• Zalo

Lý giải hiện tượng gia tộc 24 ngón tay, chân

Sức khỏeThứ Ba, 25/09/2012 08:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nguyên nhân gây ra hiện tượng một gia tộc có 24 ngón tay chân có thể là do hôn nhân cận huyết thống.

(VTC News) – Người có 6 ngón tay ở 1 bàn tay không phải hiếm nhưng có tới 24 ngón tay chân thì quả là rất ít. Nguyên nhân gây ra hiện tượng trên có thể là do hôn nhân cận huyết thống.

Nguyên nhân có thể do hôn nhân cận huyết thống

Báo chí đưa tin, 14 người trong gia tộc của ông Võ Văn Cống - ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre có tới 24 ngón tay chân.

Việc thừa 1, 2 ngón tay chân không phải là quá hiếm. Song nếu trong một gia tộc, có nhiều người có tới 24 ngón tay chân lại là việc không bình thường.

Gia tộc của họ có rất nhiều người có 6 ngón 

Trao đổi với phóng viên VTC News, PGS.TS. Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, BVĐK Xanh Pôn, Chủ nhiệm bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Với trường hợp cả gia tộc có 24 ngón tay, chân là do di truyền vì mang trong mình các nhiễm sắc thể bị đột biến quyết định việc thừa ngón tay, ngón chân. Các thế hệ người 24 ngón tay, chân hầu hết có hôn nhân cận huyết thống.

Các bác sĩ cho biết, thừa ngón tay, chân có tới 8-9 dạng. Có dạng thừa ngón ở ngón cái chẽ ra có đầy đủ xương, thịt, móng. Nhưng có trường hợp chỉ là mẩu thịt thừa. Và có dạng là 6 ngón ở mỗi bàn tay, bàn chân…

Những trường hợp này, có thể được tiến hành phẫu thuật bỏ ngón thừa chỉ mất 30 phút. Sau phẫu thuật, tay sẽ hoạt động bình thường.

Để tránh bị thừa 6 ngón tay, chân, lời khuyên là không nên kết hôn với người cận huyết thống. Trước khi kết hôn nên tìm hiểu xem ông, bà, họ hàng người đó có bị 6 ngón hay không.

Được biết, gia tộc ông
Võ Văn Cống (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre) có nhiều người có 24 ngón tay chân. Các ngón tay, chân bố trí rất đều, nếu nhìn sơ qua không thấy điều gì khác thường. Các ngón chân, tay thứ sáu cũng bình thường như các ngón khác, thậm chí không biết ngón nào là “ngoài biên chế”.

Chuyện thừa ngón của gia tộc ông Võ Văn Cống có từ lâu đời, di truyền qua nhiều thế hệ, cả con trai, con gái đều thừa ngón. Ông Cống (năm nay 73 tuổi) cho biết, dòng họ bên ngoại ông có nhiều người thừa ngón như vậy.

 

Với trẻ em bị thừa ngón, tốt nhất nên phẫu thuật trước khi trẻ 12 tháng tuổi. Vì để đến khi trẻ lớn, phản xạ hoạt động của các ngón tay dễ bị rối loạn chức năng.

BS Trần Thiết Sơn
 
Ông ngoại của ông có 24 ngón, còn bà ngoại tay chân bình thường, họ sinh hơn chục người con, nhưng chỉ có má của ông Cống là 24 ngón.

Gia đình ông Cống có 9 anh em trai, trong đó có người thứ ba là Võ Văn Chẩn và người thứ chín - Võ Văn Cống là có 24 ngón. Ông Chẩn năm nay đã 85 tuổi, có một người con và một đứa cháu thừa ngón giống như ông.

Ông Cống có tổng cộng 12 người con, trong đó có đến 4 người có 24 ngón giống như ông. Đó là cô con gái thứ hai, cậu con trai thứ sáu, rồi con trai thứ bảy và cô con gái thứ chín.

Khi cô con gái th
ứ hai lấy chồng, lại sinh ra đứa con gái có 24 ngón. Còn anh con trai thứ sáu khi lấy vợ sinh được hai đứa con: Một trai, một gái, nhưng chỉ có đứa con trai có 24 ngón.

Chỉ tính từ đời ông ngoại của ông Cống đến giờ, gia tộc này có 14 người có 24 ngón tay, chân.

