• Zalo

Kỳ thú những cái bẫy khổng lồ tóm cá trên sông

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 06/12/2014 06:17:00 +07:00Google News

Đến khúc sông Luồng chảy qua bản Na Lạc, bỗng có một cái “tàu há mồm” khổng lồ xuất hiện, nuốt chửng tất cả vào trong.

Trăng lặn. Sao mờ. Từng đàn mại trắng, lăng vàng, ké đốm… rời hang xuôi dòng kiếm ăn. Đến khúc sông Luồng chảy qua bản Na Lạc, xã Nam Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa), bỗng có một cái “tàu há mồm” khổng lồ xuất hiện, nuốt chửng tất cả vào trong.


Bẫy khổng lồ

Độ tháng 9 âm lịch, khi nước sông Luồng dứt cơn gầm gào bên vách đá, 6 người đàn ông bản Na Lạc, xã Nam Xuân lại rủ nhau lên rừng đốn gỗ, chặt nứa làm chặng (tên mà người dân gọi dụng cụ bẫy cá độc đáo này).

Thợ cả là ông Hà Văn Địm (53 tuổi), người có thể tính toán chuẩn xác từng chi tiết để ghép thành một cái bẫy cá khổng lồ dài 30m, thân rộng 2,5m và hai hàng rào ngăn trọn lòng sông.

Năm thành viên còn lại là Ngân Văn Chế, Ngân Văn Nhiệm, Ngân Văn Dương, Hà Văn Quang và Hà Văn Xuyên. Phải huy động lực lượng như vậy vì làm chặng trên sông khó hơn dựng một ngôi nhà sàn.

Vật liệu cần dùng là 100 cây gỗ to như bắp đùi người lớn, 4 cây gỗ vừa một vòng tay người ôm, 700 cây nứa và 100 cây luồng.
Chặng bẫy cá của người Thái ở bản Na Lạc 
Để thi công công trình, thợ cả Hà Văn Địm chỉ đạo các thành viên đan những tấm phên nứa có khe hở rộng hẹp khác nhau và 32 cái sọt miệng tròn bằng vành nong, cao ngang đầu đứa trẻ mười tuổi.

Số sọt này lần lượt được chuyển xuống sông, xếp thành hình phễu. Hai điểm loe rộng nhất chính là mép nước. Mỗi đáy sọt được cắm 3 cọc gỗ và chất đầy đá hộc để làm móng trụ.

Anh Ngân Văn Chế khẳng định chắc nịch: “Trời còn rét thì nước sông Luồng không thể đẩy sọt trôi được”.

Công đoạn làm móng trụ hoàn thành, nhóm thợ buộc chặt những cây gỗ thẳng thớn theo chiều đứng của chiếc sọt tạo thành khung chặng bẫy cá. Thân của chặng có độ dài 20m, rộng 3m và chia thành hai khoang.

Đáy của khoang trên được thiết kế cao hơn khoang dưới ít nhất 60cm, tạo thành thác nước giả. Khoang dưới có nhiệm vụ thoát nước và giữ cá. Vì thế phần đáy phải cao dần về phía đuôi và được rải bằng những tấm phên nứa đan thưa (khe nan rộng khoảng 1cm).
Bẫy cá 
Để thuận tiện cho việc canh cá, nhóm thợ dựng một cái chòi ở đuôi chặng, bên trong luôn có một bếp củi đỏ lửa xua cái lạnh mùa đông và để nướng cá.

Từ xa xưa, khi đường nối thị trấn Hồi Xuân (huyện Quan Hóa) lên Mường Lát chỉ là một lối mòn, cư dân dọc tuyến thạo đứng bè luồng trôi sông nước hơn đi bộ. Chạy dọc theo sông Mã, sông Luồng, thi thoảng lại thấy một chợ luồng nằm trên sông.

Ông Nhiệm kể: Ngày trước, dân các xã Mườn Mìn, Nam Tiến… đi bè qua đây, thấy dòng sông bị chặn đứng, họ cáu lắm. Mình phải để một lối mở để họ đi. Dưới lòng sông đặt hai cây gỗ to, nước tự khắc sẽ dồn lên và tràn qua thân gỗ, giống như một cái đập tràn.

Tối đến, khi thuyền bè neo bến, tổ gác chặng lại ken thêm thân luồng vào lối mở và dùng cành cây bít các khe hở để cá lớn không lọt qua.

Thỉnh thoảng, gặp lái đò đi qua, chúng tôi vẫn mời họ lên chặng uống rượu với cá nướng. Bao hiềm khích tan hết theo hơi rượu.
Cá lăng lọt vào bẫy 

Bí kíp truyền đời

“Để nước sông có thể lưu thông, chúng tôi không đan phên nứa khít. Những loại cá nhỏ có thể dễ dàng lọt qua. Có một quy ước mà mọi thành viên phải tuân thủ đó là không bao giờ bắt cá nhỏ dưới 2 ngón tay”, ông Địm nói.
Thế hệ ông Địm, ông Nhiệm chẳng biết ai đã nghĩ ra cách bẫy cá này, chỉ biết rằng mỗi mùa đông đến, 6-10 hộ trong bản lại làm chung một cái chặng, chia thành 5 tổ thay phiên canh gác. Mỗi phiên 1 ngày 1 đêm.


Từ khi 13 tuổi, ông Địm đã thức trắng đêm gác chặng thay bố. Mỗi ngày, cá mắc bẫy cả tạ. Cá ké, cá lăng, cá trắm nặng đến chục cân. Lúc nào cũng phải thủ sẵn khúc gỗ để đập cho nó không còn sức giãy giụa.

“Thịt cá ké vàng như nghệ, xắt khúc ra, xả thành từng miếng vuông chẳng ai nghĩ đó là khúc cá. Tôi thích nhất là nhắm rượu với bộ lòng cá ké. Nó dày hơn lòng lợn, ăn giòn sần sật.

Năm 2008, tôi bắt được con cá chạch mèo nặng 14 cân, dài hơn 1m, đầu nó hệt đầu con mèo, có hai tai nhọn vểnh lên, mình màu đen, thịt vàng như nghệ.

Không biết vua chúa thời xưa đã từng được nếm thử chưa, chứ tôi thì thấy nó dai và ngọt thơm. Nghe bảo thợ đánh cá kích điện ở sông Mã thỉnh thoảng vẫn bắt được. Mấy năm nay, lượng cá giảm nhanh trông thấy, vài ba ngày mới có cá lăng cỡ bắp tay lọt chặng”, ông Địm chia sẻ.
Mổ cá ăn trên bè 
Với người Thái ở bản Na Lạc, cái chặng bẫy cá không chỉ giống niêu cơm thần của Thạch Sanh, mà còn mang đậm sắc thái tâm linh. Ngày khánh thành công trình, chủ chặng sắm lễ 4 con gà luộc, 1 bát cơm đỏ, 1 bát cơm nhuộm xanh, 1 quả trứng nhuộm vỏ xanh, 1 quả trứng nhuộm vỏ đỏ, 1 chén rượu nhuộm xanh, 1 chén rượu nhuộm đỏ rồi mời thầy cúng thần sông.

Có một luật lệ khi đặt chân lên chặng đó là không được cãi vã, thù hằn hoặc nghĩ xấu về nhau. Cá thu được nhiều hay ít không quan trọng, chỉ cần phân chia công bằng.

Khi có cá lớn từ 5kg trở lên sa bẫy, riêng tổ canh gác được “thưởng nóng” phần đầu, bộ ruột và khúc đuôi.

Ngồi bên bếp lửa bập bùng nướng cá trong căn chòi giữa sông, anh Ngân Văn Chế thủ thỉ vô số kinh nghiệm sông nước của mình. Cá sông cũng giống như thú rừng. Lúc ngày tàn, trăng lặn mới di chuyển kiếm ăn xa. Đầu tháng và cuối tháng, trăng lên muộn, lặn sớm, cá xuống chặng ào ào.
 
Còn ngày rằm, anh em tha hồ uống rượu đêm khuya vì biết chắc chắn chỉ có vài con cá còi sa bẫy. Ngày nước trong, cá sợ lộ nên không ra ngoài. Chờ bao giờ nước đục mới rời khỏi hang.

Từ tháng 11 - 12 âm lịch, nước lạnh buốt, cá di chuyển xuôi dòng ra sông Mã đẻ trứng. Thời điểm này dùng chặng bẫy rất hiệu quả. Loài cá lăng, ké, trắm, mài thường đi đôi với nhau nên đa phần bắt được số chẵn.

Đến tháng Tư, nước sông dâng cao, cá ngược dòng lên thượng nguồn kiếm ăn, chặng được dỡ ra làm củi đun.

Ở bản Na Lạc, ông Hà Văn Quang là người có kỹ nghệ săn cá lăng giỏi nhất. Khúc sông Luồng từ xã Nam Xuân đến Nam Tiến dài 3km có bao nhiêu hang cá lăng ông nhớ như lòng bàn tay.

“Khi lặn xuống nước, sờ vào cửa hang, thấy một lớp rêu dày khoảng 1cm thì bỏ qua. Nếu cửa hang sạch bất thường thì 100% có cá lăng bên trong. Chỉ cần giăng lưới bên ngoài rồi cầm cây chọc vào hang, cá sẽ phi ra ngoài”, ông Quang bật mí.

Trời càng về đêm càng lạnh buốt, gió luồn qua thưng nứa khiến tôi rùng mình. Anh Chế đưa tôi một xiên cá ké nướng rồi bảo: “Lấy chai rượu ở góc chòi tu một ngụm”. Vừa cắn miếng cá đầu, mùi gia vị cây mắc khén cay nồng xộc tận mũi, hòa vào vị ngậy thơm của thịt nóng hổi. Cảm giác thật khó tả.


TheoPhùng Minh Phúc (NNVN)
Bình luận
vtcnews.vn