• Zalo

Lý do Ukraine muốn chọc sâu vào sau chiến tuyến của Nga thay vì đánh trực diện

Quân sựThứ Hai, 22/08/2022 11:44:32 +07:00Google News
(VTC News) -

Từ quan điểm của Ukraine, chiến lược chọc sâu vào sau chiến tuyến của Nga có vẻ hiệu quả hơn là việc giao tranh trực tiếp với các lực lượng phòng thủ Nga.

Gần 6 tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, cuộc xung đột giữa hai bên hiện không có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc.

Trên thực tế, ngày càng có nhiều lo ngại về một thảm họa nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia khi các bên tố nhau liên tục tấn công nhà máy này. Giao tranh vẫn tiếp diễn ở phía Đông và phía Nam trong bối cảnh Ukraine cố gắng giành lại các khu vực do Nga kiểm soát. Tuy vậy đã có một số bước đột phá đáng chú ý, trong đó phải kể đến thỏa thuận giữa Moskva và Kiev nhằm đảm bảo Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.

Lý do Ukraine muốn chọc sâu vào sau chiến tuyến của Nga thay vì đánh trực diện - 1

Một binh sĩ Ukraine vác trên vai tên lửa chống tăng NLAW ở Donetsk hồi tháng 4. (Ảnh: AP)

Cuộc chạy đua marathon

Theo đánh giá của các quan chức phương Tây, cuộc chiến Nga-Ukraine đang ở giai đoạn gần như bế tắc vì không bên nào có thể tiến hành một cuộc tấn công lớn để tạo ra những thay đổi đáng kể trong cục diện xung đột.  

Hai bên dường như ý thức được rằng họ phải đối mặt với một cuộc chạy đua marathon hơn là chạy nước rút trong một cuộc chiến đã kéo dài gần 6 tháng. Câu hỏi đặt ra hiện giờ là liệu Ukraine có thể thực hiện thành công một cuộc phản công lớn vào mùa Thu hay không?

Đánh giá này được đưa ra không lâu sau khi các quan chức Ukraine úp mở về khả năng tiến hành cuộc phản công để giành lại quyền kiểm soát thành phố Kherson nơi có dân số khoảng 290.000 người mà các lực lượng Nga đã chiếm được khi tiến vào miền Nam trong những ngày đầu của cuộc chiến.

Thành phố này nằm ở bờ Tây sông Dnipro và việc kiểm soát ngày càng trở nên bấp bênh hơn đối với các lực lượng phòng thủ và tiếp tế của Nga khi pháo binh Ukraine cố gắng phá hủy các cây cầu chủ chốt tại đây. Bên cạnh đó, Ukraine cũng tiến hành các cuộc tấn công vào những tuyến tiếp tế nằm phía sau chiến tuyến của Nga, sử dụng Hệ thống pháo binh cơ động cao HIMARS hoặc những vũ khí tiên tiến khác, hòng làm suy yếu bước tiến của Moskva.

Mối đe dọa từ Ukraine đã khiến các chỉ huy Nga điều động lực lượng từ chiến trường chính ở khu vực Donbass tới miền Nam. Hiện quân tiếp viện của Nga đã tràn xuống mặt trận phía Nam, khiến cuộc phản công của Ukraine khó khăn hơn. Để thực hiện kế hoạch thành công, Ukraine cần phải có số lượng bộ binh tấn công nhiều hơn gấp 3 lần so với số quân phòng thủ.

Lý do Ukraine muốn chọc sâu vào sau chiến tuyến của Nga thay vì đánh trực diện - 2

Xe tăng Ukraine khai hỏa vào các vị trí của Nga tại vùng Donbass (miền Đông Ukraine). (Ảnh: Tyler Hicks/The New York Times)

Ukraine chọc sâu vào phía sau phòng tuyến của Nga

Giới chuyên gia quân sự cho rằng, Ukraine đang cố gắng cắt đứt tuyến tiếp tế của Nga bằng cách sử dụng đạn pháo và hệ thống tên lửa tầm xa của Mỹ, cho đến khi hoạt động chiến đấu của Moskva bị tê liệt. Chuyên gia George Barros của tổ chức Viện Nghiên cứu Chiến tranh, nhận định: “Đây là một phần của cuộc phản công. Những cuộc tấn công chính xác mà người Ukraine đang tiến hành nhằm vào các mục tiêu hậu cần của Nga trên khắp miền Nam Ukraine hoặc ở Crimea là một phần của nỗ lực giành quyền kiểm soát bờ Tây sông Dnipro và phần thượng lưu của vùng lãnh thổ Kherson”.  

Ông George Barros lưu ý, cuộc tấn công vào Crimea không vi phạm cam kết của Ukraine với đối tác Mỹ và châu Âu về việc Kiev sẽ không sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga. Bởi phương Tây không công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga.

