Anh Định chia sẻ, tuy mê cơ khí chế tạo nhưng do điều kiện tài chính không đủ, anh bỏ đi làm lái xe. Vì vậy, phải mất 1 năm mày mò lắp ráp anh mới chế tạo thành công thiết bị đo huyết áp cải tiến có cóc đạp điện và bộ phận nén khí thay cho bo bóp bóng hơi bằng tay.
Trong sáng chế mới, anh Định đã bỏ đi phần bo bóp bóng hơi, thay vào đó bằng cóc đạp điện để tạo hơi đo huyết áp. Sáng chế mới có cấu tạo 4 bộ phận gồm: Máy nén khí píttông công suất thấp, cóc đạp điện điều khiển, ống dẫn khí, máy đo huyết áp bằng tay và ống nghe bằng tay.
Nguyên lý vận hành của máy nhờ vào khí nén của máy nén công suất thấp, thông qua cóc đạp điện để cấp nguồn cho máy nén khí công suất thấp. Trong đó, cóc đạp điện đóng vai trò cấp nguồn cho máy nén khí cũng chính là cấp khí nén cho máy đo huyết áp bằng hơi hoạt động; việc cấp khí nén nhiều hay ít là do người sử dụng máy ấn cóc đạp trong khoảng thời gian bao lâu và khí nén sau khi sử dụng được xả ra thông van xả.
Sau khi chế tạo và thử nghiệm thành công thiết bị đo huyết áp cải tiến ở nhà, anh Định mang sáng chế của mình vào bệnh viện để tiến hành thử nghiệm.
Ban giám đốc bệnh viện đã thử nghiệm sáng chế của anh ở 78 bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân đo thử huyết áp bằng bóp tay 1 lần và thử lại 2 lần bằng máy đo cải tiến. Kết quả thử nghiệm cho thấy mức độ chênh lệch về huyết áp tối đa và tối thiểu như nhau, với độ chính xác không thay đổi.
Qua thử nghiệm, bệnh viện đã chứng minh được cả 2 phương pháp đo huyết áp bóp tay và bằng máy đo cải tiến đều cho kết quả chính xác.
Thử nghiệm thành công, Ban giám đốc Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ đã đưa sáng chế của anh Định vào phục vụ khám chữa bệnh thay cho kiểu đo huyết áp truyền thống tại bệnh viện.
Y tá Nguyễn Thụy Thanh Tâm - Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ, người trực tiếp sử dụng sáng chế của anh Định vào khám bệnh, đánh giá cao sáng chế cóc đạp điện rất thuận lợi cho các điều dưỡng đo huyết áp cho nhiều bệnh nhân một cách nhanh chóng.
Bác sỹ Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ, cho biết sáng chế của anh Định có độ chính xác tương đồng với cách đo thủ công, giá thành thấp, hiệu suất cao... đã được đưa vào ứng dụng hiệu quả tại bệnh viện trong thời gian qua. Sáng chế này có thể nhân rộng ra các cơ sở y tế, bệnh viện trong cả nước.
Theo bác sỹ Luận, hiện tại Cần Thơ, các Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ, Bệnh viện quận Ô Môn, Cần Thơ và Bệnh viện huyện Phong Điền đã đưa sáng chế của anh Định vào công tác khám chữa bệnh, bước đầu có phản hồi rất tích cực.
Hiện Bệnh viện quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đặt hàng anh Định 2 máy đo huyết áp cải tiến với giá mỗi máy 3 triệu đồng.
Được biết, thiết bị của anh Định cải tiến đã giành giải nhất tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thành phố Cần Thơ năm 2015.
Ngoài sáng chế thành công cóc đạp điện trong đo huyết áp, anh Định còn đang thực hiện thêm nhiều sáng chế khác có tính ứng dụng cao tại Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ.
Đáng chú ý, trong đó anh đang bắt tay chế tạo “Đường chuyền chuyển mẫu xét nghiệm” để ứng dụng tại Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ. Nguyên lý vận hành của “Đường chuyền chuyển mẫu xét nghiệm” dựa vào môtơ kéo, thông qua cóc đạp điện kéo các hộp mẫu chạy trong lòng ống nhựa để đưa các mẫu máu xuống phòng xét nghiệm.
Hiện “Đường chuyền chuyển mẫu xét nghiệm” đang chờ nghiệm thu, nếu đưa vào vận hành thành công, sáng chế mới của anh Định sẽ giúp Bệnh viện tiết kiệm được thời gian và nhân công đưa mẫu xét nghiệm từ khu vực phòng khám trên lầu xuống phòng xét nghiệm nhanh chóng.
Bình luận