Thâu tóm…
Từ trước khi Lexus mở đại lý chính thức tại Việt Nam cuối năm 2014, các dòng xe thuộc thương hiệu hạng sang nhà Toyota đã có sự “ủng hộ nhiệt thành” của người tiêu dùng trong nước.
Ở thời điểm đó, chưa cần yếu tố chính hãng, Lexus cũng đã cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ trong phân khúc xe hơi hạng sang đến từ Đức như Audi, BMW và Mercedes-Benz, những thương hiệu vốn đã có nhà phân phối ủy quyền chính thức ở Việt Nam trong một khoảng thời gian dài.
Doanh số bán hàng cộng dồn của một số dòng xe Lexus bao gồm xe mới và xe “lướt” (xe đã qua sử dụng thời gian ngắn dưới 1 năm) được thống kê còn cao hơn hầu hết các các đối thủ đồng hạng thuộc thương hiệu khác trên thị trường.
Tâm lý chuộng Lexus của đại bộ phận người tiêu dùng được hình thành từ trước khi thị trường ô tô Việt Nam mở cửa, cộng với việc các “nhà buôn xe” ấn định mức giá cạnh tranh, thậm chí thấp hơn các đối thủ, đã đem lại cho Lexus những lợi thế trên thương trường.
Cuối năm 2014, khi Toyota Việt Nam (TMV) “chính hãng hóa” Lexus trên dải đất hình chữ S với hai đại lý ở Hà Nội và Tp.HCM, đã chính thức “xóa sổ” thị trường mua bán xe Lexus chưa qua sử dụng, vốn đang nằm trong tay các doanh nghiệp “thuần Việt” vừa và nhỏ.
TMV hoàn toàn hợp lý khi quyết định “thâu tóm” Lexus, thương hiệu cùng “huyết thống” với Toyota và có ảnh hưởng lớn trong phân khúc xe hạng sang, ở thị trường Việt Nam. Và, quyền lợi người mua xe Lexus cũng được đảm bảo chắc chắn hơn, đặc biệt từ hệ thống dịch vụ sửa chữa theo tiêu chuẩn Lexus toàn cầu.
Lãi khủng…
Kể từ thời điểm chính thức được phân phối chính hãng ở thị trường Việt Nam, giá xe Lexus cao hơn rất nhiều so với trước đó. TMV từng lý giải việc giá xe Lexus trội lên, có liên quan đến chi phí phục vụ chính hãng và các khoản chi cho hoạt động marketing, vận chuyển và bán hàng,… Nhưng mức “phí” thực tế hẳn có phù hợp với số tiền mà người mua xe phải trả như hiện tại?
Theo tờ khai nhập khẩu dòng xe Lexus RX 350 trước thông quan hồi đầu tháng 7/2016, đơn giá khai báo thể hiện mức 44.000 USD, thấp hơn 500 USD so với mức giá trong “Bảng giá tham khảo để áp giá tính thuế khi thông quan ô tô nguyên chiếc” của Tổng cục Hải quan. Nếu căn cứ giá nhập khẩu Lexus RX 350 theo biểu áp giá tính thuế là 44.500 USD, và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 90% đối với xe có dung tích xi-lanh 3.5L có thể tính ra được mức trên một đầu xe bán ra ở Việt Nam.
Với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới áp dụng từ 1/7, thì tổng thành giá của một chiếc Lexus RX 350 khi đến đại lý được xác định theo công thức: Giá CIF (giá của bên bán hàng đã bao gồm giá thành của sản phẩm, cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm) + thuế nhập khẩu (giá CIF x 40%) + thuế tiêu thụ đặc biệt (giá bán buôn x 90%) + 10% thuế giá trị gia tăng (VAT = (giá CIF + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt) x 10%)).
Do giá bán buôn giữa đơn vị nhập khẩu và nhà phân phối không được công khai, Xe Giao thông tạm sử dụng giá bán lẻ thực tế (cao hơn giá bán buôn và đã bao gồm các chi phí bán hàng, vận chuyển nội địa, marketing và quảng cáo,…) của mẫu RX 350 là 3,91 tỷ đồng, để xác định mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe này. Theo đó, mức thuế tiêu thụ đặc biệt của mẫu RX 350 được xác định là 74.842 USD.
Như vậy, tổng giá trị một chiếc RX 350 (chưa có VAT) là 137.142 USD (không thấp hơn 5% giá vốn, giá vốn RX 350 được tính ở mức 118.370 USD). Mức giá sau khi cộng thuế VAT của RX 350 dừng ở mức 150.856 USD. Trong khi đó, giá bán lẻ của mẫu xe này quy theo tỷ giá VNĐ/USD mức 22.500 đồng là 173.778 USD. Do đó, mức lãi hiện tại của RX 350 sẽ là 22.922 USD, tương đương 515,75 triệu đồng.