Kiev đang thực hiện chiến lược nhắm vào các cơ sở hạ tầng khác nhau để làm suy giảm khả năng di chuyển thiết bị quân sự hạng nặng và khả năng tiếp tế của quân đội Nga. Từ quan điểm của Ukraine, kế hoạch này có vẻ hiệu quả hơn là việc chiến đấu trực tiếp với các lực lượng phòng thủ Nga, hoặc đánh trực diện do quân đội Ukraine đang bị áp đảo cả về quân số lẫn đạn pháo.

Trong một bài bình luận đăng tải trên New York Times, nhà quan sát Anton Troianovski cho rằng: “Nga dường như đã mất đi một số động lực mà họ có được trong mùa hè. Nếu quan sát kỹ hơn có thể thấy Ukraine đang đạt được một chút lợi thế, mặc dù không có nhiều thay đổi trên bản đồ chiến sự”.

Vào đầu mùa hè, Nga dường như đang đạt được những bước tiến trong nỗ lực giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Donbass, bao gồm 2 tỉnh Donetsk và Lugansk. Nhưng tiến độ đó dường như đã chậm lại. Hiện giờ Nga mới chỉ kiểm soát được Lugansk và một phần của Donetsk.

Seth Jones, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng: “Người Nga có thể không đủ lực lượng chiến đấu để đánh chiếm Donetsk, ít nhất là trong một vài tuần tới” và mục tiêu kiểm soát hoàn toàn Donbass sẽ khó thực hiện trong năm nay.

Trong khi đó, Ukraine hoàn toàn có khả năng cản bước Nga nhờ vào các loại vũ khí do Mỹ và EU cung cấp, đặc biệt là hệ thống HIMARS. Đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã chuyển giao 16 hệ thống HIMARS cho Ukraine và giúp huấn luyện các binh sỹ của họ vận hành hệ thống này. Đây là lý do một trong những lý do khiến Ukraine có thể tấn công sâu hơn vào một số vùng lãnh thổ do Nga nắm giữ.

Lợi thế của Nga

Tuy vậy, Nga vẫn duy trì được một số lợi thế lớn. Tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Putin trong nước vẫn rất cao, cho phép ông có thể duy trì chiến lược lâu dài tại Ukraine. Chưa kể, Nga từng có kinh nghiệm chiến thắng trong nhiều cuộc chiến tranh tiêu hao, chẳng hạn như cuộc chiến tại Syria hay Chechnya và trước đó là Thế chiến 2.

Ở giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột với Ukraine, Nga có thể không đạt được nhiều tiến bộ, nhưng Kiev cũng vậy. Ukraine vẫn chưa thể giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía Đông hoặc phía Nam, trong khi chịu tổn thất đáng kể về người và của.

Một điều khá bất ngờ với giới quan sát là việc Nga vẫn duy trì được khả năng chiến đấu trên chiến trường mà không cần ban bố lệnh tổng động viên trên toàn quốc. Hồi đầu chiến tranh, nhiều người dự đoán, ông Putin sẽ phải huy động thêm binh sỹ, nhưng thay vào đó, Nga tiếp tục chiến đấu với lực lượng quân đội hiện có của họ. Trong những tuần tới, Tổng thống Putin có thể cố gắng gia tăng sự ủng hộ trong nước bằng việc chứng minh rằng nếu ông có thể giữ giá năng lượng ở mức cao thì sự ủng hộ của Mỹ và châu Âu đối với Ukraine sẽ sụt giảm.

3 kịch bản có thể xảy ra

Giới phân tích cho rằng, sẽ có 3 kịch bản xảy ra trong thời gian tới. Kịch bản thứ nhất, Nga bắt đầu giành chiến thắng: Nga sẽ giành quyền kiểm soát thêm nhiều khu vực ở miền Đông Ukraine, giống như những gì nước này từng thực hiện vào mùa Xuân và cuối cùng là kiểm soát toàn bộ Donbass. Thắng lợi này có thể làm nhụt ý chí chiến đấu của người Ukraine và làm suy yếu sự ủng hộ của Mỹ, châu Âu đối với Kiev.

Kịch bản thứ 2 là cuộc chiến tiếp tục bế tắc. Đây kịch bản mà hầu hết các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng sẽ xảy ra nhất. Trong kịch bản này. Nga có thể duy trì quyền kiểm soát một số khu vực ở miền Đông nhưng sẽ không thể tiến xa hơn.

Kịch bản thứ 3 là Ukraine bắt đầu giành chiến thắng. Theo đó, Ukraine sẽ ngăn chặn được bước tiến của Nga ở phía Đông và thành công trong cuộc phản công, có khả năng giành lại một số lãnh thổ ở phía Nam.

Hồng Anh(VOV.VN )
Bình luận
vtcnews.vn