Mang 100 triệu đồng đi mở sổ tiết kiệm kỳ hạn 1 năm, chị Hồng Hà (25 tuổi, Hà Nội) bất ngờ với mức lãi suất 8%, cao hơn rất nhiều so với suy nghĩ ban đầu của chị.
“Hồi đầu năm, tôi đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng này cũng chỉ dưới 7,5%, thuộc dạng lãi suất cao. Bạn bè tôi gửi nhiều nơi chỉ chưa tới 7%/năm”, chị Hà chia sẻ.
Chị Hà chỉ là một trong số nhiều người dân lựa chọn mang số tiền nhàn rỗi của mình đi gửi tiết kiệm, điều các chuyên gia đánh giá là an toàn và hiệu quả nhất hiện nay với các khoản tiền không quá lớn.
Nên gửi tiền ở đâu?
Chia sẻ từ các giao dịch viên ngân hàng, kỳ hạn gửi tiết kiệm được người dân lựa chọn phổ biến hiện này là 1 năm, các ngân hàng cũng thường đưa ra mức lãi suất rất cạnh tranh ở mốc kỳ hạn này.
Với những khoản tiền không quá lớn (khoảng 100 triệu đồng) vẫn có nhiều lựa chọn cho người dân để hưởng lãi suất cao.
Hiện tại, Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Bản Việt (Vietcapitalbank) cùng niêm yết lãi tiền gửi 1 năm ở mức 8% mà không yêu cầu hạn mức. Đây cũng là mức lãi cuối kỳ cao nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Nếu mang 100 triệu gửi vào hai nhà băng này, sau 1 năm, các khách hàng sẽ nhận về số dư tổng cộng 108 triệu đồng.
Trong khi đó, một số ngân hàng đưa ra lãi suất tối đa cho kỳ hạn 1 năm trên 8% nhưng thực tế khách hàng ít có cơ hội hưởng mức lãi suất này. VIB đưa ra mốc 8,4% hay TPBank cũng đưa ra là 8,1%... nhưng hạn mức tiền gửi các ngân hàng này yêu cầu để được hưởng lãi suất trên lên tới hàng trăm tỷ đồng. Thực tế, tại VIB, nếu khoản tiền gửi không đạt trên 500 tỷ đồng, khách hàng gửi kỳ hạn 1 năm sẽ chỉ được hưởng mức lãi suất 7,7% mà thôi, dù mức lãi tối đa được quảng cáo lên tới 8,4%.
Biểu lãi suất kỳ hạn 1 năm các ngân hàng cũng có sự phân hóa rõ rệt dao động quanh mức 6,5-8%/năm.
Nhóm ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV hay ACB... đưa ra mức lãi suất khá thấp ở kỳ hạn này, dưới 7%. Trong khi đó, nhóm cỡ vừa như MBBank, SCB, SHB hay HDBank... niêm yết quanh mức 7-7,5%/năm. Riêng các ngân hàng cỡ nhỏ như VIB; TPBank; VietBank; BacAbank... đưa ra mức lãi kỳ hạn này đều trên 7,5%.
Riêng với các kỳ hạn tiền gửi dưới 6 tháng, do phải tuân thủ quy định trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước nên mặt bằng các kỳ hạn này không có nhiều cạnh tranh.
Ngân hàng lại tăng lãi suất
Sau đợt điều chỉnh lãi suất của các nhà băng lớn hồi tháng 10, đầu tháng 11 lại chứng kiến đợt điều chỉnh tăng lãi suất của một loạt ngân hàng.
Ngân hàng OCB đã thông báo thay đổi biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới từ ngày 10/11. Theo đó, nhà băng này điều chỉnh tăng lãi suất 0,1-0,2% tại một số kỳ hạn, tập trung vào nhóm dưới 1 năm. Hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này đang là 7,7% với gói 36 tháng.
Biểu lãi suất mới nhất tại VPBank cho khách hàng cá nhân từ đầu tháng 11 tiếp tục tăng lên khoảng 0,1% ở hầu hết kỳ hạn so với tháng 10 trước đó. Đây cũng là nhà băng tích cực điều chỉnh lãi tiết kiệm nhất từ đầu năm. Hiện tại, dải lãi suất của ngân hàng này dao động từ 5,1-7,3%/năm, trong đó kỳ hạn có mức lãi cao nhất tại đây là 18-36 tháng với các khoản tiền trên 5 tỷ đồng, hưởng lãi suất 7,3%/năm, tăng 0,1% so với tháng 10.
Trước đó, Techcombank sau nhiều tháng không điều chỉnh lãi suất cũng đã thay đổi biểu lãi suất huy động tăng nhẹ. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng tại đây là 4,8%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng là 5% mỗi năm, 6-11 tháng 6% một năm.
TPBank cũng nâng lãi suất kỳ hạn 1 năm từ 8% lên 8,1% nhưng đi kèm điều khoản về giá trị khoản tiền gửi.
Trong khi, NCB và VietBank cùng nâng lãi suất kỳ hạn 1 năm thêm 0,2%, lên tương ứng 8% và 7,8% mà không đi kèm điều kiện thì TPBank nâng lên mức 8,1% từ 8% hay VIB nâng lên 8,4% nhưng đi kèm điều kiện bắt buộc.
Lãi suất tiền gửi đi theo chu kỳ kinh tế
Một báo cáo hồi tháng 10 của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho hay nguyên nhân chính khiến các ngân hàng nâng lãi suất huy động chính là thanh khoản trong hệ thống kém đi.
Theo đó, lượng tài sản ròng trên thị trường liên ngân hàng đã kém đi kể từ giữa tháng 7, với giá trị hiện tại khoảng 220.000-250.000 tỷ đồng, giảm 100.000 tỷ đồng từ đỉnh vào đầu tháng 7. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn ngắn vẫn ở mức cao dù đã giảm trong tháng 9.
Xu hướng tăng của lãi suất không chỉ xuất hiện ở các ngân hàng lớn. Các chuyên gia của công ty này cho biết lãi suất tiền gửi bình quân đã tăng 0,06% trong tháng 9, còn tăng ở tháng 10 và 11. Điều này cũng kéo theo lãi suất cho vay bình quân đã tăng 0,25 điểm % gần đây.
Trong nhiều cuộc trao đổi về lãi suất, lãnh đạo các ngân hàng cho hay thông thường nhu cầu vay vốn vào cuối năm của doanh nghiệp rất lớn. Do đó nhu cầu về thanh khoản rất lớn, dẫn tới các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động thu hút thêm nguồn tiền để cung cấp cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là vốn dài hạn để giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 40% từ đầu năm 2019 theo quy định của NHNN.
Trong một cuộc trao đổi với Zing.vn, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết việc tăng lãi suất của các ngân hàng mang tính xu hướng, thường sẽ tăng vào đầu và cuối năm nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho năm tài chính tiếp theo.
Theo ông, quý IV là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất để hoàn thành kế hoạch. Thời điểm này, nhu cầu hàng hoá cung cấp cho Tết Nguyên đán và năm sau cũng rất cao, đòi hỏi nguồn vốn cung ứng nhiều hơn.
"Các ngân hàng sẽ nâng lãi suất huy động vào đầu quý I; cuối quý IV hàng năm, và giảm vào quý II, III. Căn cứ vào đó, người dân có thể điều chỉnh mức tiền gửi phù hợp để có lợi ích tốt nhất", ông Kiêm chia sẻ.
Bình luận