Ngày càng nhiều sai phạm của các dự án BOT được phát hiện. Các sai phạm này giúp chủ đầu tư "đút túi" nhiều tỷ đồng.
Thu một đằng, khai một nẻo
Tại Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT, mới đây, Tổng cục Đường bộ cho biết sau kiểm tra, giám sát tình hình thu phí đã phát hiện chủ đầu tư khai không đúng phí thu được hàng ngày.
Cụ thể, kết quả giám sát 10 ngày liên tục từ 16/12 đến 26/12/2016, cho thấy số thu phí sử dụng đường bộ đối với vé lượt trong thời gian giám sát là 10,992 tỷ đồng (bình quân 1,099 tỷ đồng/ngày) thay vì 1,015 tỷ đồng so với mức bình quân ngày của 6 tháng trước đó mà chủ đầu tư đã báo cáo.
Như vậy, mỗi ngày, so với con số bình quân mà chủ đầu tư báo cáo, chênh lệch tới 84 triệu đồng.
Trước đó, tại trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ, sau 10 ngày kiểm tra đột xuất, Tổng cục Đường bộ cho hay tổng mức thu phí thực tế vé lượt qua trạm BOT là trên 17,5 tỷ đồng, trong đó có ngày lên tới gần 2 tỷ đồng.
Con số này còn cao hơn nếu tính cả số thu vé tháng 7 và số thu vé quý III do Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã thu trước đó, lần lượt là 5,1 tỷ đồng và 5,77 tỷ đồng.
Tính chung, mức thu phí bình quân qua trạm BOT này lên tới gần 2 tỷ đồng một ngày, cao hơn nhiều so với con số 1,2 tỷ đồng mà Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) - một trong những cổ đông của Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, tiết lộ hồi tháng 5.
Bên cạnh thu phí “khủng”, Cienco 1 còn “tố” nhiều gian lận trong hoạt động thu phí tại trạm BOT này.
Nhiều sai sót trong tính toán phương án tài chính
Theo báo cáo mới được công bố của Kiểm toán Nhà nước về dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam – Vidifi làm chủ đầu tư). Thì, dự án này tính toán khối lượng, áp dụng sai đơn giá, dẫn tới sai lệch về chi phí với số tiền gần 34 tỷ đồng.
Video: Bất chấp lệnh của tỉnh, trạm thu phí vẫn 'móc túi' dân
Cụ thể, báo cáo kiểm toán cho biết phương án tài chính của dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được lập dựa trên cơ sở tính toán, dự báo trong đó một số nguồn thu, hỗ trợ thực tế chưa có. Do đó, chưa đủ cơ sở để đảm bảo khả năng hoàn vốn, phát huy hiệu quả.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án được khởi công vào tháng 9/2008 và hoàn thành vào tháng 4/2012. Tuy nhiên, trên thực tế, dự án được khởi công sớm hơn vào ngày 19/5/2008 nhưng hoàn thành muộn hơn vào ngày 5/12/2015.
Sau khi dự án đưa vào khai thác ngày 5/12/2015, chủ đầu tư vẫn hạch toán chi phí lãi vay trong khoảng thời gian 6 tháng tiếp theo vào chi phí đầu tư.
Cùng với đó, báo cáo kiểm toán cho thấy phương án tài chính xác định nợ gốc phải trả chưa chính xác theo giá trị thực tế. Thực tế nợ gốc tại thời điểm 31/12/2015 là 27.558 tỷ đồng, tuy nhiên trên phương án tài chính lại xác định là 32.123 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, phương án tài chính này chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Giao thông vận tải sau khi cập nhật, điều chỉnh một số chỉ tiêu như tổng mức đầu tư điều chỉnh từ 45.487 tỷ đồng thành 44.818 tỷ đồng; chi phí hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư tăng 370 tỷ đồng; lãi vay VND trong thời gian vận hành giảm từ 11%/năm xuống 10%/năm từ 1/7/2016.
Dựa trên số liệu kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đề nghị, thời gian hoàn vốn của dự án là 28 năm 8 tháng 27 ngày (giảm 1 năm 3 tháng 3 ngày so với phương án tài chính điều chỉnh của dự án).
Tương tự, dự án BOT Ninh An (Khánh Hòa) kết quả kiểm toán cũng cho thấy, do việc tính toán, xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác, chưa hợp lý, tổng mức đầu tư dự án đã bị tăng 179 tỷ đồng, dẫn đến kéo dài thời gian thu hồi vốn thêm 1 năm 11 tháng 3 ngày.
Cụ thể, theo kết quả kiểm toán, chi phí đầu tư trước và sau kiểm toán chênh lệch giảm 23,2 tỷ đồng. Số báo cáo là 1.641,37 tỷ đồng và giá trị kiểm toán xác nhận là 1.437 tỷ đồng. Trong đó, chênh lệch chi phí xây lắp 21,1 tỷ đồng, chi phí tư vấn hơn 138 triệu đồng và chênh lệch lãi vay trong quá trình thi công 1,92 tỷ đồng.
Nguyên nhân chênh lệch do sai khối lượng 9,8 tỷ đồng, sai đơn giá 11,36 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là chưa điều chỉnh lại đơn giá cấp phối bê tông nhựa theo thực tế thi công) và sai khác hơn 2 tỷ đồng do nhập lãi vào gốc theo hợp đồng tín dụng không đúng theo hợp đồng BOT.
Việc tính toán sai đã ảnh hưởng đến tính toán thời gian thu hồi vốn trong phương án tài chính của hợp đồng BOT (tăng thời gian thu hồi vốn của dự án lên 1 năm 11 tháng 3 ngày).
Hàng loạt sai sót được chỉ ra đối với các dự án BOT đường bộ thời gian qua đã phản ánh sự yếu kém trong việc lập, thẩm định dự toán công trình của nhà thầu tư vấn và các cơ quan thẩm định của Bộ Giao thông vận tải. Đây là nguyên nhân làm đội giá thành dự án và là nguyên nhân khiến phí sử dụng đường bộ cao và thời gian thu phí kéo dài gây ra sự bức xúc trong dư luận trong thời gian qua.
Bình luận