Trong buổi chia sẻ thông tin về Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam vừa được Quốc hội thông qua trong hai ngày 24-25/11 vừa qua, em Lê Ánh Phong (tên khai sinh là Lê Quốc Phong 27 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) hiện đang công tác ở Hà Nội bày tỏ quan điểm của mình trước thông tin Quốc hội thông qua Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), trong đó người chuyển giới được chính thức hợp pháp:
Lần lượt từ trái qua phải là Tú, Phong, Huy trao đổi về giới tính |
“Khi nhận được thông tin này, em vô cùng sung sướng, mừng đến nỗi nước mắt tuôn rơi, vì bản thân là một người chuyển giới. Để thể hiện niềm vui của mình thì việc đầu tiên em làm là cầm điện thoại gọi về cho mẹ ở quê nhà Quảng Ngãi và nói “mẹ ơi con được công nhận là con gái rồi”. Nghe em nói như vậy, mẹ nghẹn ngào khóc nấc”.
Trong khi đó, cô gái 20 tuổi La Na quê ở Yên Bái, chuyển giới từ nam sang nữ thẳng thắng tâm sự: “Em vốn là con trai, nhưng khi còn nhỏ lại thích mặc đồ con gái. Không chỉ có vậy, em không thích con gái mà lại thích con trai và bắt đầu tìm hiểu về khái niệm đồng tính từ năm lớp 6 thông qua mạng internet”.
“Đến năm lớp 9, em mạnh dạn tỏ tình với một bạn trai cùng lớp. Nhưng rất may, lúc đó người bạn ấy không những không kỳ thị mà còn coi em là một người bạn thân. Bố mẹ thấy em ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ, giỏi giang nên cũng nhanh chóng bỏ qua những biểu hiện “lạ” mà yên tâm công việc đồng áng.
3 năm học ở trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cũng là 3 năm em dần “thoát xác” một người con trai để đến với hình hài một người con gái. Em bắt đầu để tóc dài, sơn móng tay, tô son hồng … và có người yêu. Ước mơ của em là sau khi ra trường, sẽ đi phẫu thuật chuyển đổi giới tính để tự tin nói mình là con gái, để không còn cảnh chờ nhà vệ sinh khi không có người mới dám vào. Đến lúc này, em đang sống trong ký túc xá của trường, nhưng vẫn là ký túc xá nam. Nhưng em tin với những quy định mới về pháp luật, tương lai em sẽ là một người con gái hoàn thiện cả về nội dung, hình thức lẫn giấy tờ”, La Na tâm sự.
Còn Nguyễn Ngọc Tú (24 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ: “Điều 37 của Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) chỉ có hiệu lực đối với những người chuyển giới đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Còn em chưa phẫu thuật, có nghĩa là chưa được công nhận. Ở thời điểm này, em là người chuyển giới nhưng chỉ chuyển giới về mặt hình thức chứ không muốn giải phẫu để được làm con trai”.
La Na bên trái ngoài cùng trao chia sẻ thông tin với báo chí. |
Lý dó khiến Tú không muốn phẫu thuật chuyển giới là “Trong gia đình bố và anh trai em đã qua đời vì lý do sức khỏe, nên Tú không muốn đánh cược sức khỏe, tính mạng của mình vì bất cứ lý do gì. Em không dùng hooc môn, lại càng không có ý định đi phẫu thuật chuyển giới. Em đã có người yêu và dự tính sẽ kết hôn trong thời gian tới, tuy nhiên những khó khăn về mặt pháp lý khiến em chưa thực hiện được mong muốn của mình”.
Nói về vấn đề này, anh Lương Thế Huy - Giám đốc Chương trình Quyền LGBT, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết: “Ở Việt Nam, có khoảng 2-3 triệu người chuyển giới. Trong số đó, chỉ có khoảng 20% người chuyển giới phẫu thuật chuyển giới, còn lại 80% không đủ tiền hoặc sức khỏe để phẫu thuật.
Một số trường hợp không muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính ví dụ như trường hợp của anh Tú. Như vậy trong Điều 37 Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) mới chỉ tính đến quyền lợi của một phần rất nhỏ trong nhóm chuyển giới. Trong khi đó, hầu hết người chuyển giới đều gặp rắc rối về giấy tờ, đó là chưa kể đến họ không được chấp nhận kết hôn…
Nguồn: Infonet
Bình luận