Ngày Quốc tế Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng từ nước Bhutan, một vương quốc bé vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như: sức khoẻ, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Bhutan là quốc gia đã ghi nhận uy thế của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia từ những năm đầu tiên của thập kỷ 70 thế kỷ XX và nổi tiếng với việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm quốc nội.
Đại diện quốc gia Bhutan cho rằng nhu cầu về Ngày Hạnh phúc này là đối với tất cả quốc gia và con người trên toàn thế giới để có những bước vượt lên trên sự khác biệt giữa các nước và con người trên toàn thế giới và liên kết, đoàn kết nhân loại.
Ngoài ra, việc Liên Hợp Quốc chọn ngày 20/3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc còn vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hoà của vũ trụ.
Điều đó cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực…
Bởi vậy ngày 20/3 - Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng chuyển tải thông điệp rằng cân bằng, hài hoà là một trong những chìa khoá để mang đến hạnh phúc.
Liên Hợp Quốc đã tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc đầu tiên vào 20/3/2013 với thông điệp chính được phát động trên toàn thế giới: “Hãy hành động vì hạnh phúc”.
Nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon chia sẻ: “Ngày Quốc tế Hạnh phúc đầu tiên cho chúng ta cơ hội để tăng cường cam kết nhằm thúc đẩy quá trình phát triển bền vững và toàn diện của nhân loại, cũng như làm mới lại các cam kết của chúng ta để giúp đỡ những người khác.
Khi chúng ta đóng góp cho lợi ích chung, chúng ta cũng làm giàu cho chính mình. Lòng nhân ái mang lại hạnh phúc và giúp chúng ta xây dựng được tương lai như chính chúng ta mong muốn”.
Hạnh phúc không phải là điều phù phiếm cũng không phải là điều gì xa xỉ. Hạnh phúc là khao khát sâu xa của mọi thành viên trong gia đình nhân loại.
Hạnh phúc không nên từ chối một ai và phải là của tất cả mọi người. Khát vọng này ẩn chứa trong cam kết của Hiến chương Liên Hợp Quốc để thúc đẩy hòa bình, công bằng, nhân quyền, tiến bộ xã hội và mức sống được cải thiện.
Việt Nam là quốc gia có hàng nghìn năm lịch sử, do đó không hề xa lạ với mục tiêu hạnh phúc.
Kể từ khi nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời đến nay, “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia.
Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế Hạnh phúc theo Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm” của Thủ tướng Chính phủ.
Trên thế giới, nhiều tổ chức đưa ra cách thức đánh giá hạnh phúc của nhân loại, trong đó có Việt Nam dựa trên nhiều chỉ số.
Gần đây nhất, vào cuối năm 2013, kết quả khảo sát “Thế giới hạnh phúc” do Viện Thế giới thuộc Đại học Columbia (Hoa Kỳ) công bố cho thấy Việt Nam là quốc gia hạnh phúc thứ 63 trên thế giới trong tổng số 156 quốc gia được khảo sát.
So sánh trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam đứng sau Singapore (hạng 30), Thái Lan (hạng 36) và Malaysia (hạng 56).
Khảo sát về mức độ hạnh phúc này được tiến hành dựa trên 3 tiêu chí: mức độ hài lòng với cuộc sống, tình trạng cảm xúc tích cực về ngày hôm trước và tình trạng cảm xúc tiêu cực về ngày hôm trước.
Một đánh giá khác của Quỹ Kinh tế mới vào năm 2012 thì Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số hạnh phúc (HPI- Happy planet index) trên thế giới.
Chỉ số này được đưa ra trên cơ sở đánh giá các yếu tố: mức độ hài lòng của người dân đối với cuộc sống hiện tại, tuổi thọ bình quân cao và tiêu thụ tài nguyên ít gây tác động tới môi trường.
Khái niệm hạnh phúc của chỉ số HPI hướng đến cuộc sống hài hòa với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên chứ không phải đề cao mức thu nhập.
Video: Lê Phương: Trình diễn với chồng sắp cưới khiến tôi hạnh phúc thăng hoa
Bình luận