Theo nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì tính công khai chính là "thanh bảo kiếm" để chữa lành những vết thương. Đây là biện pháp quan trọng đầu tiên để ngăn ngừa tham nhũng.
Công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần giải tỏa những bức xúc trong dư luận xã hội. Công khai, minh bạch sẽ làm cho công chức nhà nước có ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách, công vụ, đồng thời giúp thu hồi được tài sản trong các vụ án tham nhũng.
Vụ án Dương Chí Dũng; Huỳnh Thị Huyền Như; Phạm Công Danh; Hà Văn Thắm; rồi vụ án Đinh La Thăng; Trịnh Xuân Thanh; hay Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm)... đều là những vụ án được đưa ra công khai xử lý vì những hành vi liên quan đến tham nhũng.
Các kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về nhiều cán bộ ở cả cấp trung ương và địa phương, những quyết định kỷ luật, quyết định khởi tố đã được công khai, thu hút sự chú ý đặc biệt của đông đảo nhân dân. Qua đó đã thể hiện “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền", góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng và cũng là biện pháp cảnh tỉnh, răn đe có hiệu quả.
Ông Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: Đảng là đại diện cho toàn dân, việc công khai kết luận thanh tra và xử lý nghiêm minh những vụ án tham nhũng là một tiến bộ lớn.
“Đảng đại diện cho toàn dân mà không công khai cho toàn dân thì liệu có được không? Tôi cho đây là tiến bộ, đúng đắn. Tôi nghĩ những gì công khai được nên công khai. Càng công khai nhiều càng tốt. Có công khai mới sửa chữa được, có công khai mới là bài học, chứ nếu cứ dấu diếm thì là “tội nể nang nhau” dẫn đến cán bộ của mình mắc khuyết điểm càng ngày càng trầm trọng hơn”-ông Nguyễn Viết Chức nói.
Chưa bao giờ, những kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương về sai phạm của các tổ chức, cá nhân trong Đảng lại được nhân dân đón nhận nhiệt thành như thời gian qua. Nó góp phần giải tỏa những bức xúc trong dư luận xã hội, đồng thời chứng minh rằng, cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng đang phát huy cao độ vai trò của mình, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Việc công khai kết luận kiểm tra của Đảng cũng cho thấy, Đảng nói đi đôi với làm, biến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thành hành động cụ thể chứ không chỉ dừng ở mức kiểm điểm, tự phê bình trong nội bộ tổ chức Đảng. Sai phạm, khuyết điểm của cán bộ được công bố công khai đáng tiếc không phải chỉ diễn ra ở một vài nơi.
Thậm chí để đề bạt một người là cả một chùm khuyết điểm dây chuyền từ các bộ ngành đến địa phương cụ thể như trường hợp Trịnh Xuân Thanh. Cũng như cán bộ cấp cao đứng đầu một địa phương, một ngành phải nhận những hình thức kỷ luật rất nghiêm khắc đã không còn là chuyện hiếm…
Ông Hồ Văn Năm, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, giải pháp về công khai thủ tục minh bạch, tăng cường giám sát của nhân dân, tăng cường dư luận báo chí, cần công khai minh bạch, kê khai tài sản.
"Đó là các giải pháp đồng loạt, đồng bộ. Để giải pháp mạnh tăng cường kiểm tra giám sát của người dân, cơ quan cấp trên và trách nhiệm của người đứng đầu trong tăng cường kiểm tra phát hiện và ngăn chặn các hành vi tham nhũng trong nội bộ, trong cơ quan, đơn vị trực thuộc” - ông Hồ Văn Năm nói.
Công khai và xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng sẽ thu hồi được tài sản của nhà nước. Việc kê biên, thu giữ tài sản
trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao. Đáng chú ý là vụ án Giang Kim Đạt thu về hơn 300 tỉ đồng; vụ Hứa Thị Phấn hơn 10 nghìn tỉ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á hơn 2 nghìn tỉ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn I) hơn 6 nghìn tỉ đồng; vụ Đinh La Thăng hơn 20 tỉ đồng; vụ Trịnh Xuân Thanh hơn 45 tỉ đồng và vụ AVG hơn 8 nghìn 500 tỉ đồng...
Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Một trong những nguyên nhân là do pháp luật chưa có cơ chế xử lý sớm đối với tài sản tham nhũng, nhất là với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Đây cũng là một trong những nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội đề cập đến khi thảo luận về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Việc phát hiện, xác minh được tài sản bất minh đã vô cùng khó mà khi xử lý chỉ truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%" tài sản bất minh nếu làm không khéo sẽ dung túng cho tham nhũng.
Ông Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội khẳng định, công khai, minh bạch tài sản, thu nhập là “thuốc đặc trị” phòng ngừa tham nhũng: “Con mắt của dân tinh tường, chỉ công khai thì dân biết. Hãy biết lắng nghe dân, chịu sự giám sát của dân.
Kể cả hành vi kể cả có quyền lực luôn luôn có hàng triệu con mắt dõi theo, hàng triệu con người đang đợi hành xử của anh. Khi mỗi người hành xử ý thức đang chịu sự giám sát của công luận, nhân dân thì hành xử chuẩn mực hơn. Nếu hành xử bí mật, không minh bạch thì dẫn đến kết luận không khách quan. Tóm lại, minh bạch là liều thuốc toàn diện nhất”.
“Dưới ánh sáng không ai làm điều khuất tất”. Bởi thế, công khai, minh bạch là liều thuốc “đặc trị” chống tham nhũng. Công khai các vụ án tham nhũng; thu hồi tài sản bất minh; chủ động tiến hành kiểm tra cũng như công khai các kết luận sau kiểm tra là những đổi mới cần thiết trong hoạt động kiểm tra của Đảng, góp phần nâng cao chất lượng Đảng viên, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.
Video: Công khai tài sản quan chức: Đại biểu Quốc hội hiến kế phá vỡ 'bức tường im lặng'
Bình luận