• Zalo

‘Liều vaccine COVID-19 thứ 3’ gây tranh cãi

Tư liệuThứ Hai, 02/08/2021 11:51:23 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều chuyên gia cho rằng việc tiêm vaccine COVID-19 bổ sung có thể chưa thực sự cần thiết vào lúc này, trong khi vẫn còn nhiều người chưa được tiêm.

Nhiều nhà khoa học nói những người đã tiêm vaccine có thể trước mắt chưa cần tiêm bổ sung, trong khi một số người vẫn đang cố gắng để có được mũi tiêm đầu tiên.

Họ tìm đến các hiệu thuốc địa phương, các bang khác hoặc nước khác – bất cứ đâu chưa có ghi chép về việc họ đã tiêm vaccine trước đây, để tiêm nhắc lại. Những người này lo ngại trước sự xuất hiện của biến thể Delta hoặc cho rằng “lớp bảo vệ” của mình đang mòn dần.

‘Liều vaccine COVID-19 thứ 3’ gây tranh cãi - 1

Y tá chuẩn bị tiêm vaccine ở Mỹ. (Ảnh: NYT)

Trung Quốc đang nghiên cứu về việc có cần thiết phải tiêm vaccine COVID-19 bổ sung cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hay không. Israel hôm 29/7 thông báo sẽ tiêm vaccine bổ sung cho một số người cao tuổi. Tại Anh, những người đã tiêm hai liều AstraZeneca sẽ được tiêm một liều bổ sung loại khác vào mùa thu, ưu tiên nhóm người cao tuổi, nhân viên y tế và những người mắc bệnh nền, theo The Times UK.

Nhìn chung, xu hướng tiêm vaccine COVID-19 bổ sung dường như đang tăng lên.

“Bạn cảm thấy không bao giờ là đủ, đó là cảm giác của tôi”, Ida Thompson, một giáo sư địa lý đã nghỉ hưu nói với The New York Times. Bà đã tiêm một mũi Pfizer vài tuần trước ở Mỹ, sau khi đã tiêm hai mũi AstraZeneca ở Anh.

Bà Thompson có 6 người cháu. Bà quyết định tiêm thêm mũi vaccine thứ 3 trong khoảnh khắc cảm thấy có động lực. Chuyện là sau khi xét nghiệm COVID-19 tại một hiệu thuốc ở Florida, nơi bà đến thăm gia đình, bà thấy hiệu thuốc có cả vaccine.

Khi nhân viên hỏi bà tiêm liều này là thứ nhất hay thứ hai, Thompson nói đó là liều đầu tiên. “Vì đó là liều Pfizer đầu tiên của tôi. Đối với tôi tiêm AstraZeneca với Pfizer là một ý khá hay”, bà nói. Bà Thompson cho biết đã đọc về lợi ích của việc tiêm lẫn hai loại vaccine AstraZeneca và Pfizer trong một nghiên cứu.

‘Liều vaccine COVID-19 thứ 3’ gây tranh cãi - 2

Nhân viên y tế tại Congo mang theo vaccine. (Ảnh: Getty)

Tiêm bổ sung giúp phòng bệnh tốt hơn?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, câu trả lời là có thể, nhưng vẫn còn quá sớm để chắc chắn. CDC chưa cho phép tiêm nhắc lại, nhưng các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày càng đồng thuận hơn rằng đối với những người từ 65 tuổi trở lên, có hệ miễn dịch kém, tiêm mũi thứ 3 sẽ có ích.

Pfizer và BioNTech, các công ty phát triển vaccine, báo cáo việc tiêm liều thứ 3, loại vaccine của họ, giúp tăng nồng độ kháng thể trong máu chống lại một số biến thể của SARS-CoV-2, bao gồm biến thể Delta dễ lây nhiễm. Một số nghiên cứu cho rằng tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau sẽ kích thích phản ứng miễn dịch mạnh hơn một loại.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu và quan chức y tế cộng đồng đã cảnh báo phần lớn các dữ liệu liên quan đến tiêm vaccine bổ sung mới chỉ đang là sơ bộ, và mọi người không nên giả định luôn là cần phải tiêm bổ sung. Hai liều Pfizer hoặc Moderna đã đủ cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ và lâu dài trước nguy cơ bệnh nặng và tử vong từ COVID-19.

