• Zalo

Mối nguy 'đại dịch kép' tấn công thế giới

Thời sự quốc tếThứ Ba, 19/10/2021 08:40:53 +07:00Google News
(VTC News) -

Thành công chống dịch của một số quốc gia nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả có nguy cơ đổ sông đổ bể vì sự thiếu hụt nguồn lực ở các quốc gia khác.

Theo ông Jerome Kim - Tổng giám đốc Viện Vaccine Quốc tế, năng lực xét nghiệm còn nhiều hạn chế của các nước nghèo có thể sẽ tạo ra "điểm mù" trong việc phát hiện và chống lại các biến thể mới nguy hiểm của thế giới. 

"Tôi lo lắng về mùa đông. Quá nhiều nơi, nhiều người chưa được tiêm chủng và họ có thể sẽ không được chích ngừa cho tới trước tháng 12. Ở một số quốc gia với tỷ lệ tiêm chủng cao, vẫn thường có những nhóm người chưa chủng ngừa", ông Kim nói. 

Tại Mỹ, khoảng 58% dân số đã tiêm đủ 2 mũi, nhưng tỷ lệ tử vong tương đối cao vẫn được ghi nhận tại các cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. 

Mối nguy 'đại dịch kép' tấn công thế giới - 1

Một điểm xét nghiệm ở Philippines.

Nhưng kể cả những nơi có tỷ lệ dân đi chích ngừa thấp đẩy mạnh việc chủng ngừa, việc thiếu hụt xét nghiệm ở các quốc gia vẫn sẽ là mối đe dọa cho cả thế giới.

"Điểm mù của chúng ta bao gồm việc thiếu kinh phí xét nghiệm và dẫn tới năng lực giải trình tự ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Khoảng cách 22 triệu USD rất có thể làm xói mòn 20 tỷ USD đầu tư vào vaccine và tất cả các quy trình trong vòng 9 tháng qua", ông Kim cho hay. 

Mối đe dọa đối với quốc gia vào mùa đông có thể bao gồm việc biến thể Delta lây lan nhanh và những thay đổi trong hành vi của mọi người sau khi các biện pháp chống dịch được nới lỏng. 

"Chúng tôi dự đoán sẽ có một sự gia tăng các bệnh ở khu vực bắc bán cầu vì tính chất theo mùa của virus, tỷ lệ người dân dễ nhiễm biến thể Delta và việc nới lỏng phòng ngừa sau khi các ca nhiễm sụt giảm ở nhiều quốc gia", giáo sư Ali Mokdad thuộc Đại học Washington cho hay. 

Vaccine được chứng minh có hiệu quả trong việc giảm các trường hợp nhập viện và tử vong nhưng không có quá nhiều hiệu quả trong việc ngăn chặn lây nhiễm. Khả năng miễn dịch suy giảm ở những người tiêm vaccine sớm ở các nơi như Mỹ và châu Âu cũng có thể khiến các đợt dịch bùng phát. 

"Khả năng miễn dịch suy giảm là mối quan tâm lớn bởi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng miễn dịch chống lại nhiễm trùng giảm dần theo thời gian và cần mũi tiêm tăng cường sau 6 tháng sau liều thứ 2 đối với Pfizer và các loại vaccine khác", ông Mokdad cho hay. 

Các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách lo lắng về khả năng xảy ra "đại dịch kép" khi COVID-19 và bệnh cúm mùa đồng thời bùng phát.

Trong thông báo mới được ban hành, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cảnh báo nguy cơ dịch kép COVID-19 và cúm tiềm ẩn trong mùa đông năm nay. 

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra cảnh báo tương tự với sự lưu hành đồng thời của virus gây ra đại dịch COVID-19 và cúm theo mùa.

Jenny Harries, người đứng đầu Cơ quan An ninh Y tế Anh thừa nhận nước này đang phải đối mặt với một "mùa đông không chắc chắn" với những người có "nguy cơ tử vong cao hơn nếu họ bị đồng nhiễm cả hai loại virus".

Theo giáo sư Vincent Pang Junxiong thuộc Đại học Quốc gia Singapore, các đợt bùng phát COVID-19 vào mùa đông tới có thể được ghi nhận ở một số quốc gia bắc bán cầu, đặc biệt là Ấn Độ. 

Tỷ lệ tiêm chủng của Ấn Độ hiện vẫn còn khá thấp. Thủ đô New Delhi của nước mới chỉ chích ngừa cho 1/3 dân số trong khi tỷ lệ tiêm chủng trên cả nước là 18%. 

Theo ông Pang, bất chấp tỷ lệ tiêm chủng cao ở một số khu vực, không thể loại trừ khả năng xuất hiện các biến thể mới. 

"Cần phải lưu ý rằng tỷ lệ bao phủ vaccine cao, khả năng đạt miễn dịch cộng đồng chỉ có thể làm chậm tốc độ xuất hiện của các biến thể mới", chuyên gia này cảnh báo. 

Song Hy(Nguồn: SCMP)
Bình luận