Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong
Lần đầu tiên mọi người thấy những nhà văn Võ Huy Tâm, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Nguyễn Tuân; Nguyễn Đình Thi, Xuân Sanh; Xuân Sách, Vũ Thị Thường… bước ra khỏi những trang sách, xuất hiện ngoài đời bình dị vô cùng.
Cho đến bây giờ, người dân làng Bài Lâm vẫn còn nhớ như in hình ảnh nhà thơ Chế Lan Viên viết… đứng – Lấy mặt chiếc hòm gian đựng thóc làm bàn, và tay trái phe phẩy chiếc quạt mo cau, tay phải cầm bút viết.
Hoặc người dân vẫn nhớ hình ảnh nhà văn Võ Huy Tâm dạy con tập bơi bằng cách… ném từng đứa xuống sông… Khi nào uống no nước, vùng vẫy chán thì ông lại lao xuống lôi lên. Và chỉ vài ba lần uống nước là … biết bơi ngay.
Trong nhà tôi không lúc nào ngớt khách đến nghe các nhà văn, nhà thơ nói chuyện văn chương chữ nghĩa. Còn tôi, cậu bé học lớp 6 thì không giấu nổi niềm tự hào và hãnh diện, khi các bác, các chú nhà văn, nhà thơ coi mình như con trai.
Tôi không thể nào quên được bác Nguyễn Tuân bảo tôi rằng: “Đời cháu, được thấy những nhà văn này là may mắn đấy”. Lúc ấy, quả thực, tôi chẳng cảm nhận được ý nghĩa của câu nói đó. Nhưng về sau này, càng ngẫm, tôi càng thấy mình đúng là có may mắn được gặp, được thấy, được nghe các nhà văn nói chuyện.
Hồi bé, tôi cũng là thằng có trí nhớ khá lạ lùng. Truyện ngắn “Con ngựa của tôi” của nhà văn Trần Công Tấn, khoảng hai chục trang, mà đọc thuộc lòng. Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây Du Ký… Tôi thuộc từng chương, từng hồi – đặc biệt là Tam Quốc.
Khi còn theo bố ở Trường bồi dưỡng viết văn Trẻ tại Quảng Bá, mới 10 tuổi mà tôi đọc gần như hết tủ sách của trường. Có nhiều tác phẩm đọc mà chả hiểu gì cả như Hội chợ Phù hoa; Anna Karenina; Con đường sấm sét; Chuyện Làng Nho… Nhưng tôi vẫn cứ miệt mài đọc.
Nhà văn Nguyễn Hồng cứ hay gọi tôi sang phòng vào buổi chiều. Ông nhấm nháp chén rượu trắng với hai hào lạc rang. Ông cho tôi mấy hạt lạc, rồi bảo: “Cháu đọc cho bác nghe đoạn Khổng Minh tế Chu Du đi”. Thế là tôi đứng góc phòng, gân cổ đọc “ Than ôi Công Cẩn chẳng may trời hại/ Thọ yểu số trời lòng ta ái ngại…”
Túi hàng Tết ngày đó ( nhiều ít tùy theo số nhân khẩu của mỗi hộ ) nhưng gồm có vài bao thuốc lá Tam Đảo, một bao Điện Biên, ba gói trà Thanh Tâm, Hồng Đào; khoảng 2 lạng miến; miếng bóng bì lợn, hai hộp mứt ; vài lạng đường; 3 lạng mì chính; một kg đậu xanh, rồi vài ba gói kẹo…
Cho đến bây giờ, tôi không thể nào quên được ước mơ của tôi trong nhưng ngày Tết là được ăn một bữa thịt lợn luộc cho đến chán. Một ước muốn xem ra rất đơn giản, những ngày ấy, trẻ con như tôi, mỗi tháng được cấp 3 lạng thịt, thì làm gì có chuyện ăn thịt cho “chán”.
Tết ngày ấy không được nghỉ dài như bây giờ. Năm nào cũng chỉ 3 ngày, cùng lắm là 4 ngày. Còn học sinh được nghỉ một tuần, từ 27 tháng Chạp đến hết mùng 3 tháng Giêng.
Trong những ngày ấy, chúng tôi quên sạch chuyện sách vở và suốt ngay lang thang đi đào chuột đồng, được con nào, nướng ăn luôn; rồi đi câu cá ngoài sông Đáy, rồi chơi đáo…
Cái Tết xưa ấy đúng nghĩa "ông vải thì mừng, con cháu thì lo". Để có một cái Tết tạm gọi là tươm tất, bố mẹ lo đến bạc tóc. Tôi nhớ lắm, dáng bố tất tả ngược xuôi đến tận chiều 30 Tết.
Mua được cho các con bộ quần áo, làm sao mấy bữa ăn ngày Tết có thêm đĩa thịt đông sao mà chật vật vô cùng. Mà lại phải lo cho nhưng ngày sau Tết nữa chứ. Phải tính toán làm sao, ra giêng còn gạo mà ăn; còn chút mỡ lợn, tý mì chính… Bởi vì cứ sau Tết là vào vụ giáp hạt. Cho nên, phải biết chắt bóp, dè sẻn.
Ngày ấy, cũng có chuyện lễ Tết thầy. Khi luộc bánh chưng xong, bố tôi chọn một chiếc đẹp nhất rồi dắt tôi đi xuống trường lễ Tết thầy chủ nhiệm. Bây giờ người ta gọi là đi “ biếu quà Tết”, nhưng đúng ra, phải là trò đi “lễ Tết” thầy mới đúng.
Thế mà thấm thoắt, bao nhiêu cái Tết đã đi qua, những thanh âm ấy đến giờ chỉ còn là hoài niệm. Nhớ lắm, những cái Tết xưa…
Bình luận