Người dân sinh sống ở chợ gỗ Phù Khê - Từ Sơn (Bắc Ninh) không khỏi bất ngờ chứng kiến trưởng thôn Hưng 'sóc' nửa cuộc đời cơm tù áo số lại tiếp tục sa lưới.
Sau khi ông trùm Hưng “sóc” và Minh “sâm”, Giám đốc Cty TNHH Đại An (Cty Đại An) sa lưới vào ngày 13/8, phóng viên đã trực tiếp vào “thủ phủ” của trưởng thôn Hưng “sóc” đối mặt đàn em và người nhà để tìm hiểu cuộc sống của ông này.
Sau khi ông trùm Hưng “sóc” và Minh “sâm”, Giám đốc Cty TNHH Đại An (Cty Đại An) sa lưới vào ngày 13/8, phóng viên đã trực tiếp vào “thủ phủ” của trưởng thôn Hưng “sóc” đối mặt đàn em và người nhà để tìm hiểu cuộc sống của ông này.
Nửa đời cơm tù
Từ trung tâm thị xã Từ Sơn đi khoảng 2km là tới thôn Phù Khê Thượng, xã Phù Khê (từ Sơn)- “thủ phủ” của gia đình trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng (Hưng “sóc”- SN 1953, kiêm Giám đốc Cty Thành Hưng). Con đường dẫn vào thôn Phù Khê Thượng rộng thênh thang, song luôn bị ách tắc bởi những xe tải chở gỗ nườm nượp ra vào. Hai bên đường là hàng trăm hộ kinh doanh buôn bán gỗ, đồ mỹ nghệ, khiến cho khu vực này càng thêm sầm uất.
Vợ Hưng “sóc” chỉ về ngôi chùa do Hưng làm trưởng thôn kêu gọi xây dựng |
Phóng viên đóng vai người đi mua gỗ nhờ một người lái xe ba gác chở tới khu vực kinh doanh gỗ của Hưng “sóc”. Rất nhanh, người lái xe tên Q. đưa thẳng chúng tôi đến trụ sở Công ty Thành Hưng. Theo anh Q., về nguyên tắc, hoạt động của khu vực này từ trước tới nay không ai được phép can dự vào chuyện của trưởng thôn Hưng. Dù trưởng thôn có mặt hay vắng mặt, mọi chuyện vẫn tăm tắp như đã được lập trình.
Trụ sở Công ty Thành Hưng cửa đóng im ỉm, chúng tôi đành phải hỏi người dân tìm tới nhà ông trùm Hưng “sóc”. Sau những nỗ lực chúng tôi đã tiếp cận được gia đình em trai trưởng thôn Hưng “sóc” là ông Nguyễn Văn Cường (SN 1955).
Khi giới thiệu là phóng viên, ông Cường tỏ ra khá cởi mở, dù trên khuôn mặt vẫn chưa hết nghi ngại. Ông Cường phàn nàn, gia đình chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ cơ quan công an, song một số tờ báo đã đăng nhiều chi tiết “không chính xác” về gia đình ông.
Ông Cường cho biết, gia đình ông có 8 người con (4 trai, 4 gái), trong đó, ông Hưng là con thứ 4. Từ nhỏ, Hưng đã tỏ ra là người thông minh, nhanh nhẹn hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa, và rồi có biệt danh Hưng “sóc”.
Về tiểu sử của Hưng “sóc”, hầu hết người dân ở Phù Khê Thượng đều nắm rõ. Sau khi học hết lớp 9 (hệ 10 năm), Hưng lên thị xã học trung cấp sư phạm ở Bắc Ninh. Không lâu sau khi rời quê nghèo, Hưng bắt đầu sa ngã. Kết nạp được nhiều anh em trong và ngoài tỉnh, Hưng bỏ học, cùng đồng bọn đi trộm cắp. Trong các phi vụ, Hưng là người cầm đầu và tổ chức rất bài bản.
Có lúc muốn làm lại cuộc đời
Hai mươi ba năm ăn cơm tù, chôn vùi tuổi trẻ, cũng có lúc Hưng “sóc” bắt đầu ăn năn hối cải, quyết tâm làm lại cuộc đời. Năm 1995, Hưng xây dựng gia đình với bà Hoàng Thị H. Hai vợ chồng sinh được hai con, một trai, một gái. Được anh em trong họ mở rộng vòng tay, Hưng đi buôn gỗ, quyết đoạn tuyệt với con đường tội lỗi, làm ăn lương thiện.
Chân dung Hưng 'sóc' |
Nhờ lối cư xử chuẩn mực, chân tình nhưng nghiêm khắc mà Hưng rất được lòng mọi người. Trong lúc khó khăn nhất, một người anh em thành đạt là Minh “sâm” từng được Hưng cưu mang khi còn trong tù đã mang đến 100 triệu đồng cho Hưng khởi nghiệp. Có vốn, Hưng mở cửa hàng tạp hóa cho vợ buôn bán, còn mình lại tiếp tục đi buôn gỗ. Năm 2004, được sự tín nhiệm của dân làng, Hưng trúng chức trưởng thôn Phù Khê.
Cũng trong năm này, Hưng đứng ra kêu gọi quyên góp xây dựng được ngôi chùa Hồng Ân rất khang trang ở quê nhà. Hưng được giao trọng trách là trưởng ban kiến thiết xây dựng chùa. Những đóng góp của ông Hưng đã được UBND thị xã Từ Sơn và các cấp, ngành ghi nhận.
Bất ngờ sa lưới
Chia sẻ với PV, bà H., vợ Hưng “sóc”, cho biết: Hồi mới ra tù, trở về quê hương, chồng bà chuyên buôn bàn ghế lên khu vực Móng Cái. Được một thời gian bị vỡ nợ, Hưng vay vốn ngân hàng mở xưởng xẻ gỗ, sau đó tuyển thợ chế tác gỗ. Công việc làm ăn dần khấm khá lên. “Ông ấy rất hòa nhã, ít khi tụ tập nhậu nhẹt, uống rượu ở nhà. Hôm ông ấy bị bắt, công an mang đi một máy vi tính, niêm phong hai chiếc két sắt, trong két có khoảng hơn 2 tỷ đồng” - bà H. nói.
Theo quan sát của PV, tại Cty Thành Hưng, rất nhiều bằng khen, giấy khen ghi nhận thành tích của Nguyễn Thành Hưng được treo ở khu vực trung tâm. Nhiều tấm ảnh ông Hưng chụp cùng các lãnh đạo cấp cao cũng được trưng bày tại trụ sở Cty.
Ông Đỗ Tuấn Khanh, Phó chủ tịch UBND xã Phù Khê cho biết, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Cty Đại An (tức Minh “sâm”, SN 1960) trúng thầu khu chợ gỗ Phù Khê vào năm 2008. Chợ có 500 ki ốt, Minh “sâm” cùng Hưng “sóc” có công rất lớn trong việc kéo được nguồn gỗ từ các nơi về đây, tạo công ăn việc làm cho bà con, cũng như đảm bảo việc chăm nom, bảo vệ tài sản.
Ông Đỗ Mạnh Tiến, Chủ tịch UBND xã Phù Khê, cho biết thêm, trong quá trình kinh doanh buôn bán và quản lý khu chợ gỗ, Hưng “sóc” có để xảy ra một vài vụ xô xát nhỏ, nhưng đã được giải quyết ổn thỏa. Theo vị Chủ tịch xã Phù Khê, từ khi ông Hưng bị bắt tới nay, địa phương chưa nhận được bất cứ thông tin gì từ cấp trên liên quan đến Minh và Hưng.
Bình luận