr Turchynov cho biết, nước này đã chuẩn bị mọi văn kiện cần thiết để ký và thực thi trong trường hợp bị xâm lược quân sự trực tiếp.
Thủ tướng Canada Stephen Harper dọa tẩy chay Hội nghị G-8 tại Nga
Theo tờ Ukrainckaya Pravda, 3 cựu tổng thống Ukraine là Leonid Kravchuk, Leonid Kuchma và Viktor Yushchenko, đã kêu gọi chính phủ nước này hủy bỏ thỏa thuận Kharkov về việc cho Hạm đội Biển Đen thuê căn cứ ở Crưm.
Thoả thuận này được ông Dmitry Medvedev và ông Viktor Yanukovych ký năm 2010. Theo 3 cựu tổng thống kể trên, Nga đã lợi dụng những khó khăn chính trị nội bộ ở Ukraine để quyết định chơi cái gọi là “quân bài Crưm” vì lợi ích của riêng mình, phớt lờ những cam kết với Ukraine.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin
Ngày 2/3, các nghị sỹ Ukraine đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin xem xét lại việc triển khai thêm quân ở Crưm, nhằm tránh leo thang căng thẳng quân sự trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.
Theo ông Vitali Klitschko, ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine ngày 25/5 tới cho biết, giới chức trách mới ở Kiev đang lên kế hoạch thành lập một ủy ban đặc biệt để khởi động đàm phán với Matxcơva nhằm giảm căng thẳng và giải quyết căng thẳng ở Crưm bằng đối thoại chính trị. Bộ trưởng Quốc phòng tạm quyền Ukraine Igor Tenniukh cho biết, sẵn sàng thảo luận với Bộ Quốc phòng Nga về tình hình ở Crưm.
Thủ tướng Nga, Dmitry Medvedev
Ngày 2/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew khẳng định, Washington có thể giúp đỡ thông qua các chương trình song phương hay các tổ chức quốc tế lớn hơn, đồng thời theo dõi sát tình hình ở Ukraine với "sự quan ngại sâu sắc" sau khi Nga can thiệp vào Crưm. Tuy nhiên, ông Jack Lew cũng nhấn mạnh, Ukraine sẽ phải thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế để nhận được các gói viện trợ từ Mỹ.
Cũng trong ngày 2/3, các cuộc hội đàm kinh tế Nga-Mỹ, bao gồm chuyến thăm của một phái đoàn Nga để thảo luận vấn đề năng lượng đã bị hủy, và một sự kiện quân sự quan trọng sắp tới cũng dự kiến bị hoãn.
Mỹ và các đối tác cùng đồng minh đang xem xét một loạt lựa chọn để giảm đầu tư thương mại và kinh tế với Nga. Theo kế hoạch, Mỹ-Nga sẽ tiến hành một số cuộc hội đàm kinh tế trong tuần này, trong đó có cuộc thảo luận về năng lượng tại thủ đô Matxcơva. Các cuộc đàm phán này nằm trong khuôn khổ cuộc họp trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh G8 sẽ diễn ra tại Sochi trong tháng 6.
Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk
Theo giới truyền thông, để phản đối hành động quân sự mới đây của Nga đối với Ukraine, nhiều nước thành viên G8 như Anh, Đức, Pháp, Canada và Mỹ đã quyết định tẩy chay hội nghị trù bị tổ chức trong tuần này.
Hôm 2/3, trong thông cáo được đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp giữa Thủ tướng Italia Matteo Renzi với các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao, Roma đã bày tỏ lo ngại về tình hình Ukraine, đồng thời kêu gọi Matxcơva tránh những hành động làm cho cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn và đề nghị Nga tìm đối thoại hòa bình.
Ngày 2/3, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã cáo buộc Nga đang đe dọa hòa bình và an ninh châu Âu. Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatsenyuk cho rằng, Nga đã tuyên chiến với nước này sau khi đưa quân vào Crưm.
Cũng trong ngày 2/3, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã cảnh báo Nga không can thiệp quân sự vào Ukraine. Ông Frank-Walter Steinmeier cho rằng, Nga không có quyền sử dụng quân đội vượt quá những quy định trong hợp đồng cho thuê của Hạm đội Biển Đen trên lãnh thổ Ukraine.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen
Cùng ngày 2/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin vi phạm luật pháp quốc tế với "hành động can thiệp không thể chấp nhận được" tại Ukraine.
Phó phát ngôn viên của chính phủ Đức Georg Streiter cho biết, Tổng thống Putin đã chấp nhận đề xuất của bà Merkel về việc thành lập một "phái bộ tìm hiểu thực tế" giống như một nhóm liên lạc, có thể nằm dưới sự chỉ đạo của OSCE để bắt đầu một cuộc đối thoại chính trị. Dự kiến Hội đồng thường trực OSCE sẽ nhóm họp trong ngày 3/3 để thảo luận về tình hình Ukraine.
Bình luận