"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế". Đây là ý kiến của các tầng lớp nhân dân, trí thức Việt Nam khẳng định mạnh mẽ trước sự việc Trung Quốc vừa phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là 2 huyện "huyện Tây Sa" và "huyện Nam Sa" trực thuộc "thành phố Tam Sa", tỉnh Hải Nam.
Qua theo dõi các phương tiện báo chí Việt Nam, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, khẳng định cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa là vô căn cứ, không có giá trị, vì vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Trong các phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Chủ quyền có từ lâu đời, trước khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, ông cha chúng ta đã xác định chủ quyền cách đây mấy thể kỷ. Chúng ta liên tục khẳng định cho đến bây giờ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Chúng ta có quyền đưa những quyền của mình, đó là bằng các biện pháp hòa bình. Một trong các biện pháp đó chính là đưa ra các cơ quan tố tụng quốc tế. Tôi cũng thấy rằng Việt Nam nên sử dụng các biện pháp hòa bình hoàn toàn hợp pháp đó”, luật sư Nghĩa chia sẻ.
Theo Đại biểu Lê Công Nhường, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, việc thành lập cái gọi là 2 huyện "huyện Tây Sa" và "huyện Nam Sa" là hành vi nghiêm trọng, vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Ngang nhiên ra quyết định thành lập 2 huyện là hành động đáng lên án chắc chắn phải đưa ra tòa quốc tế để xem xét. Theo luật pháp quốc tế không thể nào ngang ngược, ỉ sức mạnh độc bá Biển Đông. Lịch sử đã chứng minh, khẳng định hai cái quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là mảnh đất của Việt Nam và không thể chối cãi được.
Toàn thể nhân dân Việt Nam cũng sẽ kiên quyết đấu tranh, ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa vốn quen thuộc với hàng vạn ngư dân miền Trung bao đời nay. Sự hiện diện của ngư dân trên biển chính là những cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", ông Nhường cho biết.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sỹ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học, cho rằng: Hành động của Trung Quốc lúc này là đi ngược xu thế hòa bình, hợp tác giữa các quốc gia: “Xu thế hợp tác hòa bình và phối hợp giữa các quốc gia với nhau trong tình hình hiện nay. Tôi nghĩ là các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân theo luật pháp quốc tế. Những việc gì chúng ta bất đồng với nhau thì nên thảo luận để giải quyết chứ không phải là tự tiện làm những việc trái với luật pháp quốc tế hiện nay. Tôi nghĩ Trung Quốc phải tôn trọng các luật pháp quốc tế và có sự hợp tác tốt với tất cả quốc gia để cùng giải quyết các vấn đề còn tranh cãi”.
Video: Năm 2018, Facebook bỏ Trường Sa, Hoàng Sa khỏi bản đồ Trung Quốc
Bình luận