• Zalo

Long mạch quốc gia nằm ở Đàn Xã Tắc?

Phóng sự - Khám phá Thứ Năm, 11/04/2013 07:01:00 +07:00Google News

(VTC News) - Long mạch của quốc gia nằm ở trong lòng muôn dân, chứ nhất định không phải là cái Đàn Xã Tắc ở Ô Chợ Dừa.

(VTC News) - Long mạch của quốc gia nằm ở trong lòng muôn dân, chứ nhất định không phải là cái Đàn Xã Tắc ở Ô Chợ Dừa (Hà Nội).


Vừa qua, trên nhiều tờ báo có đăng một số ý kiến của các nhà nghiên cứu, chẳng hạn: “Xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc: Vượt lên đầu tổ tiên?”, thậm chí còn ghê sợ hơn : "Đàn Xã Tắc là để thờ trời đất, xây cây cầu cao hơn trời đất thì chúng ta sống hay chết?".

Nhiều người cho rằng, Đàn Xã Tắc là long mạch quốc gia, nên không thể xây cầu vượt ở đó được. Nhân sự kiện này, phóng viên đã tìm hiểu thêm từ TS. Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc Liên hiệp UIA), người nghiên cứu tâm linh từ nhiều năm nay.

Hỏi đến chuyện tranh cãi xây cầu vượt chỗ di chỉ Đàn Xã Tắc, ôngKhanh thốt lên rằng: Chả lẽ trời đất chỉ bé bằng cái Đàn Xã Tắc hay sao? Chả lẽ cứ ngồi giữ lấy chỗ tế Thần Đất, Thần Nông... của triều Lý ngày xưa mà chẳng cần canh tác thì dân ta vẫn dồi dào thóc gạo?

Chả lẽ cứ ngồi giữ cho chặt cái gọi là Đàn Xã Tắc thì dân ta sẽ giàu mạnh, đất nước ta thoát khỏi nạn xâm lăng?

Ông Khanh cũng không hài lòng khi các nhà nghiên cứu gọi Đàn Xã Tắc tại Ô Chợ Dừa là trời đất, là tổ tiên!

Theo ông Khanh, Đàn Xã Tắc đơn giản chỉ là vị trí được chọn làm nơi tế trời đất, tế Thần, tế tông miếu của một triều đại nào đó.

TS. Vũ Thế Khanh 
Xem các bài tế của các triều đại ngày xưa, thì cái gọi là Sơn Hà Xã Tắc ấy không ngoài việc tôn vinh dòng họ đương triều. Ví dụ các vua nhà Lý mà lập Đàn Xã Tắc thì trong các bài tế của họ sẽ coi Sơn Hà Xã Tắc là của dòng họ Lý chứ không coi Sơn Hà Xã Tắc là của dòng họ Lê.

Đến khi dòng họ Trần lập Đàn Xã Tắc thì trong bài tế sẽ coi Sơn Hà Xã Tắc là của họ Trần, chứ không hề coi nhà Lý là Sơn Hà Xã Tắc của họ Trần nữa.

Ông Khanh khẳng định: “Khi một vị vua nào đó lên đàn tế Sơn Hà Xã Tắc thì họ luôn mong cầu, xin trời đất, Thần linh để phù hộ cho dòng họ đương triều được vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế, chứ không hề có bài tế nào cầu cho các dòng họ khác (nhất là các dòng họ đã bị soán ngôi) được phục hồi, được vạn tuế.

Ngay cả việc dùng từ ngữ mà có liên quan đến dòng họ vua cũng phải tránh né, phải nói chệch đi, nếu chỉ sơ ý thôi cũng đã bị coi là phạm húy, thậm chí có thể còn bị chu di cửu tộc”.

Từ những hiểu biết đó về Đàn Xã Tắc, ông Khanh bác bỏ quan điểm nói rằng "đàn xã tắc là tổ tiên, là trời đất, vượt lên trên Đàn Xã Tắc là vượt lên đầu tổ tiên trời đất thì sống hay chết...".

Theo ông Khanh, nếu người ta đang tế mà mình lại đến phá, hoặc đứng lên trên đàn tế thì mới gọi là xúc phạm việc tế lễ tâm linh của họ.
Khu vực có Đàn Xã Tắc 
Đằng này, họ đã tế xong rồi, sàn tế đã được dỡ đi, và mỗi thời đại lại chọn vị trí làm đàn tế ở chỗ khác nhau (và cái vị trí ấy sẽ chọn sao cho có lợi nhất về phong thủy chỉ cho triều đại đương thời mà thôi), vậy thì cái nơi đặt đàn tế (như ở Ô Chợ Dừa) ấy sao lại có thể coi là trời đất, là tổ tiên của mọi người được?

Ông Khanh lấy một ví dụ cho dễ hiểu hơn: Trước đây ngôi nhà của mình chỉ có 2 tầng, nên phải đặt bàn thờ tổ tiên chỗ cao nhất (là tầng 2). Vậy sau này phải dỡ đi để làm nhà 10 tầng thì có nghĩa là những phòng ở tầng 3 đến tầng 10 là "ngồi lên đầu ông bà tổ tiên"?

Việc thờ cúng là đặt ở trong tâm, khi nhà của mình chỉ có 2 tầng thì ta chọn vị trí trang trọng nhất (có thể là tầng 2 chẳng hạn) làm nơi thờ cúng tế lễ.

Sau khi ta dỡ nhà 2 tầng để làm nhà mới 10 tầng, ta sẽ chọn một vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà 10 tầng (ví dụ như đặt ở tầng 10 chẳng hạn) để làm nơi thờ cúng tế lễ thì có được hay không, hay là cứ phải để nơi thờ cúng ở tầng 2 như trước đây mới được coi là "tín ngưỡng”, và chỉ thờ ở tầng 2 mới là “linh thiêng"?

Tế lễ cũng giống như thỉnh mời quan khách về dự hội nghị, dự chiêu đãi. Đến kỳ “hội nghị lần sau” người ta có thể mời quan khách đến dự ở hội trường khác, miễn là “nội dung hội nghị” vẫn đảm bảo được long trọng.

Hội nghị xong rồi (hạ màn), người ta dỡ rạp, dỡ phông màn để làm việc khác thì sao lại gọi là “bất kính với các quan khách” được? (vì khi hội nghị kết thúc rồi thì các quan khách sẽ giải tán ngay chứ còn ngồi mãi ở đó nữa đâu).

Ông Khanh khẳng định, sự linh thiêng nằm ở cái tâm, nằm ở thái độ trong từng hành vi khi thờ cúng, nằm ở tính nhân văn của chúng ta trong việc thực hiện di huấn của tổ tiên chứ không phải chỉ phụ thuộc ở địa điểm cúng.

Nếu vua quan (hoặc nguyên thủ quốc gia) ban hành và thực thi các chính sách làm sao cho dân giàu nước mạnh, nêu cao tinh thần yêu nước, thương nòi, yêu lao động, không tham nhũng… thì đó mới là giữ gìn Sơn Hà Xã Tắc.

Việc tôn trọng di tích lịch sử là điều rất cần thiết, chúng ta cố gắng giữ gìn di tích trong điều kiện có thể, nhưng đừng coi cái di tích Đàn Xã Tắc ở Ô Chợ Dừa ấy là trời đất, là tổ tiên của ta.

Trong thờ cúng tâm linh, thái độ của người thờ cúng mới quan trọng, còn vị trí cúng có thể thay đổi sao cho nơi ấy đảm bảo trang nghiêm long trọng, phù hợp với diều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và tín ngưỡng của thời đại.

Long mạch của quốc gia không nằm ở vị trí cố định như một số “thầy phong thủy” đã phán, mà nó luôn luôn thay đổi theo thời gian, theo công đức của từng triều đại lịch sử.

Chẳng có chỗ nào là “vạn vạn tuế” cả, cho dù từ xưa đến nay, các triều đại khi lên nắm quyền bính đều nhờ các thầy địa lý giỏi để tìm vị trí đặt lăng miếu, tìm vị trí để lập đàn tế cáo trời đất sao cho Sơn Hà Xã Tắc của triều đại mình được “vạn vạn tuế”.

Thử hỏi trên đất Việt Nam ta, (thậm chí cả trên thế giới) có long mạch nào, có triều đại nào là “vạn vạn tuế” chưa?

“Long mạch của quốc gia nằm ở trong lòng muôn dân, chứ nhất định không phải là cái Đàn Xã Tắc ở Ô Chợ Dừa” – Ông Khanh khẳng định.

Dư Đông
Bình luận
vtcnews.vn