Tại Bệnh viện (BV) Việt Đức, dù có biển đề rõ “không thu tiền các xe vào sân phòng khám để đưa, đón người bệnh sau đó ra ngay...” nhưng theo phản ánh của một số người làm dịch vụ vận chuyển bệnh nhân, việc thu phí vẫn diễn ra bình thường.
Chị Ng., một trong những người làm dịch vụ đưa đón bệnh nhân và người nhà đi các tỉnh cho biết, khu vực cổng chính BV Việt Đức có trên dưới 10 người làm dịch vụ này với giá trung bình 10.000 đồng/ km. “Đã thành lệ từ lâu rồi. Biển treo cho có vậy thôi chứ mỗi ô tô đến đón bệnh nhân ra khỏi BV đều phải nộp cho tổ bảo vệ ít nhất 20.000 đồng/lượt”, chị Ng. nói.
Trung tâm cấp cứu “không dám chở bệnh nhân”
Phóng viên Thanh Niên đã thực hiện một cuộc khảo sát về việc cần chở bệnh nhân từ một số BV lớn tại Hà Nội như BV Bạch Mai, BV Quân y 103, Viện Bỏng quốc gia... về quê thì đều nhận được câu từ chối là “không” từ các trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Nam...cùng lời giải thích: “Không phải chúng tôi không muốn chở mà là không dám chở”.
Theo giải thích của người điều hành vận chuyển cấp cứu 115 của một tỉnh miền Trung, một số BV tại Hà Nội từ lâu đã được liệt vào “danh sách đen” của đơn vị này bởi không thể nào đón được khách tại những nơi này.
Ông Nguyễn Văn Nam - Đội trưởng Đội vận chuyển cấp cứu Trung tâm 115 Thái Bình, cho biết tại BV Bạch Mai, xe của đơn vị này luôn bị bảo vệ chặn ở cổng. “Nhiều khách quen của chúng tôi phải bắt taxi đi qua cổng, xuống mạn cầu vượt thì mới đưa lên xe cứu thương. Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp người bệnh nhẹ, còn người bệnh nặng chúng tôi cũng đành bó tay”, ông Nam nói.
Video: Thêm clip bảo vệ chặn xe cứu thương ở bệnh viện
Tình trạng “không dám đón khách” cũng xảy ra tương tự với Trung tâm 115 Thái Bình tại Viện Bỏng quốc gia, BV Quân y 103. “Chỉ cần xe chúng tôi vừa đỗ trước cổng BV đã có người gõ kính hỏi “vào đây làm gì?”.
Nếu thấy chúng tôi đón người ở đó về thì lập tức đội xăm trổ sẵn sàng lao vào hành hung, đập vỡ kính”, ông Nam kể. Anh Bùi Văn Khương, một tài xế xe cứu thương tư nhân ở Nghệ An, kể tại Viện Bỏng quốc gia và BV Bạch Mai, khi xe cứu thương vào thì bảo vệ yêu cầu mở cửa xe để kiểm tra, không có bệnh nhân thì lập tức bị đuổi ra.
Thậm chí xe có bệnh nhân đi vào cũng chỉ được dừng khoảng 5 - 10 phút rồi bị đuổi ra, mặc cho gia đình bệnh nhân đề nghị y tá trên xe cấp cứu hỗ trợ. “Là vì họ sợ chúng tôi đón mất khách của hãng xe cứu thương trong BV. Chúng tôi chở bệnh nhân từ Nghệ An ra giá là 3,7 triệu đồng, gồm cả dịch vụ, chiều về chúng tôi chỉ lấy 1,5 - 2 triệu đồng, còn xe cứu thương tại BV chở giá 6 - 7 triệu đồng. Người bệnh muốn chúng tôi chở nhưng không thể được vì có đội bảo kê này ở đây”, anh Khương nói.
“Trấn lột” cả xe cứu thương
Trong vai người nhà bệnh nhân đặt xe cứu thương chở bệnh nhân từ BV Việt Đức về TP.Hải Dương, PV Thanh Niên được đường dây nóng có số điện thoại 09365001... và số 038681... cho biết, mức giá là 1,2 triệu đồng đã bao gồm phí ra cửa BV 20.000 đồng nộp cho bảo vệ.
Để kiểm chứng thêm, PV tiếp tục trong vai người nhà bệnh nhân thuê xe cứu thương chở bệnh nhân từ BV Việt Đức đi tỉnh thì được tài xế xe cứu thương của tỉnh Cao Bằng, Phú Thọ, Bắc Ninh... xác nhận đều phải trả mức phí 20.000 đồng cho bảo vệ.
Lý do thu thế nào không ai rõ, chỉ biết việc này đã thành lệ như vậy. Theo phản ánh của một số đơn vị vận chuyển cấp cứu khác, tại BV Việt Đức, dù không bị gây khó dễ trong việc vào đón bệnh nhân nhưng họ phải thông qua “cò” là một số đối tượng xã hội trong khu vực này thì mới được chở người bệnh.