Tương tự, với mẫu NX200T đang được khai thuế nhập khẩu 33.290 USD (thấp hơn 10 USD so với giá tham chiếu). Bằng cách tính tương tự, với thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 45% và giá bán lẻ 2,577 tỷ đồng của NX200T, thì mức lãi khi bán một chiếc đa dụng hạng sang 5 chỗ này, lên đến 597 triệu đồng.
Giá trị lãi vừa tính trong hai ví dụ trên vẫn còn thấp hơn so với thực tế bởi giá quy chiếu tính thuế TTĐB và giá khai thuế còn cao hơn những hoạt động thể hiện trên thực tiễn. Tuy nhiên, những con số trên, đủ để hình dung mức lãi của Toyota Việt Nam khi bán một chiếc Lexus.
Về mức giá bán ra trên thị trường, cho dù hãng và trung gian phân phối là hai tổ chức độc lập, nhưng thực tế, và hoàn toàn hợp pháp khi trong hợp đồng phân phối nhà sản xuất hoàn toàn có thể yêu cầu trung gian phân phối phải bán theo giá quy định của công ty.
Nhưng mức giá quy định hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của nhà sản xuất/đơn vị nhập khẩu, cũng như tương quan quyền lực giữa đơn vị nhập khẩu với nhà phân phối. Những nhà sản xuất có uy tín thường xuyên nêu điều kiện này trong hợp đồng nhà phân phối, và cũng là điều kiện bắt buộc các nhà phân phối tuân thủ, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hai nhà phân phối Lexus ở Hà Nội và Tp.HCM hiện đang bị chi phối bởi đơn vị nhập khẩu là Toyota Việt Nam chứ không phải Lexus Nhật Bản.
Do vậy, nếu nhà phân phối chấp nhận điều kiện này, thì nghiễm nhiên họ được độc quyền kinh doanh trong một khu vực.
Hệ lụy…
Khi đơn vị nhập khẩu TMV “bắt tay” hoặc “ấn định giá” bán xe với hai nhà phân phối Lexus ở Việt
Nam để tạo nên thế độc quyền bán sản phẩm mới trên thị trường, người tiêu dùng sẽ không có cơ hội lựa chọn và buộc phải mua theo mức giá “áp đặt” của nhà phân phối.
Với lợi thế độc quyền, bên bán có thể sử dụng “kỹ thuật” giao xe chậm để tạo cơn sốt khan xe nhằm áp đặt giá bán cao hơn. Hoặc chỉ phân phối rất ít phiên bản của một dòng xe, cũng như cắt giảm tối đa linh phụ kiện trên sản phẩm, để tối ưu hóa lợi nhuận. Đây là bài toán kinh doanh hợp lý nhưng không có lợi cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc không thể kinh doanh xe mới, khiến các “nhà buôn xe” trước đây buộc phải chuyển dịch sang kinh doanh xe Lexus đã qua sử dụng. Với cách tính thuế cấu thành giá đối với xe đã qua sử dụng hiện đang được áp dụng, thì Lexus nhập khẩu đã qua sử dụng còn có giá trị tương đương, thậm chí cao hơn xe mới.
Để tăng khả năng cạnh tranh với xe chính hãng, các nhà buôn xe buộc phải nhập khẩu xe “lướt” có cấu hình và trang bị cao nhất. Hoặc “phù phép” xe mới ở thị trường nào đó thành xe đã qua sử dụng, trước khi đưa về Việt Nam.
Với những thương hiệu rất được ưa chuộng, dễ bán và đem lại nhiều lợi nhuận như Lexus, sẽ rất khó ngăn cản các doanh nghiệp kinh doanh xe không chính hãng tìm mọi cách để có sản phẩm đưa ra thị trường. Tổng cục Hải Quan cũng đã chỉ ra không ít những lô xe Lexus mới của doanh nghiệp được nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức quà biếu, tặng và không có hợp đồng mua bán, trong nhiều năm trở lại đây.
Cách làm “sáng tạo” này của các doanh nghiệp khó có thể quy kết được có vi phạm luật hay không, nhưng chắc chắn Nhà nước đã và đang bị thất thoát một khoản tiền thuế không nhỏ, và ngoại tệ vẫn “âm thầm” bị đưa ra nước ngoài.
Bình luận