Chiều 29/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với hơn 92% đại biểu tán thành. Luật quy định cụ thể mức vốn để xác định tiêu chí dự án đầu tư công quan trọng quốc gia là 30.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần hiện nay (10.000 tỷ đồng). Tiêu chí vốn với các dự án nhóm A, B và C tăng 2 lần so với quy định hiện hành.
Dự án nhóm A, B, C được phân loại theo tính chất quan trọng, tổng mức đầu tư và theo từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, nhóm C có mức đầu tư đến 240 tỷ đồng; nhóm B đến 4.600 tỷ đồng và nhóm A là dự án ở một số lĩnh vực, có vốn đầu tư trên 4.600 tỷ đồng.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Quốc hội vẫn quyết định chủ trương với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia (vốn 30.000 tỷ đồng). Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng trở lên, do bộ, cơ quan trung ương quản lý.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C: Phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C (trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND các cấp).
Để bảo đảm tính chặt chẽ, Luật đã bổ sung thẩm quyền “quyết định chủ trương đầu tư dự án” đi đôi với trách nhiệm “báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”.
Với tinh thần đổi mới, nhằm tăng cường tính linh hoạt trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã giao Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong các trường hợp: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất;
Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nội bộ và giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn trung hạn của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định.
Trong báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án từ HĐND sang UBND là thay đổi lớn, cần nghiên cứu đánh giá tác động kỹ lưỡng; một số ý kiến nhất trí với đề xuất phân cấp UBND các cấp nhằm giảm thủ tục hành chính.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, việc thay đổi về thẩm quyền đã được cân nhắc kỹ từ thực tế, việc giao cho UBND quyết định chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần thiết đã được quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2025, có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C cho UBND cùng cấp. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính chặt chẽ, Dự thảo Luật đã bổ sung thẩm quyền “quyết định chủ trương đầu tư dự án” đi đôi với trách nhiệm “báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”. Với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, Luật đã quy định phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.
Về phân cấp thẩm quyền điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn, một số ý kiến băn khoăn, tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là danh mục “dự kiến”, việc điều chỉnh sẽ được thực hiện thường xuyên hơn để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh này thực hiện trong “khung”: “không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất” nên sẽ bảo đảm tính chặt chẽ.
Bình luận