“Bệnh nhân gọi chúng tôi đến đón thì lập tức có người ra nhận là đã theo trường hợp này từ sáng sớm rồi nên muốn đón là phải mất tiền cho họ. Chẳng hạn khi chúng tôi vận chuyển người bệnh từ Thái Bình lên đây là 1,7 triệu đồng, để tận dụng chiều về chúng tôi chỉ lấy 800.000 - 1 triệu đồng nhưng “cò” vẫn buộc gia đình bệnh nhân trả 1,7 triệu đồng, khoản chênh là nộp cho “cò”. Nếu chúng tôi phản đối thì bị đe dọa hành hung, đập vỡ kính”, một lái xe cứu thương ở Thái Bình cho biết.
Trả lời Thanh Niên, một phó giám đốc của BV Việt Đức thừa nhận BV có ký hợp đồng với một đơn vị đã được cấp phép hoạt động trong vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương và vẫn còn tình trạng “cò” xe trà trộn vào BV, tiếp cận người có nhu cầu thuê xe với giá rẻ hơn.
Trên thực tế, ngày 2/3 vừa qua, anh Lê Văn Dũng (22 tuổi, tài xế của một hãng xe cấp cứu tư nhân ở TP.Hà Nội) vừa điều khiển xe vào Viện Bỏng quốc gia đón bệnh nhân ra viện thì bị hai người chặn xe. Họ lôi anh Dũng ra khỏi xe và đấm đá túi bụi, đến khi anh Dũng ngất xỉu họ mới bỏ đi. Công an Q.Hà Đông tiếp nhận điều tra nhưng đến nay vẫn chưa làm rõ được hung thủ.
Video: Giám đốc bệnh viện Nhi TW xin lỗi vụ bảo vệ chặn xe cứu thương
Bỏ ngay các “quy định nội bộ”
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nói: “Các BV phải nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế, bỏ ngay các quy định nội bộ về hạn chế việc lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh, tạo độc quyền về dịch vụ này. Giám đốc BV phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các hoạt động chuyên môn, dịch vụ phục vụ người bệnh chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho đơn vị khai thác trong trường hợp để xảy ra các sự cố. Không bỗng nhiên mà bảo vệ BV được đứng ra thu tiền, quát nạt như vậy”.
Nhìn lại vụ việc mới đây tại BV Nhi T.Ư khiến dư luận bức xúc, luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhấn mạnh BV không có quyền ràng buộc, hạn chế người bệnh.
“Việc bảo vệ BV không cho bệnh nhân sử dụng xe cấp cứu bên ngoài là phân biệt đối xử, hạn chế quyền của công dân. Chưa kể một số nơi đặt ra các loại phí không có trong quy định, thu phí không có hóa đơn là đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, luật sư Phất nói.
Theo ông, để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm rất lớn của lãnh đạo các BV, họ đã buông lỏng trong quản lý và có cách nhìn nhận sai lệch. “Họ coi tài sản nhà nước, coi BV do mình quản lý (vốn từ tiền thuế người dân) như một lãnh địa riêng của họ. Họ tạo ra những đặc quyền cho đối tượng khác, thể hiện dấu hiệu của lợi ích nhóm”, ông Phất bày tỏ.
Các BV phải nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế, bỏ ngay các quy định nội bộ về hạn chế việc lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh, tạo độc quyền về dịch vụ này. Giám đốc BV phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các hoạt động chuyên môn, dịch vụ phục vụ người bệnh chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho đơn vị khai thác trong trường hợp để xảy ra các sự cố. Không bỗng nhiên mà bảo vệ BV được đứng ra thu tiền, quát nạt như vậy
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)
Taxi được “bảo kê”
Tại nhiều BV ở Hà Nội còn có tình trạng độc quyền về xe taxi. Tại BV Nhi T.Ư chỉ duy nhất Hãng taxi ABC được phép vào sảnh đón khách. Nếu khách muốn đi các hãng rẻ hơn thì buộc phải ra ngoài đón. Tại BV Việt Đức, luôn có ít nhất 2 xe của Hãng taxi Thủ Đô đậu trong cổng chính để đón khách.
Một nhân viên điều hành chừng 50 tuổi của Hãng taxi Thủ Đô tại đây tiết lộ, công ty đã nộp tiền nên mới được đậu xe tại đây. Xe của các hãng khác không được phép đậu đón khách trước cổng chính BV này. Chỉ người ở trong BV gọi đặt xe qua tổng đài mới được vào đón nhưng phải nộp phí cho bảo vệ từ 20.000 - 30.000 đồng/lượt đón khách. Khi chở người vào BV thì không phải nộp phí nhưng khi có khách đón xe đi ra thì không được nhận chở.
Anh Nguyễn Ngọc Đức (31 tuổi) - lái xe taxi Hãng Mỹ Đình thường xuyên chở khách đến BV Việt Đức cho biết, không chỉ ở BV này, hầu hết ở các BV tại Hà Nội đều tồn tại “luật lệ” nộp phí vô lý đó với mức giá khác nhau, dao động từ 10.000 - 30.000 đồng; nộp tiền không hề có biên lai, giấy tờ gì chứng nhận. Bệnh nhân và người nhà phải trả tiền này. “Thường là sảnh đón khách của các BV đã được bán cho một hãng taxi nào đó. Bảo vệ thu phí những xe taxi của hãng khác vào đón khách với mức từ 10.000 - 30.000 đồng, hoặc cao hơn. Tiền này khách đi xe phải chi trả”, tài xế Đức cho biết.
Bình luận