Còn Johnson & Johnson nói dữ liệu cho thấy vaccine này có hiệu quả bảo vệ 85% trước các nguy cơ bệnh nặng, nhập viện hay tử vong do mắc bệnh dịch.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Krutika Kuppalli, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, phó giáo sư dược từ Đại học y South Carolina, nhiều bệnh nhân của bà sau khi tiêm Johnson & Johnson đã hỏi xem liệu họ có thể tiêm một liều bổ sung nữa không. Vaccine này, giống như AstraZeneca, được cho là không hiệu quả bằng các vaccine sử dụng công nghệ mRNA.

"Không phải vô lý khi bệnh nhân hỏi điều đó", Kuppalli nhận định.

Nhưng bà cũng giải thích cho bệnh nhân là các dữ liệu liên quan đến tác dụng phụ vẫn còn mơ hồ và việc nghiên cứu xung quanh phương pháp này vẫn chưa đưa ra điều gì chắc chắn. “Chúng ta cần khoa học là chỉ dẫn cho các chính sách”, bà nói.

Terri Givens, giáo sư tại Đại học McGill, Quebec đã tiêm vaccine Johnson & Johnson hồi tháng 3 và cũng nghĩ đến tiêm bổ sung, nhưng không muốn “chạy trước” nghiên cứu. “Tôi muốn làm điều đó một cách dứt khoát khi bác sĩ của tôi nói là được”.

‘Liều vaccine COVID-19 thứ 3’ gây tranh cãi - 3

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine. (Ảnh: Reuters)

“Vùng xám” đạo đức

Các chuyên gia cho rằng khía cạnh đạo đức của việc tiêm mũi vaccine thứ 3 nằm ở một “vùng xám”. Lý tưởng mà nói, số vaccine dư thừa từ các nước giàu nên được đưa sang các nước thiếu vaccine thay vì dành cho những người muốn tiêm thêm.

“Trước khi người ta nói về việc tiêm liều vaccine thứ 3, cần đảm bảo mỗi người được tiêm ít nhất một liều”, Kuppalli nói.

Erin Matson, mới tiêm một liều Moderna hôm 1/8 sau khi đã tiêm Johnson & Johnson, từng lo ngại rằng có thể mình đang “lấy đi” vaccine của ai đó chưa được tiêm.

Nhưng với hàng đống vaccine thừa bị bỏ đi và nhiều người ở Mỹ còn chần chừ chưa tiêm, cô nghĩ khả năng này không nhiều. “Tôi không lấy từ người khác mà lấy từ bãi rác”, cô nói.

Matson là giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận. Cô lo ngại nhiễm biến thể Delta và sẽ lây sang con gái 8 tuổi. Cô cho biết đã tiêm mũi bổ sung ở một hiệu thuốc mà họ không hỏi xem cô đã tiêm chưa.

Maureen Kelley, thành viên ủy ban đạo đức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nghiên cứu COVID-19, chỉ trích rằng ở cấp độ chính sách, sự tập trung của chính phủ các nước thu nhập cao vào việc tiêm vaccine nhắc lại thật “đáng xấu hổ” mới khi chỉ có 1,1% người dân ở các nước nghèo hơn được tiêm ít nhất một liều.

Một nhà đạo đức sinh học khác, Hon-Lam Li, phó giám đốc trung tâm đạo đức sinh học của Đại học Hong Kong Trung Quốc, thấy một vấn đề quan trọng hơn: “Tránh tiêm chủng mới là phi đạo đức hơn vì điều đó gây nguy hiểm đến tính mạng của những người khác”. Ông không thấy các vấn đề đạo đức trong việc những bệnh nhân dễ bị tổn thương tiêm bổ sung hoặc những bệnh nhân được bác sĩ đề nghị tiêm bổ sung.

Phương Anh(Nguồn: The New York Times)
Bình luận
vtcnews.vn