• Zalo

Ly kỳ truyền thuyết về giống tre "lộn đầu" ở Nghệ An

Thời sựThứ Tư, 24/03/2010 06:20:00 +07:00Google News

Trên đỉnh núi Cây Giới có một loài tre kỳ lạ, thân cây mọc ngược. Khi đến tuổi trưởng thành, toàn bộ thân cây, đầu tre đều cúi gập xuống thành hình cánh cung...

Trên đỉnh núi Cây Giới, rộng chừng 2ha thuộc khu vực xóm 2, xã Tam Sơn, Anh Sơn (Nghệ An) có một loài tre kỳ lạ, thân cây mọc ngược. Khi đến tuổi trưởng thành, toàn bộ thân cây, đầu tre đều cúi gập xuống thành hình cánh cung và chĩa về hướng Đông. Đứng từ đỉnh bên kia nhìn về phía bụi tre mọc ngược ta có cảm giác như cầu vồng trông rất lạ và đẹp mắt. Tre này có đặc điểm là cứng, sinh tồn và phát triển rất khó khăn.

Giai thoại về loại tre này thì nhiều nhưng tựu trung từ câu chuyện chúng tôi sắp kể ra mang đầy ý nghĩa.

Bụi tre mọc ngược

Chuyện kể rằng: Từ năm 1039 đến 1054, Lý Nhật Quang được triều đình cử vào trông coi Hoan Châu (xứ Nghệ ngày nay). Năm 1044 quân Ai Lao làm phản, sang đánh phá miền Tây Nghệ An, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đem quân đi dẹp. Thắng trận, trong lúc kéo quân về đến Khe Chè (Tam Sơn), mé dưới Thanh Nam (huyện Con Cuông hiện nay) bà con địa phương ra đón rước, chúc mừng chiến thắng.

Trước tấm lòng kính mến, vồn vã của bà con, ông sung sướng cầm cái điếu cày, hút một hơi dài rồi cắm sâu xuống đất. Sau khi quân của Uy Minh Vương rút khỏi nơi này người dân mới thấy chiếc điếu cày cắm ngược.

Do quá khâm phục, tôn trọng vị tướng quân lại không hiểu việc làm của ông là vô tình hay hữu ý nên không ai lấy chiếc điếu cày đó. Nào ngờ về sau, chiếc điếu hút thuốc lào đã bén chồi, phát triển thành một bụi tre mọc ngược trên đỉnh đồi hoang vắng. Bao đời nay người địa phương gọi loại tre này là “tre vang”.

Từ câu chuyện mang đậm màu sắc truyền thuyết đó, chúng tôi vượt hàng chục cây số dọc quốc lộ 7A men theo dòng sông Lam ngược về xã Tam Sơn, Anh Sơn tìm hiểu. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, muốn tới bụi tre mọc ngược phải đi qua đỉnh Bà Hoàng cách nhau một chân đồi mới đến đồi Cây Giới nơi loại tre lạ kỳ đã tồn tại gần 1.000 năm.

Quanh đỉnh núi nơi bụi tre mọc ngược có một chiến lũy. Chiến lũy này được khai thông nhằm phân cách giữa miền Trà Lân và Bãi Phủ mép sông Lam kéo dài lên tận đỉnh núi Cây Giới để đóng quân và bảo vệ lãnh thổ.

Dân địa phương còn cho biết mỗi khi lên đồi Cây Giới họ thường bẻ vài cành tre kỳ lạ về dựng trong nhà vừa đẹp vừa cầu lộc… Không chỉ vậy họ còn chặt thân cây tre về làm vật dụng hàng ngày. Kinh nghiệm của người dân nơi đây sử dụng thân cây “tre vang” bền, chắc hơn gấp mấy lần loại tre ta thường biết đến. Thân tre chỉ to hơn cổ tay người lớn, gai của nó ngoắt ngược, các đốt đều ngắn, “thịt” săn chắc, cành của nó đâm chúc đầu xuống đất.

Khi đến tuổi trưởng thành, toàn bộ thân cây, đầu tre đều cúi gập xuống thành hình cánh cung và chĩa về hướng Đông. Đứng từ đỉnh bên kia nhìn về phía bụi tre mọc ngược ta có cảm giác như cầu vồng trông rất lạ và đẹp mắt. Tre này có đặc điểm là cứng, sinh tồn và phát triển rất khó khăn.

Thời gian để một cây măng sinh sôi đến chu kỳ phát triển gấp 2-3 lần so với giống tre bình thường. Khi làm đồ dùng, giá trị sử dụng của loại tre này ở mức cao nên nhiều người nhân giống, mang về vườn nhà mình trồng nhưng không thành.

Hàng năm, cứ dịp đầu xuân, các cụ già trong làng bảo con cháu lên đỉnh núi Cây Giới chặt một thân tre vang về làm gậy chống đỡ để đi lại cho vững chắc. Nhiều cụ tâm niệm sử dụng gậy bằng tre vang bên cạnh mình như có một sức mạnh thần kỳ nào đó phù hộ khi sa chân.

Thực hư thế nào thì không biết, nhưng đây là loại tre hiếm, kỳ lạ lại mang đậm truyền thuyết lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, gắn liền với võ tướng Lý Nhật Quang - Người đã góp phần mở mang mảnh đất xứ Nghệ nên cần được bảo vệ và phát triển.






Theo Công an Nghệ An


Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo

Phẫn nộ
Bình luận
vtcnews.vn
Cùng chuyên mục
Xem nhiều
Tin mới