• Zalo

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận 6 yếu kém

Giáo dụcThứ Hai, 23/09/2013 02:11:00 +07:00 Google News

(VTC News)- Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã thẳng thắn thừa nhận những yếu kém còn tồn tại trong giáo dục đào tạo

(VTC News)- Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã thẳng thắn thừa nhận những yếu kém còn tồn tại trong giáo dục đào tạo vừa đưa ra phương án khắc phục tình trạng này.

6 điểm yếu giáo dục

Trong dự thảo đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, ông Bùi Mạnh Nhị, vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ GD-ĐT, thường trực ban soạn thảo cũng thẳng thắn chỉ ra 6 điểm hạn chế, yếu kém của giáo dục Việt Nam hiện nay.


Ông Nhị thẳng thắn cho rằng: “Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, là một trong những nguyên nhân làm hạn chế chất lượng nguồn nhân lực của đất nước”.

Giáo dục còn nặng bệnh thành tích, đánh giá kết quả ở nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu thực chất.

Vụ phụ huynh xô đổ cổng trường Thực nghiệm để vào mua đơn xin học cho con vào lớp 1 đã từng khiến dư luận xôn xao
Vụ phụ huynh xô đổ cổng trường Thực nghiệm để vào mua đơn xin học cho con vào lớp 1 từng khiến dư luận xôn xao 
Chương trình giáo dục còn coi nhẹ thực hành, vận dụng kiến thức; phương pháp giáo dục, kiểm tra, thi và đánh giá lạc hậu, nhiều bất cập. Thiếu gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh.

Hệ thống giáo dục còn cứng nhắc, thiếu tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và các phương thức giáo dục, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Chưa gắn kết đào tạo với sử dụng và nhu cầu của thị trường lao động.

Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Một số hiện tượng tiêu cực kéo dài trong giáo dục, chậm được khắc phục, có việc còn trầm trọng hơn, gây bức xúc xã hội. Chưa coi trọng đúng mức đánh giá hiệu quả quản lý và hiệu quả đầu tư cho giáo dục.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; thiếu động lực tự học và đổi mới; chưa bắt kịp yêu cầu của đổi mới giáo dục.

Nhiều chính sách và cơ chế tài chính lạc hậu, phân bổ tài chính mang tính bình quân, dàn trải. Cơ sở vật chất kỹ thuật của nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu và lạc hậu, chưa đạt chuẩn quy định, thiếu quỹ đất dành cho phát triển giáo dục.

Nặng thói quen bao cấp

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho rằng những yếu kém của giáo dục nước nhà còn tồn tại do rất nhiều các nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trong đó, ông Nhị cho rằng hiện nay chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục. Thiếu quy hoạch phát triển nhân lực của đất nước, của ngành giáo dục.
Giáo dục Việt Nam vẫn còn tâm lý chuộng bằng cấp (Ảnh minh họa)
Giáo dục Việt Nam vẫn còn tâm lý chuộng bằng cấp (Ảnh minh họa) 
Đặc biệt, tư tưởng và thói quen bao cấp trong giáo dục còn nặng nề. Các đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quyết định chất lượng giáo dục của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

“Những nhận thức lệch lạc về giáo dục, bệnh hình thức, sính bằng cấp và những tiêu cực xã hội đã để lại nhiều hậu quả khó khắc phục trong giáo dục”, ông Bùi Mạnh Nhị nhấn mạnh.

Trong khi đó, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng chỉ ra những yếu kém trong công tác quản lý, chỉ đạo của ngành giáo dục, bao gồm cả quản lý ngành và quản lý các cơ sở giáo dục, là nguyên nhân của nhiều yếu kém khác.

Quản lý, chỉ đạo còn nặng về điều hành sự vụ; chưa chủ động tham mưu các chính sách, giải pháp bảo đảm điều kiện phát triển giáo dục.

Bên cạnh đó, nguồn lực quốc gia và khả năng đầu tư cho giáo dục của phần đông gia đình còn hạn chế, chưa đáp ứng điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục.

Mức chi cho mỗi người học chưa tương xứng với yêu cầu về chất lượng, chưa phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn