• Zalo

Kỳ thi quốc gia 2015: Đề xuất thi trắc nghiệm

Giáo dụcThứ Năm, 31/07/2014 07:28:00 +07:00Google News

(VTC News) - Các chuyên gia đều khẳng định việc thi tổng hợp các môn thi trong một bài thi bằng hình thức trắc nghiệm không ảnh hưởng đến việc dạy và học.


(VTC News) - Các chuyên gia đều khẳng định việc thi tổng hợp các môn thi trong một bài thi bằng hình thức trắc nghiệm không ảnh hưởng đến việc dạy và học hiện nay.

Tháng 2/2014, Báo điện tử VTC News đã thực hiện chuyên đề: Hướng tới tổ chức 1 kỳ thi quốc gia chung ngay từ năm 2015. Vấn đề nêu ra trong chuyên đề đã nhận được sự quan tâm của hàng triệu độc giả, hàng nghìn lượt bình luận gửi về tòa soạn.

Ngày 17/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu hướng đến 1 kỳ thi quốc gia chung từ 2015.

Tháng 6/2014, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện đổi mới giáo dục đào tạo.

Ngày 15/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu và thực hiện 1 kỳ thi quốc gia chung ngay từ năm 2015.

Ngày 29/7, Bộ GD - ĐT đã công bố 3 phương án của kỳ thi quốc gia 2015 để các chuyên gia và dư luận xã hội góp ý.

VTC News xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia góp ý cho kỳ thi quốc gia chung 2015.

Đề thi tổng hợp các môn

GS Lâm Quang Thiệp - Kỳ thi quốc gia 2015
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cho rằng bài thi tổng hợp các môn thi với phương pháp trắc nghiệm sẽ không ảnh hưởng lớn đến quá trình dạy và học hiện nay 
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cho rằng việc tổ chức một kỳ thi quốc gia hợp nhất không phải là ý tưởng mới và đã được đề xuất ở Đề án Giáo dục Việt Nam VIE-89/022 do UNESCO tài trợ từ thập niên 1990, cũng nằm trong lộ trình phát triển kỳ thi “3 chung” từ năm 2002, nhưng bị trì hoãn mãi cho đến nay.


"Cho nên tôi hơi ngạc nhiên khi có một số người đã từng lãnh đạo giáo dục lại cho rằng chủ trương này là “quá đột ngột”. Tôi rất tâm đắc với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cần tổ chức một kỳ thi quốc gia chung từ năm 2015, không nên chần chừ nữa", GS Thiệp chia sẻ.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng gọi đề thi là “bài thi” không chính xác, nên gọi là đề thi tổng hợp thì đúng hơn, khác với đề thi đơn môn, vì từ bài thi dành để chỉ bài làm của thí sinh.

Đề thi tổng hợp có hai cách xây dựng: cách kết nối các đề thi đơn môn thông thường, và cách tích hợp kiến thức nhiều môn trong một câu hỏi.

Cách thứ nhất có thể thực hiện ngay, vì không bị ảnh hưởng gì của việc thay đổi chương trình các môn học, cách thứ hai có bị ảnh hưởng phần nào của chương trình.

Trong lộ trình sắp tới nên dùng cách thứ nhất trước, khi nào có sự thay đổi chương trình theo hướng tích hợp và thí sinh đã quen thì chuyển dần sang cách thứ hai. Về công nghệ ra đề thi không có gì khó.

Bạn lựa chọn phương án nào cho kỳ thi quốc gia chung 2015?

  • Phương án 1: Thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; Thí sinh phải đăng ký bắt buộc 4 môn
  • Phương án 2: Thi 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi
  • Phương án 3: Thi 11 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Dùng phương pháp trắc nghiệm

Nên dùng chủ yếu phương pháp trắc nghiệm để ra đề như phần lớn các nước tiên tiến trên thế giới vẫn làm. Chủ trương này đã được xác định rất đúng ngay từ ngày đầu thực hiện “3 chung” từ năm 2002, nhưng do một số ý kiến phản đối của những người ít nghiên cứu về phương pháp đánh giá nên Bộ chỉ dừng lại ở 4 môn trắc nghiệm.

Thực ra đối với các kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn phương pháp trắc nghiệm có ưu thế áp đảo so với phương pháp tự luận.
Phương pháp trắc nghiệm có nhiều lợi thế trong việc chấm bài các môn thi tổng hợp 
"Khi xét từng khía cạnh, mỗi phương pháp có ưu nhược điểm khác nhau, nhưng về tổng thể có thể nói: chất lượng của kỳ thi bằng đề trắc nghiệm phụ thuộc chủ yếu vào đề thi, còn chất lượng của kỳ thi bằng đề tự luận phụ thuộc chủ yếu vào năng lực người chấm", GS Thiệp nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng phân tích thêm, đối với đề thi trắc nghiệm có thể tăng chất lượng nhờ quy trình lâu dài hàng năm để xây dựng, thử nghiệm và chỉnh sửa các câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm.

Trong khi đó để tìm đủ người có năng lực để chấm các bài thi tự luận trong thời gian ngắn cho một kỳ thi rất đông thí sinh là điều không thể.

"Khi dùng phương pháp trắc nghiệm rất dễ ra các đề tổng hợp kiểu kết nối các đề thi đơn môn. Chẳng hạn, đề tổng hợp 3 môn có thể gồm 60 câu hỏi, mỗi môn chỉ cần 20 câu là đủ.

Chấm bài thi theo đề tổng hợp sẽ có cả điểm chung và các điểm thành phần, tạo thuận lợi cho các trường đại học chọn thí sinh theo loại điểm họ mong muốn", vị chuyên gia về làm đề thi phân tích các điểm lợi của thi trắc nghiệm.

GS Thiệp cũng đề xuất thêm, đối các môn rất cần đánh giá khả năng diễn đạt hoặc giải quyết vấn đề như Ngữ văn và Toán có thể thêm một đề tự luận ngắn, giới hạn thí sinh làm trong khoảng 30 phút, trình bày không quá một trang A4.

Đề tự luận ngắn buộc thí sinh phải suy nghĩ cẩn thận trước khi viết để nâng cao chất lượng bài làm và cũng tiết kiệm công chấm bài.

Tổ chức nhiều lần/năm

Có thể sử dụng một kỳ thi cho 2 mục tiêu tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học vì bản chất 2 kỳ thi đều là đánh giá thành quả học tập theo chương trình phổ thông.
kỳ thi quốc gia 2015
GS Lâm Quang Thiệp đề xuất có nhiều cơ hội cho thí sinh tham dự kỳ thi quốc gia 
Tuy nhiên, để phục vụ cho việc tuyển sinh đại học, nên mở rộng đối tượng được phép dự thi, chẳng hạn những người đã thi nhưng muốn nâng điểm để dự tuyển đại học, hoặc những người tự học, không học phổ thông nhưng muốn có điểm để được xác định trình độ và dự tuyển đại học.

Một kỳ thi quốc gia có tính chất như vậy có thể tổ chức nhiều lần trong năm, xem như tạo cơ hội để thí sinh nâng dần trình độ để được vào đại học.  Có các kỳ thi quốc gia như vậy thì các trường đại học không bị sức ép lấy thí sinh quá kém.   

Các trường đại học có quyền “tự chủ tuyển sinh” không có nghĩa là họ có quyền tổ chức kỳ thi tuyển sinh, vì tổ chức một kỳ thi tuyển sinh thật sự có chất lượng là rất khó và rất tốn kém, phần lớn các trường đại học không làm được.

Ở các nước tiên tiến đều có tổ dịch vụ thi chung để các trường đại học dựa vào kết quả đó mà tự chủ tuyển sinh. Cho nên Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên thả nổi hoàn toàn cho mọi trường đại học quyết định việc tuyển sinh.

"Ở Nhật Bản, mọi trường đại học công đều phải dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia để tuyển sinh, một số trường lớp trên có thể đưa thêm các giải pháp bổ sung, chỉ các trường tư được tự chọn sử dụng hay không sử dụng kỳ thi chung", ông Thiệp dẫn chứng.

Vị chuyên gia này cũng thông tin thêm hiện nay này nhiều bộ phận trong và ngoài nhà nước đã có sự chuẩn bị công nghệ khá đầy đủ cho hoạt động này, do đó chúng ta có thể tổ chức một kỳ thi quốc gia có chất lượng.

Vấn đề là phải khai thác trí tuệ của toàn xã hội, đặc biệt là của các chuyên gia trong nước, rất tiếc là trong thời gian qua Bộ GD-ĐT chưa quan tâm đến điều đó.

"Hy vọng lần này chấp hành chỉ đạo quyết tâm của Thủ tướng, ngành giáo dục nước ta sẽ tổ chức thành công kỳ thi quốc gia hợp nhất ngay trong năm 2015, và cải tiến dần trong những năm sau, theo tiến trình đổi mới giáo dục", GS Thiệp bày tỏ mong muốn.

  PGS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Đề thi nằm trong SGK

PGS Trần Xuân Nhĩ
PGS Trần Xuân Nhĩ 

Tôi rất hoan nghênh nếu chủ trương này được sớm thực hiện. Nếu Bộ GD-ĐT làm được việc này là đã có sự đổi mới trong tư duy. Trước đấy Bộ GD-ĐT dự kiến 2016 mới thực hiện một kỳ thi quốc gia, nhưng giờ Bộ giờ đã chấp nhận chỉ có 1 kỳ thi ngay trong năm 2015 để xét công nhận tốt nghiệp và lấy căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng.


Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung cũng phù hợp với xu thế của thế giới là chỉ lấy kết quả thi phổ thông xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Bộ phải tiếp tục nhanh chóng công bố các thông tin đổi mới trước khai giảng để học sinh và phụ huynh được biết. Bộ GD-ĐT cũng phải tuyên truyền để giáo viên, cán bộ quản lý hiểu được vấn đề này để ủng hộ và có cách dạy nghiêm túc, không chú trọng bệnh thành tích.

Tôi hy vọng, với sự đổi mới tư duy của người đứng đầu ngành giáo dục thì kỳ thi này sẽ sớm được thực hiện.


Tôi cho rằng trong giai đoạn đầu thì chúng ta tổ chức môn thi với các bài thi tổng hợp.

Tôi đề xuất thi 5 bài thi. Trong đó, 3 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ là 3 môn đơn. Ngoài ra môn tích hợp là Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Khoa học Xã hội.(Sử địa, GDCD).

Câu hỏi này vẫn nằm trong kiến thức cách giáo khoa. Giai đoạn này chỉ có nên ra đề với 3 môn tổng hợp. Giai đoạn phát triển sau có thể tích hợp cao hơn.

Vấn đề tổ chức các môn thi không có gì phức tạp cả. Nếu học tủ, học vẹt, thí sinh sẽ nhất định không thành công bởi vì xác suất may rủi rất thấp. Thí sinh cũng không thể đoán biết được hết nội dung trong các câu hỏi.

Thực chất, với cách làm hiện nay, Bộ vẫn phải ra đề thi trong tất cả các môn. Nếu bài thi có những môn tổng hợp thì học sinh phải học hết. Còn nếu thi theo cách hiện nay chỉ khuyến khích học sinh học lệch.

Vì vậy, cần phải tuyên truyền để học sinh phổ thông phải hiểu được lợi ích của việc học toàn diện có ý nghĩa tích cực với việc học đại học và có kiến thức tốt để sau này đi làm.


Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn