Dù là dịp cuối năm và thị trường đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá nhưng theo số liệu mới nhất vừa được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, tổng sản lượng bán hàng ô tô trên toàn thị trường tháng vừa qua chỉ đạt 28.442 chiếc, tăng nhẹ 1% so với tháng liền trước trong khi sụt giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng xe nhập khẩu nguyên chiếc tiêu thụ trong tháng qua chỉ đạt hơn 6.480 chiếc, giảm 12% so với tháng 10. Trong khi đó, xe lắp ráp trong nước tiêu thụ hơn 21.960 chiếc, tăng 5,2%.
Cụ thể hơn, VAMA cho biết, số lượng xe du lịch bán ra trong tháng đạt 18.016 chiếc, giảm 0,7%; xe thương mại đạt 9.296 chiếc, tăng 4%; xe chuyên dụng đạt 1.130 chiếc, giảm 7,5% (so với tháng 10).
Sự chững lại của thị trường ô tô có thể coi là bất ngờ bởi trước đó, sức mua ô tô đang rất lớn với hai tháng liên tiếp tăng trưởng mạnh. Chính sự tăng tốc bất ngờ của thị trường ô tô từ đầu năm đã khiến chỉ trong 11 tháng, lượng xe bán ra của toàn thị trường đạt 271.123 xe, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt cả lượng xe bán ra cao kỷ lục của năm 2015 là gần 245.000 xe. Trong đó, xe lắp ráp trong nước đạt 205.355 xe, tăng 33% và xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 65.768 xe, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây được xem là kết quả ngoài dự báo của các hãng ô tô khi ngay cả VAMA từ đầu năm cũng chỉ dự báo ở mức tăng trưởng 10-15% năm so với kết quả bán hàng của năm 2015.
Với mức bán ra hiện tại, gần như chắc chắn tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường cả năm 2016 sẽ chính thức vượt qua mốc kỷ lục 300.000 chiếc. Đây là mức sản lượng đáng được các hãng xe, đặc biệt là các nhà sản xuất trong nước, kỳ vọng để đến gần hơn với khả năng giảm giá thành, tiến tới giảm giá bán lẻ trên thị trường.
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong ba thị trường có tiềm năng tiêu thụ ô tô lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Indonesia và Philippines.
Theo đánh giá, thị trường ôtô Việt Nam thường chịu ảnh hưởng mạnh từ những thay đổi từ chính sách. Trong một diễn biến gần đây, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JBAV) đã kiến nghị xin giảm thuế nhập khẩu linh kiện CKD (xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu) theo hiệp định đối tác kinh tế chiến lược Việt Nam – Nhật Bản về 0% từ 2018.
Dù cho rằng chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước vốn có tầm quan trọng đặc biệt đối với nhà sản xuất nội địa, song theo JBAV, chính sách này hiện chưa rõ ràng. Chính điều này đã gây khó khăn cho nhà sản xuất trong quá trình chuẩn bị dự án để xin hồ trợ của chính phủ.
Theo JBAV, do sản lượng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn quá bé so với Thái Lan và Indonesia, nếu các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam tiến hành nội địa hoá nhiều hơn nữa trong khi sản lượng còn nhỏ sẽ làm tăng chi phí.
Cũng theo JBAV, do phải nhập phần lớn linh kiện CKD, các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam phải chịu chi phí đóng gói, vận chuyển rất cao, đặc biệt thuế linh kiện. Vì vậy, chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia.
“Hiện nay sản xuất ô tô trong nước đang được bảo hộ bởi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc ở mức cao. Tuy nhiên, sau 2018 khi thuế nhập khảu từ Asean giảm về 0%, các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ phải đổi mặt với sự cạnh tranh gay gắt của ô tô nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia vốn có lợi thế cạnh tranh về chi phí.” – JBAV phân tích.
Bình luận