Không hiếm người bị thừa 1 ngón tay 

Với trường hợp nhà ông Cống là hiếm, nhưng với những người xuất hiện thêm 1 ngón tay “thừa” trên bàn tay lại khá phổ biến.

Chị Thủy (Lê Văn Lương, Hà Nội) chia sẻ: Con bé nhà mình sinh ra đã thấy có 1 ngón nhỏ bên cạnh ngón tay cái. Khi đi khám, bác sĩ bảo đợi bé được 3 tuổi thì đến chụp X quang và phẫu thuật. Nhưng giờ, con mình hơn 1 tuổi rồi song khi cầm nắm, bé lại dùng ngón tay thừa đó. Vì ngón tay cái ít được dùng nên nó cứ cụp cụp lại. Mình rất lo lắng.

Còn mẹ Oanh (Liễu Giai, Hà Nội) cũng có con bị bàn tay 6 ngón nhưng với cháu nhà chị Oanh, gia đình chị cho cháu đi phẫu thuật từ khi bé 8 tháng tuổi. Ngón tay cái chính của cháu cũng bị cụp lại nên phải phẫu thuật sớm.

Chị Oanh chia sẻ: “Con mình được phẫu thuật theo phương pháp mới của Mỹ là ghép 2 ngón lại với nhau. Có nghĩa là để lại 1/4 của ngón thừa ghép lại với ngón chính. Sau phẫu thuật, ngón cái nhìn hơi bị xấu, tay vẫn bị cụp vào trong và bị to hơn so với ngón cái kia nhưng bác sỹ bảo là tầm 3 tuổi thì ngón tay này sẽ hoạt động bình thường và sẽ đồng đều với ngón của bàn kia”.

Một bà mẹ khác có con cũng bị thừa ngón. Chị kể: “Khi đang mang thai con được 7 tháng, tôi đi siêu âm ở Phan Chu Trinh thì được bác sỹ cho biết bàn tay của bé bị 6 ngón. Khi được 15 tháng, con tôi được bác sĩ khám cho biết tay thừa có khớp xương, vì vậy sẽ phẫu thuật tháo khớp, chứ không phải là xương liền phải cưa đi.

Con tôi được chụp X quang tay, X quang tim phổi, lấy nước tiểu và lấy máu để chuẩn bị cho phẫu thuật. Để phẫu thuật, bé phải hoàn toàn khỏe mạnh không sốt, hay uống kháng sinh.

Sau phẫu thuật, con tôi phải tiêm kháng sinh, đến ngày xuất viện được chuyển sang phòng bó bột để định hình lại ngón tay cho bé. Hai mươi ngày sau, đến ngày khám lại, con được tháo bột”.

BS Trần Thiết Sơn cho biết, với trẻ em bị thừa ngón, tốt nhất nên phẫu thuật trước khi trẻ 12 tháng tuổi. Vào thời điểm này là phù hợp nhất. Vì để đến khi trẻ lớn, phản xạ hoạt động của các ngón tay dễ bị rối loạn chức năng.

Dị tật thừa ngón là một dị tật bẩm sinh của con người có thừa số ngón chân hay ngón tay. Mặc dù trường hợp thường không đe dọa gì đến đời sống, hay thậm chí đặc biệt ảnh hưởng, đa số người phương Tây phẫu thuật cắt bỏ ngón thừa.

Ngón thừa thường là một mô nhỏ; đa phần là có xương mà không có khớp; hiếm khi hoàn thiện đầy đủ chức năng của một ngón. Ngón thừa phần lớn là nằm về phía gần xương cẳng tay, hiếm khi ở về phía xương quay (ngón cái), và cực kỳ hiếm gặp nó nằm ở giữa. Ngón thừa thường tạo thành một cái trạc với ngón đã có, hay nó có thể hiếm khi bắt nguồn từ cổ tay như các ngón thông thường.

Dị tật thừa ngón có thể tự phát sinh, hay thông thường hơn, là một đặc điểm của hội chứng dị tật tương thích. Khi nó tự phát sinh, nghĩa là nó có liên hệ với thể đột biến của nhiễm sắc thể trội trên một gene. Nhưng đột biến trên nhiều gene khác nhau cũng có thể gây ra hiện tượng này. Điển hình là gene đột biến về cấu trúc cơ thể, và một kết quả của hội chứng dị tật nào đó, mà dị tật này là một dấu hiệu.

 

Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn