Tháng 4/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo) đã họp và nêu rõ mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa, kiên trì, không ngừng nghỉ trong công tác này. Đồng thời chủ động, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong cán bộ, đảng viên.
Tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2022 đã có một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo sở, ngành, chính quyền địa phương vướng vòng lao lý vì sai phạm. Từ đó đặt ra bài học và việc cần phải nhìn nhận lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương này.
Nhiều vụ việc phức tạp
Ngày 25/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Viết Hưng, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, ông Nguyễn Tấn Tài, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai.
Ông Võ Cao Cường, Chủ tịch UBND phường Tam Phước, TP Biên Hòa và ông Nguyễn Văn Đức, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Tam Phước cũng bị bắt tạm giam.
Trong diễn biến liên quan, ngày 4/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Tấn Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa (thời điểm bị bắt là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Biên Hòa). Các bị can nêu trên đều vi phạm về quản lý đất đai tại khu dân cư Phước Thái, phường Tam Phước, TP Biên Hòa.
Ngày 29/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Trong vụ việc này, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh) bị bắt tạm giam.
Từ 4/6, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo vào cuộc kiểm tra tại 16 đơn vị, cơ quan của tỉnh Đồng Nai. Làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu ý kiến, công tác thanh tra, kiểm tra đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện nguồn tin về tham nhũng, tiêu cực. Hơn 10 năm qua, Đồng Nai thực hiện rất nhiều cuộc thanh tra, song số vụ việc chuyển cơ quan điều tra là rất ít.
Ông Phan Đình Trạc đề nghị tỉnh Đồng Nai xác định rõ tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
"Kiểm tra là dịp để phía đoàn của Trung ương cũng như phía tỉnh tự nhìn nhận, đánh giá lại, tự soi lại nghiêm túc, thấu đáo những vấn đề nổi cộm, kéo dài, dư luận quan tâm. Đây là một nơi có nhiều vụ lằng nhằng, Trung ương, liên ngành họp rồi, có ý kiến rồi lại cứ để thế", ông Phan Đình Trạc cho biết.
Phải có vai trò chủ đạo của Trung ương
Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương có khó khăn, hạn chế. Có những vụ việc, những cán bộ có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực được cấp dưới phát hiện nhưng không nói, không đấu tranh. Hoặc cấp dưới có nói thì lên trên lại bị chặn nên việc đấu tranh không có kết quả.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đặt vấn đề, có sự bao che từ dưới lên trên, thậm chí có những sự việc rất quan trọng cũng bị bao che. Có hiện tượng điều động, luân chuyển cán bộ khi có ý kiến về việc sai phạm.
Bàn về vai trò của các cơ quan báo chí, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cho rằng, thông tin từ báo chí đều là vũ khí mở đầu cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải có sự giám sát của các cơ quan thông tấn, báo chí, khi có vấn đề được đặt ra thì cần vào cuộc ngay.
Để công tác đấu tranh đạt hiệu quả cao, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ khẳng định phải có vai trò chủ đạo của Trung ương. Bởi nếu không có Trung ương thì giám sát không có tác dụng.
"Phải có sự vào cuộc của Trung ương, các tỉnh có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng nhưng Trung ương cũng phải có từng đoàn, đi từng tỉnh. Mong Tổng Bí thư làm mạnh hơn nữa, kiên quyết hơn nữa", nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7 cho biết.
Nhận định về vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội như HĐND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam, TS Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, Kết luận số 21 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá vai trò của công tác giám sát đối với công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ còn yếu.
Theo ông, hiện nay còn tình trạng nể nang, nên chưa phát hiện kịp thời trường hợp cán bộ suy thoái, vi phạm. Đa phần là từ phát hiện của báo chí, công luận, các cán bộ lão thành, các cơ quan về kiểm tra, giám sát, sai phạm mới bị phanh phui.
Do đó, cần xem lại vai trò của các cấp uỷ, phải lắng nghe các tổ chức chính trị - xã hội. Nếu các góp ý trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, mong muốn làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh thì rất cần phải lắng nghe.
Nói thêm về khó khăn khi người đứng đầu các tổ chức có chức năng giám sát như HĐND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam đồng thời cũng nằm trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, có thể dẫn đến nể nang, né tránh, TS Vũ Trung Kiên cho rằng, khi làm nhiệm vụ giám sát thì các nhân sự này phải ở "vai" khác. Phải nhớ rằng một đại biểu dân cử, nhưng cũng là Thường vụ, cấp uỷ, khi nào ở vai Thường vụ thì phải làm tròn vai Thường vụ. Khi nào ở nhiệm vụ đại biểu của dân, hay người đứng đầu cơ quan dân cử thì phải làm tròn trách nhiệm của cơ quan dân cử.
Mới đây, Ban Bí thư ban hành quy định về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Để tổ chức này hoạt động thuận lợi, có hiệu quả cao, rất cần thiết có sự tham gia sâu của Trung ương trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, từ đó xử lý các vụ việc một cách kịp thời, nhanh chóng.
Bình luận